Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2008

PAKISTAN : Bầu cử Quốc hội

18/02/2008_ Tổng thống Musharraf đánh cược tương lai qua cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra trong không khí bạo động.

Hơn 80 triệu cử tri Pakistan đi bầu Quốc hội trong bối cảnh khủng hoảng chính trị và đe dọa khủng bố của hồi giáo cực đoan. Quân đội và cảnh sát được đặt trong tình trạng báo động tối đa sau vụ khủng bố tự sát hôm thứ bảy. Đặc biệt là ở Lahore, thủ phủ bang Pendjab, nơi chiếm nhiều số ghế dân biểu nhất, hơn 58 ngàn quân được gởi đến tăng cường. Cuộc bầu cử này được Tổng thống Pervez Musharraf đánh giá là cực kỳ quan trọng cho tương lai Pakistan mà ông gọi là « Mẹ của các cuộc bầu cử », đưa Pakistan trở lại chế độ dân chủ. Nhưng theo giới phân tích, thế được thua duy nhất trong cuộc bầu cử này là tương lai của chính ông Musharraf.

Vì vậy, suốt mùa vận động tranh cử, không một đảng nào thông báo một cương lĩnh chính trị, một chương trình kinh tế rõ ràng. Các cuộc tranh luận chỉ tập trung vào một vấn đề, đó là Quốc hội mới có bỏ phiếu truất phế Tổng thống Musharraf hay không. Hay là cuối cùng ông sẽ phải hợp tác với một chính phủ dân sự chấp nhận ông. Từ thành phố đến tận cùng thôn quê, các ứng cử viên đối lập chỉ đưa ra một lập luận đơn giản : Vật giá leo thang, thiếu nước, thiếu gaz, đó là lỗi của Musharraf. Nói cách khác, ông phải ra đi.

Theo báo chí Pakistan, nếu cuộc bầu cử được diễn ra một cách trong sạch, thì đây là một cơ may lịch sử cho nước Pakistan, lật qua trang sử độc tài quân sự. Tổng thống Musharraf phải chấp nhận thực tế là uy tín của ông xuống rất thấp. Nhưng công luận Pakistan tin chắc là ông Musharraf và những người thân cận sẽ làm đủ mọi cách để đảng MLQ, hậu thuẫn ông không bị thất bại. Nhiều nhân chứng tố cáo nạn mua phiếu với giá tương đương với 100 euros. Thủ tướng bang Penjab, Pervaz Elahi, thân cận với ông Musharraf, bị tố lấy tiền trong ngân quỹ tài trợ cho cuộc tranh cử.

Trước đây, dưới áp lực của Hoa Kỳ, tướng Musharraf phải thương lượng với lãnh đạo đối lập, bà Benazir Bhutto, để chia quyền. Nhưng giải pháp lý tưởng dưới mắt của Mỹ đã bị đảo lộn sau khi bà Bhutto bị ám sát ngày 27 tháng 12 năm 2007. Từ nay đảng Dân tộc Pakistan do ông Asif Ali Zardari, chồng của bà Bhutto lãnh đạo, tố cáo chính quyền gian lận bầu cử và đe dọa tổ chức biểu tình sau cuộc bỏ phiếu. Một nhà đối lập khác là cựu thủ tướng Nawaz Sharif bị tướng Musharraf đảo chính năm 1999, cảnh báo : « Nếu bầu cử không trong sạch, tình hình sẽ đi đến hỗn loạn ».

Tương lai chính trị của tướng Musharraf phải chăng là sẽ được định đoạt trong những ngày tới. Nếu hai đảng đối lập liên kết với nhau và dành được đa số 2/3 tại Quốc hội, thì Tổng thống Musharraf có nguy cơ bị truất phế. Đảng dân tộc Pakistan, với sự hy sinh như một thánh tử đạo của bà Bhutto, có khả năng chiến thắng trong cuộc bầu cử này. Thế nhưng, ván cờ chính trị tại một quốc gia bị khủng hoảng thường xuyên như Pakistan, chắc chắn là không đơn giản. Ông Ali Zardari, chồng của bà Bhutto, lãnh đạo mới của đảng dân tộc Pakistan, tuy công kích ông Musharraf, lại không loại trừ giải pháp thành lập « chính phủ hoà hợp dân tộc » với Tổng thống Musharraf và phe quân đội.
Tú Anh
(Ảnh : pakistaniat.com : ông Pervez Musharraf)

Không có nhận xét nào: