24/02/2008_ Phải chăng văn hóa có thể cải biến trục của tội ác ? Đó là câu hỏi thú vị đặt ra ngày hôm nay khi Washington chuẩn bị cho dàn nhạc giao hưởng New York, trình diễn vào thứ ba sắp tới tại Bình Nhưỡng, thủ đô một quốc gia trước đây không lâu đã bị Tổng thống Georges Bush kết tội là kẻ thù không đội trời chung.
Buổi hoà nhạc tại Bình Nhưỡng của dàn nhạc New York Philharmonic sẽ đánh dấu sự kiện lịch sử, bởi lẽ đây sẽ là giao lưu văn hóa tầm vóc to lớn chưa từng thấy giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên, hai quốc gia đã giao tranh khốc liệt trong chiến tranh Triều Tiên từ 1950 đến 1953. Buổi hoà nhạc kể trên càng đáng chú ý, bởi vì lần đầu tiên, dàn Philharmonic New York sẽ mở đầu đêm trình diển với quốc ca của Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên và sau đó cống hiến cho thính giả Bắc Triều Tiên bản giao hưởng số 9 của nhà soạn nhạc Séc Antonin Dvorak mang tên là « Thế giới mới ». Tiếp tục chưong trình , một nét mới khác là tác phẩm mang tên « Một người Mỹ tại Paris » của nhà soạn nhạc George Gershwin, sẽ vang lừng tại Bình Nhưỡng, với điệu Jazz nổi tiếng, trong khi về mặt chính thức, Bắc Triều Tiên vẫn nghiêm cấm loại nhạc này, xem đó là thứ văn hóa đồi truy.
Cho dù Bắc Triều Tiên chưa rà soát chính sách kiểm duyệt của mình, nhưng chính quyền đã lên tiếng hoan nghênh cuộc giao lưu văn hóa và hy vọng sự kiện này sẽ kéo theo một bước đột phá trong quan hệ song phương. Hãng tin chính thức của chế độ Bình Nhưỡng đã đưa tin về chương trình này và cho biết là buổi hoà nhạc sẽ được truyền hình trực tiếp để tạo điều kiện cho người dân Bắc Triều Tiên tiếp cận với văn hóa Mỹ. Từ tháng 8 năm ngoái, Bình Nhưỡng đã chuyển lời mời dàn giao hưởng Mỹ New York Philharmonic sang Bắc Triều Tiên trình diễn. Thế nhưng từ đó đến nay, đàm phán đa phương nhằm giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên đã lâm vào bế tắc.
Tại Hàn Quốc, nhiều chuyên gia đánh giá là ngành ngoại giao văn hóa của Hoa Kỳ có khả năng tạo thêm lòng tin giữa hai chính phủ, để giải quyết khủng hoảng và biết đâu chừng, bình thường hóa quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng. Theo phái viên Mỹ tham gia đàm phán sáu bên, ông Christopher Hill, thì buổi hoà nhạc vào thứ ba tới này mang ý nghĩa « Bắc Triều Tiên bắt đầu cởi bỏ vỏ ốc của mình ». Hết lời dẫn. Cạnh đó, các nhà phân tích không khỏi so sánh sự kiện này với chính sách ngoại giao bóng bàn vào tháng tư 1971, khi đội tuyển Mỹ đã viếng thăm Bắc Kinh, tạo nhịp cầu cho quan hệ Mỹ Trung phát triển ngoạn mục sau đó. Quả vậy, việc này đã mở đường cho Tổng thống Mỹ Richard Nixon công du Bắc kinh một năm sau, vào 1972. Đây là bước chuyển biến cực kỳ lớn lao trong cán cân lực lượng tay ba thời kỳ chiến tranh lạnh.
Bảo Thạch
(Ảnh : Sảnh Avery Fisher thuộc Trung Tâm Lincoln, trụ sở của dàn nhạc giao hưởng New York)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét