Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Chủ Nhật, 3 tháng 2, 2008

SERBIA : Con ngựa thành Troie của Nga ?

03/03/2008_ Serbia chiếm vị trí chiến lược trong mặt trận thầm lặng giữa Nga và Liên Hiệp châu Âu.

Ngày hôm nay, tại Serbia, cuộc bầu cử tổng thống vòng hai mang ý nghĩa cử tri phải lựa chọn giữa đường lối thân Nga hay xích lại gần châu Âu. Tuy nhiên, giữa hai vòng bầu cử, vào ngày thứ ba 22 tháng giêng vừa qua, Matxcơva đã thành công một bước trong cuộc đọ sức với Liên Hiệp châu Âu để lôi kéo Serbia đứng về phe mình trong mặt trận năng lượng. Cụ thể là tập đoàn năng lượng khổng lồ Nga Gazprom đă mua được 51% cổ phần của công ty dầu hỏa quốc doanh NIS của Serbia, biến nước này thành một đồng minh mới trong kế hoạch thiết lập ống dẫn khí đốt South Stream mà Matxcơva dự định đưa vào hoạt động năm 2013. Với tỷ lệ 51% cổ phần của doanh nghiệp nhà nưóc Serbia được trao vào tay Nga, chính quyền Matxcơva có đủ sức mạnh để khống chế thị trường năng lượng của nước này. Việc này còn khiến ống dẫn khí đốt South Stream ngày càng đe dọa tính khả thi của dự án ống dẫn năng lượng Nabuco mà Liên Hiệp châu Âu và đằng sau họ là Hoa Kỳ chủ trương.

Số là hiện nay, 25% nhu cầu khí đốt của Liên Hiệp châu Âu được Nga cung cấp. Năm ngoái, e ngại rủi ro của sự lệ thuộc vào hãng khổng lồ Gazprom, Liên Hiệp châu Âu đã lên kế hoạch xây dựng ống dẫn khí đốt Nabuco, dài hơn 3000 cây số, nhằm trung chuyển nguồn năng lượng này từ Trung Á sang châu Âu. Điều quan trọng là Nabuco tránh không đi qua các lãnh thổ của Nga. Mặt khác, phần đầu của Nabuco được đấu nối vào mạng ống dẫn Bakou – Tbilissi – Erzurum, đặt tại Thổ Nhĩ Kỳ. Dự án này sẽ bảo đảm cho chủ quyền của Liên Hiệp châu Âu cũng như sự an toàn về năng lượng. Dự án, với chi phí lên đến hơn 4 tỷ €, trên nguyên tắc sẽ được đưa vào hoạt động năm 2012.

Hiềm một nỗi là nguồn vốn to lớn phải huy động đang gây nhiều bất trắc cho Nabuco. Ngoài ra, bị cạnh tranh bởi ống dẫn khí South Stream của Nga, hiệu quả của Nabuco ngày càng bị đặt nhiều nghi vấn. Nghịch lý là Bruxelles khó thuyết phục các nước Balkan, thành viên của Liên Hiệp châu Âu, ủng hộ Nabuco, thay vì ngả theo những lời chào hàng của Nga. Hiện nay, ngoài Serbia, dự án của Nga đã giành được sự yểm trợ của Bulgarie, Roumanie, Hungary, Áo và Ý.

Về phần mình, qua dự án South Stream, khi liên kết với Nga, Serbia chẳng những tìm được nguồn lợi kinh tế nhất định, mà hơn nữa, chỗ dựa vững chắc hơn vào Matxcơva, để có thể tìm đối sách về Kosovo. Xin nhắc lại là lãnh thổ Kosovo thuộc chủ quyền của Serbia nhưng có thể tuyên bố độc lập nay mai. Đây là một viễn ảnh khiến cho đông đảo cử tri Serbia phẫn nộ. Đổi lại, Matxcơva cũng tăng cường quan hệ chính trị với Beograd, với ý đồ biến đồng minh thân cận này thành một chiến hữu trong kế hoạch mở rộng vòng ảnh hưởng tại vùng Balkan và miền nam châu Âu, phá vỡ vòng đai mà Liên Hiệp châu Âu và Hoa Kỳ, thông qua tổ chức Hiệp ước Liên minh Bắc Đại Tây Dương, NATO, muốn thành lập ở sân sau khối Liên Xô cũ.
Bảo Thạch
(Ảnh : msnbcmedia3.msn.com : Tổng thống V.Putine và lãnh đạo Serbia tại điện Kremlin, trước lễ ký hiệp định hợp tác về năng lượng, ngày 25 tháng giêng 2008)

Không có nhận xét nào: