21/02/2008_ Sau sáu năm bị bắt làm con tin, nay đây mai đó trong rừng rậm Colombia, bị xiềng xích, bị ngược đãi, Ingrid Bétancourt ngày nay đã kiệt lực. Vào cuối năm ngoái, một cuộn băng vidéo và lá thư cuả bà gửi cho người thân đã gây nhiều xúc động, bởi vì Ingrid Bétancourt xuất hiện như một chiếc bóng đơn côi, gần kề cái chết. Chưa bao giời, Ingrid Bétancourt tuyệt vọng như vậy.
Từ 23 tháng 2 năm 2002, ngày Ingrid Bétancourt bị lực lượng du kích quân FARC bắt cóc, cho đến nay đã sáu năm trôi qua. Đó là sáu năm thừa sống, thiếu chết. Đối với bà cũng như với các con tin khác, ngày nay đã đến lúc gióng lên hồi chuông báo động, phải cứu nguy cho họ trước khi quá muộn.
Jonh Frank Pinchao, một người bạn đồng hành trên nỗi bất hạnh cuả Ingrid Bétancourt, một con tin của lực lượng FARC đã may mắn trốn thoát vào năm 2007, kể về bà như sau : « Tôi nói chuyện rất nhiều với Ingrid. Chúng tôi bàn đủ thứ chuyện, từ tôn giáo, chính trị đến chuyện riêng tư cá nhân và kết tình bạn hữu rất đẹp. Ingrid giúp đỡ và chỉ dẫn tôi rất nhiều và còn dạy tôi học tiếng Pháp. Nhưng sau khi Ingrid vượt ngục và bị bắt lại thì họ cấm bà tiếp xúc với những con tin khác. Sau vụ đào thoát bất thành, Ingrid bị đối xử rất là tàn nhẫn. Bà trở thành một thánh tử đạo, một người hy sinh cho lý tưởng, bị xiềng vào một thân cây suốt ngày đêm. Mỗi lần muốn đi tiêu, tiểu, phải xin phép mới được cởi trói. Du kích FARC có thái độ thù ghét Ingrid ra mặt. Mỗi lần bà có một động tác gì là họ lên mặt mắng nhiếc. Khi được đi tắm hồ, chúng tôi được phép bơi khoảng 10 mét, còn Ingrid thì không, làm gì cũng bị ngăn cản. Cuốn băng video cho thấy Ingrid còn sống làm tôi bàng hoàng. Tôi còn kinh ngạc khi thấy Ingrid tiều tụy, trái với hình ảnh bình thường của một người phụ nữ kiên cường ».
Một con tin Colombia khác đã được trả tự do tháng giêng vừa qua, bà Consuelo de Perdomo, cựu nghị sĩ tại Bogota, đã tường thuật về trạng thái tinh thần cuả mình, khi rơi vào tay lực lượng FARC : « Tôi nghĩ rằng với việc phóng thích con tin, lực lượng FARC đang muốn chứng tỏ với trong nước và thế giới là họ vẫn luôn luôn quan tâm tới việc thực hiện các thỏa ước nhân đạo. Họ đang xây dựng các mối liên hệ và đang làm thế nào để thỏa ước này có thể tiến triển. Theo tôi, lực lượng du kích đã nhầm lẫn trong một số phương thức đấu tranh. Nhưng tôi tin chắc rằng sớm muộn gì, họ cũng xét lại các phương thức đó. Quả thực họ đã lầm khi xem việc bắt cóc con tin như một phương tiện đấu tranh ».
Ngày nay, sáu năm sau khi Ingrid Bétancourt bị bắt cóc, gia đình bà rất lo lắng. Công luận Pháp đã dấy lên một chiến dịch vận động, đòi hỏi lực lượng FARC Colombia trả tự do cho bà vì lý do nhân đạo. Con trai bà, Lorenzo Deloye cũng rất bi quan. Anh yêu cầu cộng đồng quốc tế nỗ lực « trước khi các con tin được trả về trong các cỗ quan tài », hết lời dẫn. Hy vọng đối với các con tin vẫn còn le lói. Nhưng thực tế cho thấy hiện nay hồ sơ con tin Colombia đã lâm vào bế tắc.
Kể từ 1964, phong trào du kích quân theo chủ nghiã mác-xít FARC đã thách thức chính quyền trung ương Bogota với đường lối khủng bố. Ngày nay, con số du kích FARC được ước định bao gồm khoảng 8 000 người, tập trung trong các rừng núi hiểm trở của Colombia. Họ đang cầm tù hơn 700 con tin để trả giá với chính quyền của Tổng thống Alvaro Uribe.
Ông Uribe chủ trương xử dụng biện pháp mạnh không nhân nhượng. Theo ông, không thể thương lượng nếu FARC không trả tự do vô điều kiện cho các con tin. Trong khi du kích FARC đặt yêu sách chính quyền Bogota phải thành lập một khu vực phi quân sự trải dài 700 trăm cây số vuông thì họ mới giải phóng các con tin. Tranh chấp kéo dài, chưa ai xác định nổi bao giờ đôi bên mới tìm được phương thức đàm phán. Trong khi chờ đợi, bi kịch cuả bà Ingrid Bétancourt tiếp diễn. Cuộc sống của các con tin khác vẫn mỗi ngày thêm mong manh trong địa ngục rừng xanh Colombia.
Bảo Thạch
(Ảnh : Ingrid Betancourt trong cuộc vidéo ghi 24/10/2007)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét