SAGAN, phúc phận và hiểm họa của một cô gái 18 tuổi đã đạt vinh quang.
Bảo Thạch giới thiệu sách mới « Nhịp sống hối hả của Sagan » của nhà báo Marie Dominique Lelièvre.
Bảo Thạch giới thiệu sách mới « Nhịp sống hối hả của Sagan » của nhà báo Marie Dominique Lelièvre.
Françoise Sagan là tác giả của một tiểu thuyết : « Bonjour tristesse » - « Buồn ơi chào mi », xuất bản 1954.
Cho đến khi qua đời năm 2004, Françoise Sagan đã sáng tác không ngừng. Thế nhưng, trên dưới 30 tác phẩm sau này, gồm nhiều thể loại, không để lại dấu ấn nào trong văn học nước Pháp. Bà bị đánh giá là một nhà văn xoàng xĩnh, với những tiểu thuyết tầm thường, mang những chủ đề nhỏ, xoay quanh các cuộc săn đuổi ái tình trong giới thượng lưu. Tương phản với phán quyết về sự nghiệp viết văn chủ yếu để kiếm tiền, giá trị cuả tiểu thuyết « Buồn ơi chào mi » vẫn được nhiều đọc giả bảo vệ. Đặc biệt là guơng mặt Sagan, lối sống phóng túng của bà, cuộc đời liều lĩnh đến độ vong thân của Sagan vẫn hấp dẫn công luận.
Hiện nay, tại Pháp, quyển sách '' Sagan à toute allure '', tạm dịch là « Cuộc sống hối hả của Sagan », của nhà báo Marie Dominique Lelièvre đang được mọi người chú ý bàn tán. Ở bìa sau tập tiểu sử này, nữ sĩ Sagan được giới thiệu như sau : « Françoise Sagan có những sở thích của một chàng công tử playboy, đó là tìm được càng nhiều tiền càng tốt để tự do tiêu pha, bay nhảy trong các cuộc vui, sa đà vào các trận cờ bạc, mua sắm các con ngựa đua, sưu tầm các xe hơi đắt tiền, chinh phục được thật nhiều mỹ nhân ».
Quả thật, nếu Sagan, gương mặt độc đáo của văn đàn Pháp nửa sau thế kỷ 20, đã đầu tư trí tuệ và tài năng vào một tiểu thuyết, thì bà đã dốc toàn lực vào cuộc sống vô độ, để cuối cùng chết trong sự cô đơn, không một đồng xu dính túi. Nhưng cho đến nay, không ai quên được Sagan, một thứ biểu trưng của thời đại, thiêu đốt cuộc đời mình trên đỉnh vinh quang, vung vãi tiền để tìm hưởng thụ, nghiện nghập rượu chè, ma túy, buông tuồng quậy phá không giới hạn, vô tư, hớn hở, thông minh, làm bạn với nhiều giang hồ và các tên côn đồ vaò tù ra khám, nhưng Sagan cũng được tổng thống François Mitterrand mến mộ và tiếp xúc. Bà cũng được các nhà triệu phú và thế gìới trọng vọng.
Bước vào đời, Sagan đã sớm nếm mùi vị ngọt dịu cuả vinh quang. Năm 1954, « Buồn ơi chào mi » được xuất bản vào lúc tác giả chỉ mới 18 tuổi. Một sớm một chiều, cô gái mới lớn này nổi danh trên toàn nước Pháp và ở nhiều nước khác nữa trên thế giới. Quyển sách đầu tay của Sagan được dịch ngay sang 14 ngoại ngữ. Trong vòng 12 tháng, một triệu ấn bản được tiêu thụ. Tại Hoa Kỳ, trong vòng hai năm, « Buồn ơi chào mi », năm 1957, đạt con số chóng mặt, hai triệu ấn bản.
Tiêu tiền như nước, Sagan là nguồn cảm hứng cho cả một thế hệ. Có lẽ Sagan còn đóng vài trò hình mẫu thời trang đầy hoang tưởng trong một xã hội Pháp lúc bấy giờ vừa thoát khỏi chiến tranh, khát khao quên đi nỗi nhục bị Đức chiếm đóng. Với « « Buồn ơi chào mi », người ta đã phát hiện ra một nhãn hiệu, nhãn hiệu SAGAN, một loại ChANNEL của thời đại hậu chiến. Sau này, với sự tỉnh táo đượm ít nhiều nét khinh bạc, Sagan thổ lộ : « Vinh quang, tôi đã được vinh quang vào lúc 18 tuổi. Dưới dạng tập sách 188 trang giấy, vình quang ập đến như một vụ nổ long trời lở đất. Từ đó trở đi, tôi trở thành một món hàng, một vật dụng : Đó là hiện tượng SAGAN, huyền thoại SAGAN. Tôi mang nhiều mặc cảm. Tôi bị làm con tin của nhân vật tôi thủ vai. Tôi như kẻ bị kết án chung thân phải viết về những màn chăn gối hờ hững, không một chút thi vị, giữa những nhân vật nồng nặc mùi rượu, ú ớ vài câu tiếng Anh, hay dõng dạc tung ra những câu cách ngôn giả tạo ». Hết lời trích.
Với bạc triệu trong tay, phung phí vào các loại xe hơi đắt tiền, nào Jaguar, nào Gordini, nào Lotus Elan, nào Ferrari, tiêu xài không phải tính toán trong các sòng bạc Casino. Kết hôn chớp nhoáng hai lần rồi ly dị cũng nhanh chóng, nghiện rượu rồi ma túy đủ kiểu, say mê trong nhiều cuộc tình đồng giới, săn bắt biết bao nhiêu là người đẹp trong đó có cả nữ ca sĩ Juliette Gréco và nữ diễn viên Mỹ Ava Gardner, Sagan như một đứa trẻ được nuông chiều, không học được sự kiềm chế bản năng, không được vũ trang đối mặt với thực tế, không tìm được sự thanh thản nội tâm để có thể sáng tác. Trái lại, lúc nào cô gái cũng cần sự ồn ào, trác táng và sự có mặt của những người chung quanh, lúc thì tài tử giai nhân, lúc thì đám bán chôn nuôi miệng. Họ phóng xe 180 – 200 cây số một giờ trên các nẻo đường ăn chơi hay bước lên máy bay phản lực sang tận Ý để dùng cơm tối. Một lần, cùng với tổng thống François Mitterrand công du sang Colombia, Sagan một mình ngất xỉu, hôn mê trong khách sạn vì ma túy quá độ.
Con thiêu thân Sagan lúc nào cũng như bay lượn bên bờ miệng hỏa diệm sơn. Sau « Buồn ơi chào mi », Sagan còn viết rất nhiều, nhưng cốt yếu để trả nợ tiền ứng trước của nhà xuất bản. Rồi một ngày, Sagan sa lầy vào một vụ án đầy mờ ám, liên lụy đến cả Nhà nước Pháp, đó là vụ án công ty dầu hoả Elf. Sagan bị kết án 12 tháng tù treo năm 2002 vì gian lận thuế trong một vụ lường gạt lên đến 4 triệu Francs Pháp mà nhiều người cho rằng bà chi là nạn nhân. Nhưng 2002, Sagan đã từ lâu chỉ còn là một chiếc bóng. Tài sản đã phá sạch. Nhà cửa cũng không còn. Bà phải nương tựa bạn bè. Bà thổ lộ : Mua một bao thuốc lá cũng phải ngửa tay. Tại sao cô gái có bản lĩnh, đầy hứa hẹn này không làm nên được sự nghiệp ? Không chỉ riêng Sagan, thế hệ hậu chiến tài hoa của Pháp cũng thiếu vắng tác phẩm tầm vóc. Trong tiểu sử « Sagan, cuộc sống hối hả », tác giả đặt giả thuyết : Có thể là Sagan và thế hệ này đã không dám, không tự giành cho mình quyền thăm dò những bí mật của quá khứ, của những năm tháng đệ nhị thế chiến. Tài năng của họ đã bị giới hạn ở chỗ ngòi bút của họ không chọc thủng cái vùng tăm tối những năm 40, khi nước Pháp đã từ nhiệm trước nạn Đức quốc xã và cộng tác với kẻ chiếm đóng. Không hề xuất hiện một tác phẩm nào nói về thời kỳ u ám này. Họ đã không thể viết về, xin trích trang 207, sự xấu hổ, nỗi nhục hoặc sự hờ hững có tội của xã hội Pháp lúc đó. Hết lời dẫn. Có lẽ bởi vậy mà từ hơn 50 năm qua, tiểu thuyết không còn kể truyện vì cả một vùng úy kỵ - tabou – vẫn lù lù nhưng được bảo vệ, như thể người ta bảo vệ những bí mật đen tối khó nói. Cũng từ những năm 50 trở đi, trên văn đàn Pháp lại xuất hiện trưòng phái Tân Tiểu thuyết. Không phải ngẫu nhiên mà những nhà văn thuộc Tân Tiểu thuyết đã thử nghiệm rất nhiều trò mới, nhưng đã thủ tiêu kết cấu câu chuyện và thủ tiêu luôn nhân vật. Mượn lời một nhà văn có trình độ lý luận là Milan Kundera, tác giả trích dẫn lời phê phán này : « Pháp là một đất nước mệt mỏi, nơi mà các tình cảm chỉ còn tồn tại dưới dạng hình thức », hết lời dẫn. Đây cũng có thể là lời điếu văn khúc chiết cho sự nghiệp Françoise Sagan.
01/02/2008
NGHE TẠP CHÍ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét