12/02/2008_ Một vụ tai tiếng tham ô có liên quan trực tiếp đến phu quân của Tổng thống Philippines đang đe dọa chiếc ghế lãnh đạo của bà Gloria Arroyo.
Từ nhiều tuần lễ nay, nhiều cuộc biểu tình tại thủ đô Manila đòi Tổng thống Gloria Arroyo phải từ chức. Phong trào xuống đường diễn ra trong bôí cảnh Thượng viện Philippines mở cuộc điều tra về lời tố cáo luật sư Jose Miguel, chồng của bà Arroyo và cựu Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Benjamin Abalos có dính líu đến một loạt vụ hối lộ để Philippines ký với tổ hợp Trung Quốc ZTE hợp đồng thiết lập hệ thống internet, trị giá 329 triệu đôla. Vụ việc này do một doanh nhân Philippines tố cáo hồi năm ngoái. Tổng thống Arroyo buộc phải ra lệnh hủy bỏ hợp đồng này. Nhưng tai tiếng không ngừng ở đó vì vào ngày mồng 5 tháng hai vừa qua, Chủ tịch Hạ viện Philippines Jose de Venecia bị đa số dân biểu thuộc phe bà Arroyo bỏ phiếu cách chức. Nhân vật này là thân phụ của doanh nhân Joey de Venecia, người tố cáo vụ tham nhũng kể trên. Ông Joey de Venecia cho đây là một vụ trả thù cá nhân.
Theo giới phân tích, khi dàn dựng vụ cách chức Chủ tịch Hạ viện Jose de Venecia, Tổng thống Arroyo đã đi quá đà. Trước hết đây không phải là lần đầu tiên chiếc ghế tổng thống của bà Arroyo bị đe dọa. Không kể hai lần bị đảo chính hụt, bà thoát được ba vụ bỏ phiếu truất phế tại Hạ viện nhờ vào sự trợ giúp của ông Jose de Venecia. Lần này tình thế trở nên nguy hiểm hơn nhiều. Một nhân chứng then chốt, kỹ sư điện tử Lozenda, người có tham dự vào thương lượng hợp đồng với công ty Trung Quốc, xác nhận có vụ tham nhũng này. Khi biết ông có ý định tố cáo, cựu Chủ tịch Ủy ban Bầu cử Benjamin Abalos đe dọa giết ông để bịt miệng, cho nên ông phải im lặng một thời gian. Nay thì ông sẵn sàng ra điều trần trước Thượng viện. Bản thân ông Abalos, một người bạn thân của chồng Tổng thống Arroyo, buộc phải từ chức khi tai tiếng nổ ra.
Tình thế còn biến chuyển bất lợi hơn cho Tổng thống Philippines vì Giáo hội Công giáo công khai ủng hộ phong trào tố cáo tham nhũng. Chủ nhật vừa qua, Hội đồng Giám mục Philippines một mặt lên tiếng hậu thuẫn Chủ tịch Hạ viện bị cách chức và nhân chứng Lozenda, mặt khác, kêu gọi công luận Philippines gây sức ép để làm sáng tỏ vụ hối lộ có liên quan đến những người thân cận nhất của Tổng thống. Tổng Liên đoàn các Nhà Xuất khẩu Philippines, đại diện cho một bộ phận doanh nghiệp quan trọng của nước này cũng thúc giục Thượng viện nhanh chóng điều tra vì các cuộc xuống đường hàng ngày bắt đầu có ảnh hưởng xấu đến đầu tư.
Chủ tịch Hội đồng Giám mục Philippines, đức cha Angel Lagdameo khen ngợi cựu Chủ tịch Hạ viện và ông Lozenda là những người can đảm, tố cáo vụ tham ô ở thượng tầng lãnh đạo. Ông còn cho đây là một biến cố do « ý trời » nhằm cứu dân tộc Philippines khỏi tệ nạn làm con tin của một chính quyền tham ô. Đức cha Chủ tịch Giáo hội Công giáo còn kêu gọi người dân Philippines ủng hộ nỗ lực của các tổ chức tôn giáo trong việc tố giác tham ô và cùng tham gia các buổi cầu nguyện chống nạn tham nhũng trong chính quyền. Sự kiện Giáo hội Công giáo Philippinnes công khai tỏ thái độ cho thấy bất công xã hội đã trầm trọng đến mức người tu hành không thể ngồi yên. Một thẩm định của Ngân hàng Thế giới công bố năm 2000 cho biết, trung bình mỗi năm tại Philippines, nạn tham ô làm thiệt hại cho ngân sách quốc gia 47 triệu đô la. Số tiền bị thất thoát trong 20 năm trước đó tính đến năm 1997 là 48 tỷ. Tính ra thì bao nhiêu cầu đường, nhà thương, trường học bốc thành sương khói.
Trên nguyên tắc, nhiệm kỳ của bà Arroyo chấm dứt vào năm 2010. Dù tên tuổi cá nhân không bị nêu lên trong vụ tham nhũng này, nhưng một lần nữa chiếc ghế tổng thống của bà bị đe dọa và lần này có vẻ nghiêm trọng. Cách nay 32 năm, cũng vào tháng hai năm 1986, khi Giáo hội Công giáo Philippines tỏ lập trường ủng hộ dân chủ hóa, nhà độc tài đầy quyền sinh sát Ferdinand Marcos đã phải lưu vong.
Tú Anh
(Ảnh : AFP : Tổng thống Gloria Arroyo và phu quân Jose Miguel Arroyo)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét