Vận hội dựng nước đã đến tay. Người Kosovo gốc Albanie hy vọng độc lập ngày hôm nay, sẽ cho phép sớm phát triển kinh tế cho đất nước mình và mau chóng được cộng đồng quốc tế công nhận. Thách thức lớn nhất đặt ra cho Kosovo độc lập, đó là thoát khỏi cảnh nghèo đói, để tự khẳng định như một thực thể kinh tế bền vững.
Ngày hôm nay, 10 năm sau khi chiến tranh kết thúc, ưu tiên số một cuả Kosovo là phát triển nền kinh tế. Tám năm trời dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc cùng hàng tỷ đô la của các nước châu Âu đổ vào đã chẳng làm đựoc gì. Về mặt kinh tế, rõ ràng là thất bại. Một nửa người dân Kosovo vẫn đang phải sống trong tình trạng nghèo khó, hơn 45% dân số bị thất nghiệp. 1/3 thanh niên thất học không việc làm. Tất nhiên là các chương trình sau chiến tranh cũng đã giúp xây dựng lại các khu dân cư và hạ tầng cơ sở hay tái thiết lại một vài tuyến đừong bộ. Thế nhưng phần còn lại của hệ thống đường bộ vẫn tan nát, một số làng mạc vẫn bị cắt điện, đôi lúc tới 12 giờ mỗi ngày. Gần như cả nền kinh tế Kosovo đều tập trung vào tiểu thương và hệ thống chợ đen hoạt động giống như tội phạm có tổ chức. Bởi vậy, nền kinh tế Kosovo phụ thuộc chủ yếu vào viện trợ quốc tế và tiền của cộng đồng người Albanie ở hải ngọai và những người gốc Albanie ra nước ngoài làm ăn gửi về. Tuy nhiên vẫn tồn tại một viễn cảnh nhất là trong khu vực năng lượng. Kosovo có khá nhiều mỏ than và khóang sản. Đây vẫn chỉ là một hy vọng nhỏ nhoi bởi guồng máy sản xuất của Kosovo đang rất cần được đầu tư đáng kể. Ủy ban châu Âu sẽ phải trợ giúp kinh tế cho Kosovo. Khoản viện trợ 400 triệu € cho giai đọan từ 2007-2011 đã đựoc thông qua và có thể sẽ còn phải bổ sung thêm 200 triệu € nữa.
Liệu nước Kosovo có thể tồn tại lâu dài như một thực thể kinh tế, nếu không nhận được các nguồn viện trợ ồ ạt từ nước ngoài ? Đó là câu hỏi mấu chốt mà nhiều chuyên gia đã đặt ra vào ngày hôm nay. Nhà nước mới khai sinh Kosovo đang đặt kỳ vọng vào các vốn đầu tư mà Liên Hiệp châu Âu và Hoa Kỳ dự trù sẽ huy động vào những ngày sắp tới, thông qua việc tổ chức HộI nghị các Nhà Tài trợ cho Kosovo. Mặt khác, để có thể được các định chế quốc tế, như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế giúp đở, Kosovo còn cần phải được gia nhập các tổ chức này. Đây sẽ là chặng đường đầy trắc trở, bởi lẽ nền độc lập của Kosovo, kể từ hôm nay, sẽ đặt nhiều quốc gia trên thế giới trước sự lựa chọn khó khăn.
Trong số các địch thủ của Kosovo, phải kể đến Serbia, nước vẫn xem lãnh thổ này thuộc chủ quyền cuả mình. Đồng minh của Serbia là Nga cũng sẽ sử dụng mọi lá bài trong tay để ngăn chặn việc công nhận Kosovo, không những tại Liên Hiệp Quốc mà trong tất cả các tổ chức quốc tế khác. Trung Quốc, cường quốc duy nhất đại diện Châu Á, trong số năm nước có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an, cũng sẽ tẩy chay Kosovo trong một thời gian dài trước mắt, bởi vì công nhận nền độc lập cuả Kosovo sẽ là một hiểm họa đối với Bắc Kinh, có nguy cơ thúc đẩy phong trào đòi ly khai tại Tân Cương.
Ngay tại vùng Balkan, sự kiện Kosovo độc lập đang gây rúng động cho Bosnia- Herzgovina. Người Serbia tại nước này, cũng như cộng đồng Serbia tại Macedonia và ngay tại Kosovo, ngày hôm nay, sẽ vin vào tiền lệ này để muốn tách ly khỏi các quốc gia vừa kể. Tác động dây truyền sẽ khó mà lường trước, cho nên ý nghĩa trọng đại của việc Kosovo dựng nước, chưa thể kết luận vào là lúc này sẽ mang lại thêm ổn định cho khu vực, hay là ngược lại, báo hiệu cho một thời kỳ đầy bất trắc cho vùng Balkan trong những năm tháng sắp tới. Cũng chính bởi vì các lẽ đó mà sáu quốc gia trong Liên Hiệp châu Âu là Tây Ban Nha, Hy Lạp, Chypre, Roumanie, Bulgarie và Slovaquia đã tuyên bố không công nhận Kosovo trong ngắn hạn.
Thế nhưng, nước cờ quyết định tại vùng Balkan kể từ khi Liên xô cũ sụp đổ và nhất là sau khi chiến tranh kết thúc năm 1999, nằm trong tay của Hoa Kỳ và Liên Hiệp châu Âu. Trước các mối đe dọa của Matxcơva, chính quyền Washington sẽ tiến thêm một bước trong đối sách ổn định vùng Balkan thông qua dự án kết nạp các nước như Croatia, Albanie và Macedonia làm thành viên thực thụ của NATO. Liên Hiệp châu Âu cũng sẽ đẩy mạnh nhịp độ rà soát lại chính sách đối với vùng Balkan để tìm hoà giải với Serbia, đối thoại với Nga, mở ra một ngõ thoát trong trật tự cho khu vực nhậy cảm này.
Bảo Thạch
(Ảnh : AP : Người dân Kosovo chào mừng nền độc lập tại thủ đô Pristina)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét