10/02/2008_ Chính quyền Miến Ðiện, ngày hôm qua, đã chính thức loan báo việc tổ chức trưng cầu dân ý về bản Hiến pháp mới vào tháng năm tới đây và khả năng bầu cử quốc hội đa đảng vào năm 2010.
Sau đợt đàn áp đẫm máu phong trào biểu tình hồi tháng 9 năm ngoái và chiến dịch này vẫn đang tiếp diễn, thông báo nói trên có thể được xem là một bước tiến. Thế nhưng, theo hầu hết các nhà phân tích, quyết định cho tổ chức các cuộc bỏ phiếu thực chất chỉ là một trò hề được giới tướng lãnh dàn dựng nhằm củng cố thêm quyền lực của họ mà thôi. Thật vậy, phải trở ngược về gần hai thập niên trước đây mới thấy một cuộc bầu cử thực sự dân chủ tại Miến Ðiện.
Vào năm 1990, Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ của bà Aung San Suu Kyi toàn thắng với hơn 80 % số phiếu. Tuy nhiên, giới tướng lãnh quân đội nắm quyền từ thời ấy đã thủ tiêu kết quả bầu cử để tiếp tục độc quyền cai trị đất nước bằng bàn tay sắt. Trước sức ép của quốc tế, nhất là từ phương Tây, tập đoàn quân sự đã đề ra một tiến trình cải tổ dân chủ với trọng tâm là soạn thảo một bản Hiến pháp mới. Ngay từ năm 1993, họ đã thành lập một Ðại hội Quốc Dân, mang tiếng là đại diện cho mọi thành phần tại Miến Ðiện. Ðại hội này có nhiệm vụ suy nghĩ về nội dung bản Hiến pháp mới. Thế nhưng, khoảng một ngàn đại biểu của Ðại hội Quốc Dân Miến Ðiện lại do chính tập đoàn quân sự chọn lọc kỹ lưỡng, do đó, họ răm rắp tuân lệnh các tuớng lãnh. Cái gọi là trò hề dân chủ đó, dĩ nhiên đã nhanh chóng bị Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ tẩy chay. Cho dù nắm chắc Ðại hội Quốc Dân trong tay, chính quyền quân sự Miến Ðiện vẫn không vội vã thúc đẩy công việc của cơ chế này và phải chờ 14 năm ròng rã thì Ðại hội mới đúc kết xong các cuộc thảo luận.
Ngày mồng 3 tháng 9 năm ngoái, các nhà theo dõi tình hình Miến Ðiện đã ngỡ ngàng khi khám phá ra những nội dung chính được đề nghị đưa vào bản Hiến pháp mới của nước này. Theo Ðại hội Quốc Dân, Hiến pháp mới của Miến Ðiện phải bảo đảm quyền lực tuyệt đối của các tướng lãnh. Tổng thống tương lai của nước này phải xuất thân từ quân đội, trong lúc 25 % nghị sĩ phải là quân nhân. Với các nội dung trên, rõ ràng là mục tiêu đề ra không ngoài việc củng cố quyền lực độc tôn của quân đội tại nước này. Chính bản Hiến pháp nói trên, một khi soạn thảo xong, sẽ được đưa ra để trưng cầu dân ý vào tháng 5 tới đây. Theo giới phân tích, nếu văn kiện này được người dân tán đồng, chế độ quân phiệt sẽ được Hiến pháp Miến Ðiện công nhận. Còn nếu bị bác bỏ, thì giới tướng lãnh vẫn tiếp tục nắm quyền, viện lẽ người dân không muốn thay đổi.
Ðối với ông Aung Naing Oo, chuyên gia phân tích về Miến Ðiện ở Thái Lan, bản Hiến pháp, về căn bản, mới chỉ nhằm mục tiêu hợp thức hoá vai trò chủ đạo của quân đội trong chính quyền Miến Ðiện. Trong tình hình đó, cũng dễ hiểu là hầu hết giới quan sát đều coi tiến trình dân chủ hoá Miến Ðiện hiện do tập đoàn quân sự chủ trương là một trò hề.
Trọng Nghĩa
(Ảnh : AFP : Quân đội Miến Điện trong đợt đàn áp biểu tình tháng 9 năm 2007)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét