15/02/2008_ Từ hơn 90 % vào năm 2004, khi ông mới lên cầm quyền, thay thế nhà cựu lãnh đạo Mahathir, chỉ số được lòng dân của đương kim thủ tướng Malaysia, Abdullah Badawi, hiện rơi xuống khoảng 60 % trong những cuộc thăm dò dư luận mới nhất. Uy tín của ông Badawi sụt giảm trong bối cảnh liên minh cầm quyền Mặt trận Quốc gia, bao gồm 14 đảng đứng đầu là Tổ chức Dân tộc Mã Lai Thống nhất UMNO của ông Badawi, sắp phải đối mặt với cử tri nhân cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn.
Theo giới quan sát, các đảng đối lập Malaysia chắc chắn sẽ vươn lên nhờ thái độ bất bình ngày càng tăng của người dân đối với đảng đã cầm quyền tại nước này từ năm 1957 đến nay. Nguyên nhân tạo ra các nỗi bất bình rất nhiều, nhưng quan trọng nhất có lẽ là chính sách dân tộc, thiên vị người gốc Mã Lai và kỳ thị một số cộng đồng khác do chính quyền của đảng UMNO thực hiện trong thời gian qua.
Phải nói là cho đến gần đây, các cộng đồng chính tạo thành nước Malaysia chung sống khá tốt bên nhau. Trên tổng số 27 triệu dân của nước này, có 60 % là người gốc Mã Lai theo Hồi giáo, 25 % gốc Hoa, 8 % gốc Ấn Độ.
Để nâng đỡ thành phần gốc Mã Lai, chính quyền do đảng UMNO kiểm soát trong thời gian qua đã thực hiện một chính sách có thể gọi là « phân biệt đối xử tích cực », ưu đãi thành phần này trong công ăn việc làm, học tập, đào tạo v.v.
Vấn đề là khi nâng đỡ người gốc Mã Lai, chính quyền Malaysia đã sa vào thái cực ngược lại là kỳ thị người gốc từ các nơi khác, đặc biệt là người gốc Ấn Độ.
Từ cuối năm ngoái, cộng đồng người gốc Ấn đã công khai xuống đường để tố cáo các chủ trương bị họ coi là phân biệt đối xử và bất công đối với họ. Những người gốc Ấn cảm thấy bị chính quyền bỏ bê, bạc đãi trong công ăn việc làm, giáo dục hay kinh doanh. Đời sống kinh tế của họ gặp nhiều khó khăn nhưng không hề được chính quyền đoái hoài.
Để đối phó với phong trào phản đối này, chính quyền Malaysia lại dùng đến võ lực, đã bắt giữ và giam cầm vô thời hạn 5 thủ lĩnh chính của cộng đồng gốc Ấn Độ, dựa theo đạo luật về an ninh nội chính khắc nghiệt của nước này. Đối với cộng đồng người Hoa, chiếm một phần tư dân số Malaysia, các bất bình cũng có, nhưng nhìn chung thì cộng đồng này vẫn im hơi lặng tiếng để dễ dàng làm ăn. Theo một số nguồn thống kê, thì người Hoa hiện kiểm soát 60 % nền kinh tế Malaysia.
Với quyền lợi thiết thân quan trọng như vậy, giới phân tích cho rằng người Hoa đang lo ngại trước khả năng người Hồi giáo Mã Lai phản ứng gay gắt trước đà vươn dậy về mặt chính trị của người gốc Ấn Độ. Điều này sẽ tạo ra bất ổn định, gây khó khăn cho công cuộc kinh doanh của người Hoa. Dẫu sao thì phong trào phản kháng bộc lộ công khai của cộng đồng thiểu số gốc Ấn Độ đã được giới phân tích xem là dấu hiệu rõ nhất cho thấy chính sách gọi là đoàn kết đân tộc do đảng cầm quyền thực hiện từ 50 năm qua đã có dấu hiệu rạn nứt, nếu không muốn nói là đổ vỡ.
Theo giới quan sát, nhân cuộc bầu cử sắp tới đây, sự phân hoá trong các cộng đồng tại Malaysia sẽ thể hiện rõ nét, với cộng đồng người Ấn Độ chuyển qua ủng hộ phe đối lập, trong lúc cộng đồng Hồi giáo Mã Lai sẽ cố gắng ủng hộ đảng cầm quyền. Trong tình hình như vừa kể, Mặt trận Quốc gia đang cầm quyền khó có thể đạt được kỷ lục cách đây 4 năm khi chiếm được 90 % trên tổng số 222 ghế dân biểu tại Quốc hội vừa bị giải tán để bầu lại.
Trọng Nghĩa
(Ảnh : Reuters : Biểu tình của một nhóm người Malaysia gốc Ấn, tại thành phố Klang, ngoại ô Kuala Lumpur, ngày 26/11/2007, sau khi một số thủ lĩnh của họ được trả tự do)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét