29/02/2008_ Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng hai này, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam lên tới 15,7%, mức cao nhất kể từ một thập niên qua, vào lúc chính phủ đang cố gắng đề ra các biện pháp kiểm soát giá cả trong một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á. So với cùng thời kỳ này năm ngoái, giá lương thực, thực phẩm tăng 25,2% còn giá địa ốc, nguyên vật liệu xây dựng tăng 16,4%.
Nhìn trên phạm vi vĩ mô, theo giới phân tích, được tờ International Herald Tribune trích đăng, lạm phát tại Việt nam, nước hiện có tỷ lệ cao nhất tại Đông Nam Á, là do bối cảnh quốc tế và các yếu tố nội tại của nền kinh tế.
Trong thời gian qua, nhiên liệu và thực phẩm đều tăng giá trên thị trường thế giới và Việt Nam chịu áp lực lạm phát mạnh nhất bởi vì có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao liên tục trong nhiều năm, năm 2007, tỷ lệ này là 8,5%, trong khi đó, nguồn đầu tư trực tiếp của nước ngoài tăng nhanh, đặc biệt là kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.
Chính sách tỷ giá hối đoái là một trong những nguyên nhân làm cho lạm phát tăng lên. Theo ông Jonathan Pincus, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế thuộc tổ chức Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Hà Nội, tỷ giá đồng tiền Việt Nam gắn liền trên thực tế với đồng đô la Mỹ đang bị xuống giá rất mạnh. Thế nhưng, Việt Nam lại nhập khẩu nhiều mặt hàng, đặc biệt là nguyên vật liệu xây dựng từ Trung Quốc trong lúc đồng Nhân dân tệ lại đang lên giá so với đô la Mỹ. Điều này đã làm tăng giá cả vật liệu xây dựng nhập khẩu tại Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam hiện áp dụng chính sách từng bước xóa bỏ cơ chế bù giá đối với nhiều mặt hàng, trong đó có xăng dầu nhập khẩu, để cho thị trường tự điều chỉnh. Vào lúc giá dầu lửa trên thế giới leo thang, trong tuần qua, chính phủ Việt Nam thông báo tăng giá khí đốt 12% và dầu diesel 35%. Hiện tượng giới đầu tư trong nước đổ tiền vào lĩnh vực địa ốc và sự phát triển nhanh, nhưng rất bấp bênh, của thị trường chứng khoán, đã góp phần không nhỏ vào việc làm tăng khối lượng tiền tệ lưu thông và thúc đẩy giá cả lên cao. Tuy nhiên, theo ông Pincus, các ngân hàng thương mại đã cho vay quá nhiều, mức tín dụng tăng tới 90% trong năm ngoái. Bên cạnh đó, các chuyên gia trong nước cho rằng chính sách cải cách tiền lương trong các cơ quan nhà nước, quá trình cổ phần hóa cũng là những nguyên nhân khiến lạm phát gia tăng.
Nhìn bề ngoài, lạm phát hiện nay tại Việt Nam khá giống với tình hình cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Đó là vừa thừa tiền, vừa thiếu tiền. Vào thời điểm đó, lạm phát tăng từng ngày nhưng Nhà nước lại không có tiền trả lương cho cán bộ công nhân viên. Sau nhiều cuộc tranh luận, kể cả với các kinh tế gia của các định chế quốc tế, người ta mới nhận ra rằng trong nền kinh tế Việt Nam lúc đó, có hai hệ thống lưu thông tiền tệ song song tồn tại. Một bên là hệ thống tiền tệ của Nhà nước và bên kia là hệ thống lưu thông tiền mặt của người dân và các doanh nghiệp. Nhà nước phát hành tiền để chi ngân sách, trả lương, nhưng số tiền này không quay về ngân hàng mà trôi nổi trên thị trường, cất giữ trong nhà dân, trong két bạc của các công ty. Đến một lúc nào đó, số tiền mặt trên thị trường dư thừa trong khi khả năng cung ứng hàng hóa và dịch vụ không đáp ứng được nhu cầu. Do đó, Nhà nước vẫn thiếu tiền và các nhà máy in tiền phải hoạt động hết công suất, làm việc 24 h trên 24, còn trên thị trường thì giá cả tăng với tốc độ phi mã.
Tình hình hiện nay khác về bản chất. Theo quan điểm của Ngân hàng nhà nưóc Việt Nam, hiện nay, số lượng tiền đồng lưu hành quá lớn, cần phải giảm bớt thông qua các biện pháp tăng lãi suất huy động tiết kiệm, bắt buộc các ngân hàng thương mại mua hơn 20 ngàn tỷ đồng công trái. Thế nhưng, các biện pháp này lại đang làm cho các ngân hàng thương mại thiếu tiền đồng Việt Nam, để thực hiện các cam kết cho vay và chi trả. Trong tháng hai này, nhiều ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất gửi tiết kiệm tiền đồng để huy động vốn và bán ngoại tệ, như đô la, để có thêm tiền đồng Việt Nam.
Ngay từ cuối năm ngoái, giới chuyên gia trong nước đã cảnh báo nguy cơ tạo mặt bằng giá mới trong năm nay. Do vậy, có một câu hỏi được đặt ra là có nên chấp nhận lạm phát để duy trì tăng trưởng cao hay không ? Mà lạm phát, giá cả lên cao sẽ tác động trực tiếp đến đời sống người dân, đặc biệt là người nghèo. Và đây chính là bài toán đau đầu đối với chính phủ Việt Nam hiện nay.
Đức Tâm
(Ảnh :www.saga.vn)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét