Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Hai, 4 tháng 2, 2008

SERBIA : Con đường hội nhập châu Âu vẫn còn gian truân

04/02/2008_ Sự kiện tổng thống mãn nhiệm Boris Tadic tái đắc cử là bằng chứng cho thấy đa số người dân Serbia mong muốn đất nước của họ hội nhập châu Âu. Thế nhưng, theo giới quan sát, con đường từ Beograd tới Bruxelles vẫn còn xa và nhiều gian truân.

Trước cuộc bầu cử tổng thống tại Serbia và giữa hai vòng bỏ phiếu, vào lúc tình hình Serbia khá phức tạp với khả năng Kosovo tuyên bố độc lập bất chấp sự phản đối của chính quyền Beograd, Liên Hiệp châu Âu đã tìm mọi cách hỗ trợ ứng cử viên thân châu Âu, ông Boris Tadic và có thể nói là các nỗ lực này đã mang lại kết quả.

Ngày 28 tháng giêng vừa qua, tức là vài ngày trước vòng hai cuộc bầu cử tổng thống Serbia, Liên Hiệp châu Âu tuyên bố là vào ngày mồng 7 tháng hai tới đây, sẵn sàng ký với chính quyền Beograd một hiệp định chính trị tạm thời liên quan đến việc thành lập môt khu vực tự cho trao đổi mậu dịch, bãi bỏ visa, đối thoại chính trị và hợp tác trong lĩnh vực giảng dậy. Như tên gọi của nó, đây chỉ là hiệp định tạm thời, có thể coi là bước chuẩn bị cho việc ký kết một thoả thuận hợp tác và ổn định, ASA và hiệp định ASA cũng mới chỉ là chặng đầu tiên trong quá trình hội nhập vào châu Âu. Với quyết định này, Bruxelles đã thay đổi lập trường và bất chấp sự phản đối của Hà Lan và Bỉ. Bởi vì cho đến nay, châu Âu vẫn đề ra điều kiện tiên quyết để tăng cưòng quan hệ với Serbia là chính quyền Beograd phải hợp tác đầy đủ và toàn diện với tòa án quốc tế về Nam Tư cũ trong việc truy bắt một số tội phạm chiến tranh đang lẩn trốn trên lãnh thổ Serbia. Trước sự phản đối của Hà Lan và Bỉ, uỷ viên châu Âu phụ trách mở rộng khối này, Olli Rehn nói thẳng là Bruxelles muốn tác động vào cuộc bỏ phiếu vòng hai bầu tổng thống. Theo báo Le Monde, đại diện châu Âu đã tiết lộ phần nào chiến thuật ngoại giao của Bruxelles trong hồ sơ này : Không có việc Liên Hiệp châu Âu thay đổi lập trường trong hồ sơ truy lùng tội phạm chiến tranh. Hai bên cứ ký hiệp định hợp tác và ổn định nhưng để cho văn bản này có hiệu lực, tức là được phê chuẩn thì Serbia phải thoả mãn điều kiện tiên quyết trong việc hợp tác với toà án quốc tế.

Khi tỏ thái độ công khai ủng hộ ông Boris Tadic, Liên Hiệp châu Âu cũng hy vọng là nhân vật này sẽ có thái độ uyển chuyển hơn trong hồ sơ Kosovo. Xin nhắc lại là cả hai ứng cử viên tổng thống Serbia, ông Boris Tadic và Tomislav Nikolic, đều chống lại việc Kosovo tuyên bố độc lập, trong khi đó chính quyền Kosovo đã nhiều lần nói rằng họ sẽ đơn phương làm việc này, bất chấp thái độ của Beograd. Như vậy, mối quan tâm của châu Âu là phản ứng của tân tổng thống Serbia sau khi Kosovo tự tuyên bố độc lập. Đối với Bruxelles, việc mở ra triển vọng hội nhập châu Âu cho Serbia dường như là giải pháp hữu hiệu để làm dịu tình hình. Thế nhưngc, chính quyền Beograd không dấu diếm mối lo ngại là Bruxelles gắn hai vấn đề này với nhau. Đại sứ Serbia tại Bruxelles, ông Radomir Diclic, nhận định về kết quả cuộc bầu cử tổng thống : « Đó là một sự lựa chọn rõ ràng, cho dù tỷ lệ phiếu bầu giữa hai ứng cử viên có sít sao. Có thể coi cuộc bầu cử này là một cuộc trưng cầu dân ý. Serbia đã tỏ rõ sự lựa chọn là hướng về Liên Hiệp châu Âu. Nếu chúng ta vẫn tin vào những phát biểu được nhắc đi nhắc lại bên trong Liên Hiệp châu Âu, theo đó, quan hệ giữa Beograd và Bruxelles là một chuyện và vấn đề Kosovo là một chuyện khác, bởi vì hồ sơ này đòi hỏi nhiều thời gian để giải quyết, thì tôi tin tưởng rằng ngày mồng 7 tháng 2 tới đây, Serbia và Liên Hiệp châu Âu sẽ ký kết hiệp định hợp tác chính trị, nhằm phát triển quan hệ song phương trong tương lai ».

Liên Hiệp châu Âu đề ra nhiều điều kiện để kết nạp thành viên mới. Trong trường hợp Serbia, ngoài vấn đề hợp tác truy lùng tội phạm chiến tranh vơí toà án quốc tế về Nam Tư cũ, chính quyền Beograd còn phải thực hiện nhiều cải cách về chính trị, kinh tế, xã hội, luật pháp, chống tham nhũng v.v. và đây là một tiến trình thông thường kéo dài nhiều năm trời. Theo lời bộ trưởng ngoại giao Slovenia, nước hiện là chủ tịch luận phiên Liên Hiệp châu Âu thì Serbia có thể gia nhập khối này vào khoảng 2012. Do vậy, thách thức lớn nhất đối với tổng thống tái đắc cử Tadic và với cả Liên Hiệp châu Âu là không nên để cho người dân Serbia thất vọng.
Đức Tâm
(Ảnh : newsimg.bbc.co.uk : Ủy viên châu Âu phụ trách hồ sơ mở rộng Liên Hiệp - bên trái – và tổng thống Serbia Boris Tadic)

Không có nhận xét nào: