11/02/2008_ Tình trạng giá thực phẩm, lương thực lên cao tác động mạnh mẽ đến đời sống người nghèo tại châu Á, đã gây ra các cuộc biểu tình phản đối tại một số nước. Thế nhưng, theo giới phân tích, có ít dấu hiệu lạc quan về triển vọng giải quyết và vấn đề này dường như lại càng nghiêm trọng hơn. Ngoài việc giá gạo, bột mì, sữa bột lên cao, thì còn có một loạt các yếu tố khác làm cho đời sống của người dân châu Á khó khăn hơn như giá xăng dầu, thiên tai, hiện tượng thay đổi khí hậu trên trái đất v.v. Theo ông Abdolreza Abbassian, chuyên gia của tổ chức Nông Lương Liên Hiệp Quốc, FAO, tại Roma, được AFP trích dẫn, nhìn trong tổng thể, tất cả các chỉ số đều cho thấy giá cả tăng cao. Theo tổ chức này, trong năm 2007, tính trung bình, giá lương thực, thực phẩm đã tăng gần 40% và đã dẫn đến các cuộc biểu tình phản đối tại Miến Điện, Pakistan, Indonesia, Malaysia, Trung Quốc.
Có một điều trớ trêu là mức tăng trưởng kinh tế cao liên tục của châu Á lại là một trong những nguyên nhân chính thúc đẩy giá cả leo thang. Ông Joachim von Braun, Tổng Giám đốc Viện Nghiên cứu Chính sách Lương thực Thực phẩm, có trụ sở tại Washington giải thích, thu nhập trung bình tính theo đầu người được cải thiện đáng kể đã làm tăng nhu cầu về lương thực, thực phẩm. Tuy nhiên, thu nhập trung bình tính theo đầu người chỉ là môt phép tính thống kê kinh tế thuần tuý, không phản ánh được khía cạnh xã hội. Chuyên gia Braun thừa nhận, tại châu Á, rất nhiều người dân bị gạt ra bên lề, không được hưởng lợi từ sự tăng trưởng kinh tế ngoạn mục này. Mua lương thực và thực phẩm chiếm từ 50 đến 70% thu nhập của các hộ gia đình tại châu Á.
Bình thường ra, không kể đến tình trạng đầu cơ, giá cả phản ánh mối tương quan giữa cung và cầu. Trong những năm qua, giá lương thực thực phẩm trên thế giới và đặc biệt là tại châu Á đã tăng mạnh. Có thể nêu ra nhiều nguyên nhân. Ví dụ sản lượng ngũ cốc của châu Âu, Hoa kỳ và đặc biệt là Úc đã bị giảm mạnh do thiên tai ; các bệnh dịch như cúm gia cầm, heo tai xanh, trâu bò lở mồm long móng tại nhiều nước châu Á đã tác động mạnh đến ngành chăn nuôi. Trong năm 2007, giá gạo tại Banladesh tăng 70% bởi vì bão lụt đã làm cho canh tác ngũ cốc của nước này bị thiệt hại khoảng 600 triệu đô la. Cơn lạnh bão tuyết kéo dài tại Trung quốc trùng vào dịp Tết nguyên đán đã gây khan hiếm lương thực và thực phẩm. Tháng giêng vừa qua, Bắc kinh phải áp dụng các biện pháp khống chế giá cả một số mặt hàng thiết yếu ở nhiều địa phương. Một nghiên cứu của trưòng Đại học Stanford dự báo là vào năm 2030, sản lượng lưong thực và hoa mầu của châu Á sẽ giảm khoảng 10% hoặc cao hơn do thay đổi khí hậu.
Giá xăng dầu lên cao làm tăng chí phí vận chuyển, góp phần làm cho lương thực và thực phẩm thêm đắt đỏ. Đó là chưa kể đến việc phát triển sản xuất nhiên liệu sinh học. AFP nêu trường hợp Thái lan. Tại đây, nguồn cung ứng dầu cọ gặp khó khăn sau khi chính phủ bắt buộc phải trộn loại dầu này trong dầu diesel dùng trong giao thông vận tải. Bên cạnh đó, còn phải kể đến xu hướng thay đổi khẩu vị, thành phần bữa ăn. Người tiêu dùng hiện nay dường như ăn nhiều thịt hơn, do vậy làm tăng nhu cầu chăn nuôi. Ngành chăn nuôi phát triển tiêu thụ nhiều ngũ cốc hơn. Chính sách đô thị hoá cũng làm giảm bớt diện tích canh tác lương thực v.v.
Tình trạng giá cả lương thực, thực phẩm lên cao đã làm cho nhiều chính phủ châu Á thực sự lo ngại trước nguy cơ dân nghèo xuống đường phản đối. Do vậy, Indonesia đã giảm thuế nhập khẩu đậu xanh, Malaisia lập quỹ dự trữ lương thực quốc gia. Việt Nam đang nghiên cứu khả năng giảm bớt xuất khẩu gạo, còn Ấn Độ đã ngừng thực hiện các hợp đồng bán gạo ra bên ngoài từ năm ngoái. Hiện nay, một số nước châu Á như Miến Điện, Indonesia còn có khả năng quảng canh để nâng cao sản lượng, tức là mở rộng diện tích trồng trọt. Nhưng theo ông Duncan Macintosh, Giám đốc Học viện Quốc tế Nghiên cứu lúa, tại Malaisia, cho rằng chìa khóa để giải quyết tình trạng khan hiếm lương thực tại châu Á là nâng cao năng suất mỗi hectare gieo trồng. Tuy vậy, giới chuyên gia đều có cùng lời cảnh báo : trong thời gian tới, giá lương thực có thể giảm, nhưng sẽ không thể tụt giảm một cách đáng kể.
Đức Tâm
(Ảnh : www.asiarice.org)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét