05/02/2008_ Hai mươi bốn quốc gia và định chế quốc tế đã tề tựu về Tokyo kể từ hôm này để tham gia Hội nghị các nhà tài trợ cho Afghanistan. Phát biểu trong buổi khai mạc, ngoại trưởng Nhật Bản Masahiko Komura đã lên tiếng kêu gọi hế giới hào phóng với Afghanistan để giúp chính quyền Kaboul đối phó với các thách thức nghiêm trọng đến từ lực lượng Taliban ở miền Nam.
Theo nhận định của ông Komura, có hai vấn đề đáng lo ngại nhất hiện đang đặt ra tại Afghanistan. Trước hết là tình hình an ninh ngay tại thủ đô Kaboul ngày càng xấu đi với các vụ khủng bố tự sát liên tiếp hoặc các vụ bắt cóc kiều dân ngoại quốc. Trong lúc đó, tại khu vực miền nam, nơi lực lượng Hoa Kỳ và NATO đang tiễu trừ quân phiến loạn, các thành phần Taliban vẫn không bị dẹp yên mà còn có khả năng phản công mạnh mẽ vào bất cứ lúc nào.
Nhận định của Nhật Bản cũng phản ánh suy nghĩ chung của nhiều nhà quan sát trong thời gian gần đây là lực lượng quân sự Hoa Kỳ và khối NATO đang bị khó khăn rất lớn và có nguy cơ gặp thất bại trong công cuộc dẹp loạn Taliban.
Một trong những bằng chứng hiển nhiên là mới đây, Washington đã phải miễn cưỡng tăng cường thêm 3200 thủy quân lục chiến cho lực lượng của họ tại miền nam Afghanistan. Hoa Kỳ đồng thời gia tăng sức ép trên các đồng minh NATO, yêu cầu nâng cao quân số lực lượng đa quốc gia tại đây, vốn đã lên đến 40 ngàn người, trong đó có 14 ngàn lính Mỹ. Yêu cầu của Hoa Kỳ chưa được NATO đáp ứng cho thấy rõ là tình hình chiến sự khó khăn tại miền nam Afghanistan đã khiến các nước chùn bước. Số lính Anh, Canada, Hà Lan, Úc tham chiến cạnh lính Mỹ ở miền Nam Afghanistan đã bị thương vong kỷ lục trong năm qua.
Khó khăn đặt ra đối với lực lượng Hoa Kỳ và NATO tại Afghanistan hiện nay tuy nhiên không chỉ là vấn đề thuần túy quân sự. Một bài báo đang trên tờ Asia Times mới đây đã trích dẫn ghi nhận của tướng Mỹ David Barno, tư lệnh lực lượng Hoa Kỳ tại Afghanistan từ tháng 10 năm 2003 đến tháng 5 năm 2005. Theo sĩ quan này thì lực lượng NATO đã lơ là 80 % thành tố của một chiến dịch bình định hữu hiệu, trong đó có nhiều yếu tố phi quân sự. Đối với viên tướng này, chính quyền của tổng thống Afghanistan Hamid Karzai đã bị quyền lợi bè phái chi phối khiến hoạt động kém hiệu quả, trong lúc đó người dân ngày càng bất mãn trước tình trạng nghèo khó không được cải thiện, trước tệ nạn tham nhũng gia tăng.
Từ ngày chế độ Taliban bị Hoa Kỳ lật đổ tại Afghanistan, phải lui về cố thủ tại khu vực miền nam, quốc tế đã đổ hàng tỷ đô la vào chi viện cho Afghanistan. Thế nhưng số tiền lại bị tham nhũng đục khoét, trong lúc dân chúng không được hưởng. Tỷ lệ thất nghiệp tại đấy chẳng hạn đã lên đến 40 %.
Theo tổ chức nhân đạo Oxfam, trụ sở tại Anh quốc, thì tình trạng bất mãn là một nguyên nhân quan trọng đã xô đẩy người dân Afghanistan vào vòng tay của Taliban, hà hơi tiếp sức cho lực lượng nổi dậy chống phương tây. Chính vì vậy, Oxfam cho rằng để thành công trong việc chống lại Taliban, cộng đồng quốc tế cần phải triệt hạ mầm mống của phong trào này bằng các biện pháp cụ thể nhằm nâng cao dân sinh, chứ không nên dựa vào giải pháp thuần túy quân sự. Oxfam đã đơn cử thí dụ : Chi phí cho 6 ngày chiến đấu của quân đội Mỹ tại Afghanistan lên đến khoảng 600 triệu đô la, cao hơn cả khoản viện trợ phát triển nông nghiệp cho Afghanistan trong 6 năm. Đối với Oxfam, tình hình Afghanistan đang trở nên cấp bách. Nhân cuộc họp các nhà tài trợ khai mac hôm nay, cộng đồng quốc tế cần cấp tốc thay đổi cách thức giúp đỡ Afghanistan nếu muốn tình hình nước này bình ổn.
Trọng Nghĩa
(Ảnh : www.embassyofafghanistan.org : Tổng thống George Bush và Hamid Karzai)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét