Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2008

"ON THE ROAD" - "TRÊN CÁC NẺO ĐƯỜNG": Vẫn thu hút độc giả sau nửa thế kỷ

16/11/2007_ "On the road" - "Trên các nẻo đường" Tác giả : Jack Kerouac. Xuất bản lần đầu tiên tại Viking Press, năm 1957.

Bảo Thạch cùng các nhà thơ Chân Phương và Thường Quán giới thiệu cuốn tiểu thuyết nhân dịp 50 năm ngày phát hành.

Có những tác phẩm 50 năm sau vẫn mới, vẫn tươi, vẫn trẻ. Tiểu thuyết « On the road » – « Trên các nẻo đường », ngày nay vẫn thu hút mạnh mẽ độc giả bốn phương, đặc biệt là giới trẻ. Hàng năm, hàng trăm ngàn ấn bản vẫn được tiêu thụ. Đây là bằng chứng cho thấy tác phẩm này không chỉ đánh dấu thời đại trước. Là tuyên ngôn của thế hệ Beat, như nhiều nhà phê bình đã nhận định, « On the road » còn mang một giá trị độc đáo, với dòng văn chân chất, miên man kể về hành trình tìm đất hưá của tác giả Jack Kerouac. Jack Kerouac là ai ? Cái mới lạ của tác phẩm « On the road » nằm ở đâu ? Mời quý vị thính giả nghe nhà văn Chân Phương giới thiệu tác phẩm và tác giả này.

RFI: Chúng tôi rất vui mừng được tiếp chuyện với anh Chân Phưong. Thưa anh, anh là nhà thơ nhưng anh cũng là nhà biên khảo văn học và anh đã sống rất nhiều năm tại Hoa Kỳ, vậy xin hỏi anh hôm nay về « On the road », chúng ta có thể dịch là « Trên những nẻo đường » của nhà văn Jack Kerouac. Anh đã đọc tác phẩm này trong những điều kiện nào ? Lúc ấy anh có những suy ngẫm như thế nào ? Anh thích thú những điều gì trong tác phẩm này ?

Chân Phương : Tôi được biết đến « On the road » thời còn sinh viên ở Sài Gòn, vào đầu thập niên 70. Lúc đó có đọc qua tác phẩm nổi tiếng của Jack Kerouac, nhưng thú thực nó không gây ấn tượng nhiều lúc ấy bằng một số tiểu thuyết Mỹ hiện đại mà tôi đọc say mê lúc ấy như là của Hemingway hoặc Fitzgerald chẳng hạn. Nhưng sau khi có kinh nghiệm sinh sống ở Hoa Kỳ nhiều năm, đọc lại « On the road », nhất là vào dịp hè năm nay, khi mà cả nước Mỹ, giới văn học, nghệ sĩ kỷ niệm 50 năm tác phẩm nổi tiếng của thế hệ Beat này, thì tôi có đọc lại, thong thả và coi như tôi đã khám phá trở lại tác phẩm này, rất thích thú. Đây là một tác phẩm lạ và sở dĩ nó ghi dấu ấn vào một giai đoạn văn học, khai mạc một phong trào văn nghệ của thế hệ Beat, là vì ông Jack Kerouac, tôi xin trở lại từ đầu, không phải là người Mỹ, ông là ngưòi gốc Pháp Canada, cha mẹ gốc di dân, qua vùng New England, sinh ra tại thị trấn Lowell, tiểu bang Massachussetts, tôi cũng đang sinh sống ở đây, tôi sống ở Boston , từ đây lái xe lên Lowell khoảng một tiếng đồng hồ. Vì cái gốc di dân đó, cho nên ngay từ nhỏ, ông mang trong người có lẽ cái máu của một dân giang hồ, không phải là dân Mỹ chính gốc.

Cái ý tưởng từ đó ông viết nên tác phẩm « On the road » ra đời vào tháng 7 năm 1947, khi ông bắt đầu quen vơí một người bạn sau này là tri kỷ của ông là ông Neal Cassady, rủ ông qua Denver. Chuyến lữ du đó đã làm chấn động tâm tính của nhà văn, thúc giục ông tìm tòi một cách viết mới để biểu hiện kinh nghiệm hiện sinh từ cái chuyến phiêu lưu với ngưòi bạn tri kỷ mới gặp và các đảng giang hồ ở bên miền Tây. Quyển tiểu thuyết « On the road », nguời Pháp gọi là « Sur la route », Việt Nam gọi là « Trên các nẻo đường », có một học giả khác đề nghị là dịch là « Sans domicile fixe », vì nó có tính chất của những người du thủ du thực, không có điạ chỉ nhất định, tôi tạm dịch sang tiếng Việt Nam, tôi gọi nó là « Hành giả ca », vì trong tác phẩm, nó mang rất nhiều triết học phương Đông, nhất là Phật giáo, nghiã là của những người đi tìm ý nghĩa cho cuộc đời mình.

Tác phẩm hơn 300 trang, gồm 5 phần. Thật ra chất lượng văn học không đều vì không có cốt chuyện rành mạch, kết cấu lỏng lẻo, gồm hai nhân vật chính và một số bạn phóng xe qua lại miền Đông miền Tây Hoa Kỳ 5 lần, từ Bắc xuống Nam hoặc là từ Nam lên Bắc, lái xe hết sức, khi nào mệt thì tìm chỗ ngủ lại. Rồi ăn nhậu, hút xách, tìm bạn bè băng đảng, rồi kiếm gái. Tác phẩm này coi như là thúc đẩy cho một lối sống phóng đãng, bất cần.

Tôi xin trích một đoạn ở cuối phần một, lúc tác giả qua San Francisco lần đầu và gặp được người bạn cũ, Rémy, ăn nhậu. Đây là tôi dịch văn Kerouac: « Tôi say khướt, tôi uống nhiều đến nỗi cứ 2 phút là phải vào phòng tiểu. Tất cả rã banh. Một chuyến thăm San Francisco của tôi đã đến hồi tàn. Bạn thân Rémy sẽ không bao giờ trò chuyện gì với tôi. Sẽ mất nhiều năm nữa anh ta mới quên lãng được vụ này. Thật là đổ vỡ, tệ hại. So với những gì tôi thư từ với anh ta khi còn ở Paterson, khi lập kế hoạch đi suốt con đường đỏ số 6 xuyên cả nước Mỹ, thì bây giờ không còn gì. Nay tôi đã đến tận cùng Hoa Kỳ, trước mặt hết đất và giờ đây chẳng còn nơi nào để đi, ngoại trừ quay trở lại ». Đọc đoạn này và những đoạn văn tương tự, tôi chợt liên tưởng đến « Le mythe de Sisyphe » của Camus. Các nhân vật trong tác phẩm « On the road » – « Trên các nẻo đường », cũng giống chàng Sisyphe đẩy tảng đá lên núi, cho tảng đá lăn xuống rồi đẩy tiếp lên. Như thể vô vọng, vật lộn với tảng đá mãi.

Các nhân vật của Kerouac là những nguời luôn ở tư thế lên đường hướng về các chân trời bao la của Mỹ quốc. Nhà thơ Thường Quán hiện cư ngụ tại thành phố Melbourne, nước Úc, nêu bật những khao khát của thế hệ này trong hành trình tìm tự do cho tâm linh.

RFI : Chúng tôi vui mừng được tiếp chuyện vơí nhà thơ Thường Quán. Hôm nay, xin được cùng với anh đề cập đến tiểu thuyết « On the road ». Thưa anh, lần đầu tiên anh đọc quyển sách này là vào thời điểm nào ? Tại vì có lẽ khi tiếp xúc với quyển sách này thì cái thích thú của mình còn tùy thuộc vào lưá tuổi của mình có đúng không anh ?

Thường Quán : Đúng rồi, nó có khác, thưa anh. Tôi nhớ lại, có lẽ mình đụng vào những cuốn sách như vầy là vào cái khoảng mình bước vào đại học, thì như anh biết, tôi đi du học mà, nhũng cái ngày đại học cũng là những cái ngày xa xứ, thế thì mình bắt đầu tìm kiếm đến những tác phẩm mà mình vốn đã yêu thích trong nước, thì đây là một trong những cuốn sách mà thời đó được kể như là sách gối đầu giường của tôi đấy.

RFI : Vậy xin anh cho biết khi đọc quyển sách này thì anh có những cảm xúc như thế nào ? Những suy nghĩ như thế nào ?

Thường Quán : Tôi đọc « On the road » cùng lúc với những khám phá. Có lẽ nói chung là những tiểu thuyết nặng về mặt tâm linh. Thời đó thì tôi thích Hermann Hesse, rồi Henry Miller và cái cuốn của Jack Kerouac này có lẽ nó nằm trong cái dòng đó. Nhưng mà nó đặc biệt, khác với những cuốn sách kia, nó cho mình một cái phong vị mới mẻ hơn. Có lẽ nó đáp ứng được, nói lên được cái phong vị của cái thời đại bấy giờ mà mình đang sống. Trong khi những cuốn sách chẳng hạn như của Hermann Hesse, thì như là tiểu thuyết để mà mình đọc, mình tìm tới những nhân vật, những cái suy tư của họ. Trong khi đó « On the road » là một cái hành trình, tự nó là một hành trình, nó vô cùng mới mẻ. Ngay cả cách hành văn, nó cũng như là một cái dòng chảy tự nhiên. Tôi phải nói là cái cảm giác đầu tiên là mình thấy sung sướng là mình đọc được một cái gì đó nó mới và nó tươi mát giống như mình được tắm trong một cái dòng sông đang chảy và giữa một cái màu xanh với lại một cái cảm giác tự do.

RFI : Vâng, bên cạnh đó thì phải nói đó là một trong những ưu điểm của tiểu thuyết này. Nhưng đây không phải là một tiểu thuyết, đây như là một ký sự về một hành trình, nhưng mà cũng có đan lẫn vơí rất nhiều chuyện hư cấu. Dường như một trong nhũng ưu điểm của nó là một hành trình vừa tìm kiếm những cái điều trong tâm linh để nhận diện chính mình, soi mình vào thế giới chung quanh có đúng không anh ?

Thường Quán : Đúng rồi, vâng, thực ra tác phẩm này nó có nhiều mặt để mà mình lần hồi mình sẽ lật lên. Nó đúng là sổ tay về một hành trình. Thế nhưng mà nó cũng đồng thời là một ký sự về cuộc sống. Những nhân vật thực ra trong này, nhân vật Sal, tức là Jack Kerouac đó và Dean tức là Neal Cassidy, thì đây là những câu chuyện thực sự, câu chuyện đời của họ có thực đó và những người khác trong này như là Carlo Mark, tức là nhà thơ Allen Ginsberg và William Berer, tức là những người như vậy, những nhân vật có thực, tức là họ là một đám bạn với nhau và trong thập niên 1950, đầu 1950, họ có những cái liên hệ với nhau. Thì những chuyến đi của họ, những gặp gỡ, chuyện trò của họ nằm trong cái này. Thế thì dù là dưới một hình thức như là tiểu thuyết ký sự nhưng mà nó thực sự là một tự truyện. Nó hay ở chỗ là nó nói lên được nguyên cả một thời kỳ, một cái thời đại, những cái con người như vậy và với một cái như mình biết là vào cái khoảng đó, nước Mỹ là một nước hậu chiến dưới thời kỳ Truman, bắt đầu có những khủng hoảng bên trong của nó, thế nhưng không ai thấy. Chỉ có cái thế hệ vừa lớn lên đó thì họ thấy. Họ thấy bị cưỡng bức, bị gò bó, cảm thấy có nhiều sự gò bó bên trong, họ muốn thoát ra. Thì cái tác phẩm này nói lên đưọc, nó thể hiện được cái khao khát của cái gọi là tự do tâm linh.

Tại vì mình biết có chữ American Dream đó, tự do, nhưng mà tự do để mà đi kiếm tiền, thực hiện một cái đời sống nặng về vật chất. Thì những người như Jack Kerouac hay Allen Ginsberg, những lứa thanh niên vào thời đó, họ cảm thấy bị mắc kẹt trong đó và họ cảm thấy có cái gì đó không đúng. Thế thì cái hành trình của họ bấy giờ là đi tìm kiếm một cái định nghĩa tự do khác. Cái tự do đây nó dính liền tới cá nhân, tới tự do tư duy, tự do trải nghiệm, tự do sống với lại cảm quang, với lại cảm thức. Chính vì vậy cho nên cái chữ « On the road », cái dọc đường, những ngõ đường, đây là một cái hành trình họ đi kiếm tự do đó. Cái tự do mà về sau này có những người so sánh với tự do của thiền học của bên phiá Phật giáo. Tức là mỗi người phải tự trải nghiệm lấy, chính trong cái đời sống của mình và những người chung quanh để đi tìm ra cái chân lý đó. Thế thì về mặt đó, tác phẩm này cũng là một sự thể hiện khá cách mạng vào thời đó.

RFI : Đối với nhà thơ Chân Phương cũng vậy. Ý nghiã sâu xa của tác phẩm « On the road » đó là quyển sách này chất vấn huyền thoại căn bản « The American Dream », tức là Huyền thoại đất hứa.

Chân Phương : Bên cạnh những cuộc phiêu lưu trên xa lộ của những người bạn trẻ, cần nói thêm một điều quang trọng : Các cuộc phóng xe gần như không biết mệt và cũng không có mục đích rõ ràng trên một không gian mang kích thước của lục điạ Bắc Mỹ thực ra là một sự chất vấn huyền thoại căn bản: Giấc mộng Hoa kỳ, huyền thoại « American Dream ». Kể từ thời rời Âu châu di dân sang thế giới mới, sau đó tiếp tục tiến về miền Viễn Tây, huyền thoại đất hứa là bảng chỉ đường tâm linh cho thế hệ này nối tiếp thế hệ khác trên nước Mỹ. Nhưng đất hứa đã bị tư bản hoá, giữa thị trường tràn ngập quảng cáo và đầy hàng hóa, đám thanh niên du thủ du thực trong tiểu thuyết « Trên các nẻo đường » khó tìm được chỗ đứng. Cũng như nhân vật chính Sal Paradise lần thứ hai đi xuyên lục địa trở lại San Francisco, đói rách, hết tiền, cây đắng đi lượm mấy mẩu thuốc lá trên vỉa hè. Theo tôi, đây là nội dung văn học sâu sắc của tác phẩm, tạo nên sự quan tâm thích thú cho người đọc. Đặc biệt là những người di dân trong đó có tôi, phải đối mặt vơí bài toán cơm áo thường ngày trên đất hứa.



RFI : Tìm hiểu về « On the road » – « Trên các nẻo đường », mời quý vị nghe tiếp nhà thơ Chân Phương đánh giá về giá trị tác phẩm này sau thử thách của thời gian 50 năm.

Chân Phương: Câu hỏi này về mặt xuất bản và giáo dục đại học sẽ trả lời vì nó đã trở thành một tác phẩm cổ điển được tái bản nhiều lần bởi những nhà xuất bản Pinguin trong bộ sách văn học cổ điển và hiện đại đó, trong bộ lịch sử văn học Hoa Kỳ của học giả Richard Gray là Hàn lâm viện sĩ của Anh quốc, năm 2004, khi giới thiệu và phân tích văn học Beat, ông đã đánh giá cao « On the road », cho rằng đây là tiểu thuyết mang nhiều sinh khí nhất trong toàn bộ sự nghiệp văn xuôi của Kerouac. Sáng tác này khẳng định vị trí tiểu thuyết gia số một của Kerouac trong phong trào Beat cũng như thi phẩm « Howl » đã nâng anh bạn Allen Ginsberg của ông lên hàng đệ nhất thi hào trong nhóm. Dĩ nhiên là không thể tách tác phẩm « Trên các nẻo đường » này khỏi sự nghiệp văn chương tập thể của nhóm Beat, hào quang của nó cộng hưởng với sức sáng tạo kỳ diệu cùng các giá trị thẩm mỹ mới của một thế hệ nghệ sĩ tiên phong đã gặp gỡ và học hỏi lẫn nhau vào giai đoạn nở rộ tài năng, từ bờ biển miền Đông, New York, Boston qua miền Tây, Cali, đặc biệt là ở vùng vịnh San Francisco, mà văn học sử hiện đại đã biết đến qua những tên tuổi như Ginsberg, Snyder, Burroughs, Rexroth, Corso, Ferlinghetty, McClure, DiPrima v.v.. Giá trị văn học của tác phẩm này không chỉ được khẳng định để kỷ niệm thưòng niên ở Lowell nơi sinh trưởng của tác giả. Muà hè vừa rồi, ở các thành phố lớn, thành phố văn hoá lớn của Hoa kỳ cũng như các tạp chí văn học lớn đều có những bài tưởng niệm tác phẩm « On the road ».

RFI : Anh Chân Phương đã đề cập đến cái phong trào Beat generation, thế hệ Beat, vậy xin anh cắt nghiã thế nào là Beat và tại sao người ta lại xem Kerouac là một ngưòi tiên phong trong phong trào này ?

Chân Phương : Phải đặt tác phẩm này cũng như những sáng tác của phong trào Beat vào giai đoạn lịch sử đó. Lúc ấy là thời hậu chiến, nước Mỹ vừa kết thúc sự tham gia của mình vào đệ nhị thế chiến và đang tái thiết trở lại nền sản xuất cũng như đời sống hoà bình của mình. Mặt khác chúng ta cũng nhớ là lúc ấy là khởi đầu chiến tranh lạnh giữa Mỹ với Cộng sản trên toàn thế giới, có nghiã là cái thế hệ thanh niên Mỹ vào lúc ấy vừa thoát khỏi chiến tranh, lại bước vào một cuộc chiến mà người ta gọi là ý thức hệ, với nhũng sự kiểm tra và các bạn còn nhớ phong trào McCarthysm, chống cộng và theo dõi các giới văn nghệ trí thức ở Mỹ rất nặng nề vào giai đoạn đó.

Không khí nước Mỹ lúc bấy giờ không những bị nỗi ám ảnh vũ khí hạt nhân trùm phủ, mà còn nằm trong không khí một chính sách kiểm duyệt văn hoá McCarthysm. Thế thì những người trong giới trẻ nghệ sĩ và có máu phiêu lưu tự do ấy, tất nhiên là họ phải tìm cách chống lại. Và nó ra đời một thứ dissidence Hoa Kỳ lúc ấy. Cái phong trào phản kháng ấy đã kết tụ lại trong cái giới sáng tác, sau này được mệnh danh là thế hệ Beat. Ở Mỹ trong văn học, ngươì ta gọi cái đó là một nước Mỹ chống lại các giá trị truyền thống, mà giá trị truyền thống quan trọng nhất ở Mỹ là đạo Tin lành. Thì những người này chống lại đạo Tin lành vì đạo Tin lành lấy cái mặc cảm tội lỗi để giáo hoá tín đồ mình. Các anh chị trong phong trào Beat, làm tôi nhớ tác phẩm « Homo ludens » của triết gia bên Pháp, ông ca ngợi con người làm kẻ chịu chơi, sống là giang hồ - la vie bohême- Cuốn tiểu thuyết « Trên các nẻo đường » được văn học sử đặt vào thể loại picaresque, ca ngợi không chỉ đời phiêu lưu giang hồ mà còn nhậu nhẹt, ma túy, cần sa, rồi các nhân vật điển hình lại là một loại playboys của thời đại mình, đam mê sắc dục, chưa kể là nó có một số người đồng tính luyến ái cũng tham dự vào cuộc chơi tập thể này. Đó là về hình thức sinh hoạt, nhưng Beat cũng là một cái xu hướng khám phá những cái giá trị của thời đại mình đặc biệt là để mở cửa để đón nhận tư tưởng phương Đông, vì những người đầu đàn của phong trào Beat như Kerouac, Ginsberg, Snyder, Ferlinghetti, đều thấm nhuần tư tưởng nhà Phật và họ là những học giả thâm sâu về Phật giáo, không phải tài tử đâu.

RFI : Về phần mình nhà thơ Thường Quán cũng nhận định giá trị của tiểu thuyết « On the road » không phai nhạt. Theo ông, một trong những lý do đó là vì ngày nay áp lực của xã hội còn mạnh mẽ hơn thời trước.

Thường Quán : Theo ý cá nhân tôi thì cho đến ngay lúc này, những cái điều mong tưởng của Jack Kerouac và thế hệ Beat vẫn còn đậm nét, vẫn còn đi đôi vớI thời đại bây giờ, nhất là trong những xã hội mà càng lúc con người ta càng nặng về vật chất. Thực ra những con người tương tự như Jack Kerouac hay là những con người trong xã hội đó thì họ lại cảm thấy những cái ý tưởng mà đã được Kerouac và thế hệ Beat họ trình bày vào khoảng 50 năm trước cho đến bây giờ có lẽ nó còn đậm nét hơn nữa, là tại vì nó đi xuyên suốt qua một thời gian và nó vẫn tiếp tục duy trì những cái giá trị của nó. Thực ra thì cái xã hội luôn luôn thay đổi mà, nhưng mà nó có một vài chuyện hầu như không thay đổi. Chẳng hạn như cái áp lực của xã hội đối với cá nhân, thì nó không đổi mà có lúc nó có vẻ càng lúc càng nhiều hơn nữa, hay là sự đè nặng của vật chất lên trên tâm linh chẳng hạn, thì hầu như càng lúc càng mạnh hơn ngày xưa nữa. Thế thì trở lại với cái giá trị của « On the road » và thế hệ Beat, cá nhân tôi nhận thấy nó không phai nhạt, giá trị của nó vẫn đưọc nhiều người chấp nhận như giá trị của mình và các tác phẩm của họ dù sao nó cũng phản chiếu lại, phản dội lại những cái ý tưởng mà một thời Beat generation đã từng cưu mang.

RFI : Để kết luận, nhà thơ Chân Phương nhấn mạnh rằng không chỉ Jack Kerouac mà các văn nghệ sĩ khác của thế hệ Beat đã để lại ảnh hưởng sâu đậm cho thời đại ngày nay.

Chân Phương : Cộng hưởng của các tài năng trong phong trào Beat qua sáng tác và hoạt động văn hoá sôi nổi một thời, họ đã có ảnh hưởng sâu đậm trên tinh thần thời đại và thanh niên của thế hệ tiếp theo là thế hệ 60, họ đã kế thừa tinh thần Beat. Về mặt nổi đó, thì ngưòi ta đã phê phán thế hệ Beat là phá phách chơi bời, khuyến khích tình dục, ma túy, nhưng mà thực ra Kerouac trong một bài phỏng vấn trả lời báo Playboy năm 1959, ông đã đính chính điều này, ông nói là thực ra, ngưòi ta đã hiểu sai Beat, vì theo ông, phong trào này đã tìm kiếm một ý nghiã cho lẽ sống vì thanh niên lúc bấy giờ đang mất phương hướng. Ông nói là chuyện Beat đó, nó có một nội dung khác nữa, mà vì ông là người có gốc Pháp, thành ra ông nói chữ Beat xuất thân từ chữ « Béatitude » có nghiã là tìm một sự giác ngộ. Béatitude, đọc ngắn là Beat. Khái quát mà nói, về nhân sinh quan, thì thế hệ Beat rất gần với triết học hiện sinh Tây Âu, đã chủ trương rằng từng cá nhân phải tìm lẽ sống, phải ý nghiã cho đời mình.

(Ảnh : www.vietbay.com : nhà thơ Chân Phương và Thường Quán
image.guardian.co.uk : Ăn sáng tại New York vào cuối những năm 50 giữa các nhà văn thuộc thế hệ Beat (từ trái qua phải) : Lary Rivers, Jack Kerouac, Gregroy Corso - ngồi quay lưng- David Amrram, Allen Ginsburg)






TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

Không có nhận xét nào: