Ký giả Florence de Changy, thông tín viên báo Le Monde tại Hồng Kông, trong một cuộc trả lời phỏng vấn qua Skype. © Ảnh chụp màn hình Skype.
« Chuyến bay MH370 không thể nào biến mất », là điều nhà báo Florence de Changy, sau 7 năm điều tra, muốn khẳng định trong tập sách vừa xuất bản có tựa đề « MH370. Sự mất tích ». Vậy, chiếc MH370 đó đã ở đâu ? Một kịch bản mà phóng viên tờ Le Monde, thường trú tại Hồng Kông cho là khả dĩ nhất : MH370 có nhiều khả năng đã rơi trên Biển Đông, trong vùng lãnh hải Việt Nam.
Để có thể đưa ra kịch bản này, trong tập sách, nhà báo nêu lên rất nhiều điểm đáng ngờ, mà bà vẫn chưa thể nào giải đáp hoặc không được giải thích. Tại sao tín hiệu ACAR biến mất qua hai bước mà không mất hoàn toàn ngay khi rời cọc tiêu Igari như chính quyền Malaysia thông báo ?
Làm thế nào mà tại một khu vực có mật độ radar dân sự và quân sự dày đặc, (ít nhất là có 13 chiếc radar quân sự), không một trạm quan sát nào có thể dò thấy tín hiệu chiếc Boeing 777 ?
Trong vụ mất tích MH370, liệu Hoa Kỳ có vai trò gì chăng ? Những nguồn tin ẩn danh « được cho là đáng tin cậy », tiết lộ sự hiện diện của hai chiếc AWACS (Airborne Early Warning and Control Systems) của không quân Mỹ vào thời điểm mất tín hiệu radio của MH370. Theo tìm hiểu của nhà báo, ngoài chức năng chỉ huy và cảnh báo sớm trên không, chiếc Boeing E-3 này còn có khả năng « gây nhiễu » sóng từ trường, kể cả tín hiệu radio của một chiếc máy bay.
« Cách duy nhất để một chiếc máy bay biến mất khỏi một màn hình radar, đơn giản nhất là biến mất : nổ tung khi đang bay hay một tai nạn », Florence de Changy nhớ lại lời tuyên bố của cựu đô đốc Mohamad Imran trước Nghị Viện Malaysia.
Câu nói này khiến nữ ký giả nhớ đến một quy định được áp dụng cho hầu hết quân đội các nước, theo đó, « người ta phá hủy một tầu chiến hay một máy bay rơi do bị kẻ thù bắn hay do tai nạn, nhằm làm biến mất vũ khí được chuyên chở mà chưa được sử dụng (UXO – Unexploded Ordnance) và nhằm ngăn chận kẻ thù lấy được công nghệ. »
Điều này được một tài liệu cũ do bộ Quốc Phòng Mỹ công bố, quy định rất rõ ràng như sau : « Một sự cố liên quan đến một chiếc máy bay bị rơi gây ra một rắc rối quan trọng cho việc phá hủy vũ khí gây nổ », do vậy « cách nhanh nhất và đơn giản nhất để làm biến mất một loại vũ khí chưa phát nổ là phá hủy chúng tại điểm chúng hiện diện ; đây là phương pháp ưu tiên trước mọi giải pháp khác, trong mọi trường hợp ngay khi điều kiện cho phép ».
Tập sách «Vol MH370, la disparition» (Chuyến bay MH370, sự mất tích), Florence de Changy. © Éditions Les Arènes
MH370 mất tích: Trách nhiệm thuộc về Mỹ?
Nhà báo nhắc lại vào thời điểm xảy ra tai nạn, cũng như là trước và sau đó, các hoạt động quân sự trong khu vực diễn ra dày đặc. Đó cũng là lúc Mỹ chuẩn bị các cuộc tập trận hàng năm có quy mô lớn với Thái Lan.
Vì sao máy bay bị nổ ? Hay nguyên nhân tai nạn là gì ? Vụ nổ xảy ra 90 phút sau khi cất cánh phải chăng là nhằm làm biến mất chiếc máy bay và có thể cả UXO ? Nhưng « tai nạn này có thể chỉ là một thiệt hại bên lề của việc chuẩn bị chiến dịch quân sự ‘Cope Tiger’ sắp diễn ra ; nhưng một vụ nổ có kiểm soát xảy ra cách điểm tiếp xúc radar cuối cùng của MH370 vài km, chưa đầy hai tiếng ngay khi vượt qua cọc tiêu Igari và Bitod, tôi khó mà xem đấy chỉ là một sự trùng hợp », Florence de Changy viết.
Tóm lại, ngần ấy nghi vấn cho đến hiện tại Florence de Changy nhìn nhận chưa thể trả lời. Nhưng có một chi tiết ít được giới truyền thông quốc tế vào thời điểm đó để ý đến, càng củng cố thêm trực giác của nữ phóng viên cho rằng MH370 rơi không xa bờ biển Việt Nam.
Vài ngày sau thông báo MH370 mất tích, một hãng tin Việt Nam loan báo : « Theo đề nghị của Trung Quốc và Hoa Kỳ, Việt Nam cho phép ba tầu chiến Trung Quốc và một tầu chiến Mỹ đi vào vùng lãnh hải của Việt Nam để tham gia các nỗ lực tìm kiếm », nhưng không cho biết rõ địa điểm cụ thể.
Hoa Kỳ và Trung Quốc tìm kiếm gì trong vùng lãnh hải của Việt Nam ? Vai trò của Việt Nam trong sự cố quan trọng này là gì ?
Trao đổi với RFI Tiếng Việt qua Skype, nhà báo Florence de Changy giải thích:
Florence de Changy : Việt Nam đóng một vai trò quan trọng trong tai nạn này. Ngay ngày hôm sau, Việt Nam đã đưa ra một số thông báo. Theo đó, chiếc máy bay số hiệu MH370 đã rớt trong vùng lãnh hải nước này. Họ còn đưa ra tọa độ địa lý rất cụ thể.
Trong những ngày sau đó, khi Việt Nam điều máy bay tìm kiếm ở phía nam Biển Đông, quả thật họ đã nhìn thấy nhiều vết dầu loang. Rồi người ta còn tìm thấy cả những mảnh vỡ của chiếc máy bay, lúc thì giống như là một cánh cửa, lúc thì là những phần khác của chiếc máy bay. Thậm chí Trung Quốc còn xác định được nhiều mảnh vỡ rất lớn ở phía Nam Biển Đông, tức vùng phía nam Việt Nam, gần vịnh Thái Lan.
Với tất cả những chi tiết đó, tôi có cảm nhận đầu tiên đây là một tai nạn. Quả thật, theo như những gì tôi phát hiện tiếp theo, tôi có cảm giác là máy bay MH370 tiếp tục bay tiếp trong vòng một giờ nữa. Bởi vì, vào lúc 2 giờ 25 phút, SATCOM, hệ thống liên lạc vệ tinh của chiếc MH370 được bật lại. Vào thời điểm đó, chiếc máy bay này đã đi đến phía bắc Việt Nam, không mấy xa thành phố Đà Nẵng.
Căn cứ vào nhiều dấu hiệu, cụ thể là Mayday – một thông báo cho biết máy bay đang bị rơi – được đưa ra lúc 2 giờ 43 phút, tôi cho rằng tai nạn MH370 đã xảy ra ở phía bắc Việt Nam, trước khi đi vào vùng không phận Trung Quốc.
Đúng là chính phủ Việt Nam đã cho phép hai tầu chiến Trung Quốc và một tầu chiến Mỹ đến tiến hành tìm kiếm trong vùng biển này. Điều đó cho thấy là những chiếc tầu này đang đi vào vùng đặc quyền kinh tế, rất gần với 12 hải lý. Đây là một chỉ dấu xác nhận không còn chút nghi ngờ gì cả, tai nạn đã xảy ra rất gần với vùng bờ biển Việt Nam.
Như vậy, nhà báo cho rằng Việt Nam và Malaysia đã biết được điều gì đó ? Và bà đặt nghi vấn nhiều vào sự can dự của Hoa Kỳ ?
Florence de Changy : Đúng là khi tôi có thể đi đến kịch bản sau cùng, tôi có cảm giác trách nhiệm đúng ra là thuộc về Hoa Kỳ trong việc phá hủy chiếc máy bay đó, cho dù tôi không thể nào nói được một cách chính xác chuyện gì đã xảy ra. Tôi quan sát các mối quan hệ ngoại giao và quốc tế đã diễn ra thế nào trong những tuần, những tháng và thậm chí những năm sau đó giữa các nước trong khu vực, nhất là giữa Mỹ và Việt Nam, Mỹ và Malaysia và Mỹ - Trung Quốc.
Quả thật, người ta nhìn thấy có một sự xích lại gần ngoạn mục giữa Washington và Kuala Lumpur. Người ta cũng thấy quan hệ Mỹ - Việt Nam cũng ấm hẳn lên. Cụ thể là về việc dỡ bỏ dần dần các lệnh cấm vận vũ khí, ban đầu là 6 tháng và một năm sau đó là toàn bộ.
Ngược lại, người ta cũng nhận thấy Bắc Kinh đầu tư nhiều hơn vào Biển Đông bằng cách gia tăng tốc độ quân sự hóa một số bãi đá ngầm ở Biển Đông mà Việt Nam có tranh chấp chủ quyền và Washington lúc ấy đã không có đả động gì.
Tất cả những điều đó là những dấu hiệu, không hẳn là rời rạc, không hoàn toàn không liên quan gì với các cuộc đàm phán đã có thể diễn ra tiếp theo sau vụ máy bay mất tích, nhằm mua sự im lặng của nước này hay nước khác. Nhưng đó mới chỉ là những giả định của tôi mà thôi !
Pháp cũng tham gia vào cuộc điều tra. Mọi việc đã đi đến đâu ? Liệu một ngày nào đó, người ta có thể biết được sự thật của tai nạn này hay không ?
Florence de Changy : Trong cuộc điều tra này, Pháp có một vai trò rất quan trọng. Đây là cơ hội sau cùng cho các cuộc điều tra mà tất cả các gia đình của nạn nhân đều hy vọng rất nhiều rằng các thẩm phán sẽ đi đến cùng. Tôi thật sự không biết là cuộc điều tra giờ đã đi đến đâu.
Liệu sự thật có được sáng tỏ một ngày nào đó ? Tôi nghĩ là còn có nhiều nhân chứng trên khắp thế giới, nhất là ở Việt Nam. Nếu như tai nạn xảy ra trong vùng lãnh hải của Việt Nam như nghi ngờ của tôi, thì ngoài việc quân đội có mặt tại hiện trường để lượm nhặt các mảnh vỡ, bình thường ra cũng sẽ có nhiều nhân chứng khác như ngư dân chẳng hạn.
Trong sách của mình, tôi dẫn lời một nhân chứng Canada nói là trên kênh truyền hình Việt Nam, ngày xảy ra tai nạn, nhiều mảnh vỡ đã được nhiều ngư dân Việt Nam nhặt được kể cả một chiếc hộp đen. Những mảnh vụn sự thật nằm rải rác đó đây trên khắp thế giới, kể cả ở Việt Nam. Khi nào người dân có can đảm chia sẻ những mẩu sự thật đó thì khi ấy chúng ta sẽ biết được toàn bộ sự thật.
RFI Tiếng Việt xin cảm ơn nhà báo Florence de Changy.
(Minh Anh - RFI)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét