Nhà máy của Trung Quốc trong khu công nghiệp Hlaing Thar Yar , gần Rangoon, Miến Điện bị người biểu tình chống đảo chính đốt phá ngày 14/03/2021. AP
Phải chăng Trung Quốc đang phải trả giá cho thái độ bị cho là bênh vực giới quân đội vừa làm đảo chính tại Miến Điện? Đây là câu hỏi vừa được đặt ra sau vụ một đám đông người biểu tình, vào hôm qua, 14/03/2021, đã tấn công và đốt phá một số nhà máy may mặc do các công ty Trung Quốc điều hành ở khu công nghiệp Hlaing Thar Yar vùng ngoại ô Rangoon.
Ngay từ khi phong trào chống đảo chính quân sự bùng lên tại Miến Điện vào thượng tuần tháng Hai, Trung Quốc đã trở thành đối tượng bị người biểu tình đả kích vì bị cho là chỗ dựa của chính quyền quân sự đã lật đổ chế độ dân sự của bà Aung San Suu Kyi.
Tại những cuộc xuống đường rầm rộ ở Rangoon, thủ phủ kinh tế của Miến Điện chẳng hạn, các khẩu hiệu bằng tiếng Hoa như “Trung Quốc không được quyền ủng hộ cuộc đảo chánh” luôn được người biểu tình giương lên, cho thấy thái độ giận dữ đối với quốc gia bị cho là đã hậu thuẫn của chính quyền quân sự.
Theo ghi nhận của các nhà quan sát, dù Bắc Kinh đã ra sức cải chính, nhưng người dân Miến Điện vẫn nhớ lại mối quan hệ chặt chẽ của Trung Quốc với các chính quyền quân sự trước đây tại Miến Điện, đặc biệt là trong việc cung cấp vũ khí cho lực lượng hiện đang thẳng tay bắn giết người biểu tình chống đảo chính.
Từ những khẩu hiệu suông, thái độ giận dữ của người biểu tình Miến Điện vào hôm qua như vậy đã bùng lên thành những hành động bạo lực cụ thể, mà vụ tấn công và đốt phá các cơ sở do người Trung Quốc điều hành tại khu công nghiệp Hlaing Thar Yar chỉ là bề nổi.
Theo hãng tin Anh Reuters, trong một tin nhắn Twitter, báo Trung Quốc Global Times đã dẫn lời đại sứ quán Trung Quốc ở Miến Điện cho biết là đã có đến “32 nhà máy có vốn đầu tư Trung Quốc bị phá hoại trong các cuộc tấn công ác ý nhằm vào công ty Trung Quốc ở Rangoon… Thiệt hại lên tới 240 triệu nhân dân tệ (36,89 triệu đô la)”.
Cũng theo Reuters, đại sứ quán Trung Quốc gọi vụ việc là “nghiêm trọng” và thông báo trên trang web của họ rằng nhiều công nhân Trung Quốc bị kẹt trong các nhà máy đang cháy, đồng thời kêu gọi chính quyền quân sự “thực hiện các biện pháp thích đáng để chấm dứt các hành vi bạo lực”.
Thái độ phẫn nộ của người dân Miến Điện đối với Bắc Kinh còn được thấy rõ trên mạng. Theo ghi nhận của nhật báo Pháp Le Monde vào hôm nay, trang Facebook của đại sứ quán Trung Quốc ở Miến Điện tràn ngập những bình luận mang tính thù hận, ủng hộ những kẻ tấn công vào các nhà máy Trung Quốc và kêu gọi họ giữ vững lập trường.
Trên trang Facebook của mình, ông Ei Thinzar Maung, một trong những người tổ chức phong trào bất tuân dân sự chống chính quyền quân sự, cảnh cáo rằng nếu người Trung Quốc “muốn làm ăn ở Myanmar [tức Miến Điện], họ phải tôn trọng người dân Myanmar”. Nhân vật này không ngần ngại kết luận: “Hỡi các chiến binh Hlaing Tha Yar [khu công nghiệp], chúng tôi tự hào về các bạn!”
Đài Loan yêu cầu các công ty ở Miến Điện treo cờ để tránh vạ lây.
Nỗi giận dữ đối với Trung Quốc biến thành bạo đông đánh vào các cơ sở của Trung Quốc dĩ nhiên có thể gây vạ lây. Theo Reuters, cơ quan đại diện Đài Loan tại Miến Điện chẳng hạn, đã khuyến cáo các công ty Đài Loan hoạt động tại quốc gia Đông Nam Á này là nên treo cờ của đảo và các tấm biển bằng tiếng Miến Điện nói rõ rằng hộ là những cơ sở Đài Loan để tránh bị nhầm lẫn với Trung Quốc.
Các công ty Đài Loan ở Đông Nam Á từng bị nhầm lẫn với các công ty Trung Quốc trong các cuộc biểu tình trước đây, đặc biệt là vào năm 2014 khi hàng nghìn người Việt Nam phản ứng tức giận trước việc Trung Quốc đưa giàn khoan dầu HD-981 vào sâu trong vùng biển của Việt Nam trên Biển Đông.
(Trọng Nghĩa - RFI)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét