Một nhà sư tham gia biểu tình phản đối đảo chính, tại Rangoon, Miến Điện, ngày 22/02/2021. REUTERS - STRINGER
Năm 2007, các nhà sư Miến Điện dẫn đầu các đoàn biểu tình, hùng hậu đến mức phong trào phản đối tăng giá nhiên liệu và hàng hóa được đặt tên là “Cách mạng Áo cà sa”. Nhưng từ ngày 01/02/2021, họ không còn sát cánh đông đảo với người dân phản đối quân đội đảo chính.
Trái với lý thuyết giới tăng lữ Phật Giáo không tham gia chính trị, thậm chí họ không thể đi bầu cử, mà chỉ thuyết giảng về lòng từ bi, tịnh tâm hay hòa giải, các tăng sĩ Miến Điện thường xuyên tham gia các phong trào đường phố, trong đó phải kể đến các cuộc biểu tình mang đậm tư tưởng dân tục chủ nghĩa, bài ngoại do nhà sư Wirathu đứng đầu để đuổi người Rohingya theo Hồi Giáo năm 2017.
Quyền lợi của Tăng đoàn Miến Điện gắn chặt với tập đoàn quân sự ?
Dù vẫn có một số nhà sư ủng hộ phong trào “Bất phục tùng dân sự” nhưng nhìn chung, theo một số nhân chứng được nhật báo Pháp Le Monde liên lạc, Tăng đoàn Miến Điện (Shangha) giữ khoảng cách với các cuộc biểu tình. Điều này được một nhà sư, xin ẩn danh, khẳng định với RFI ngày 13/03 : “Trong giới tăng lữ, có rất nhiều nhà sư cực đoan, rất thân cận với chế độ độc tài quân sự. Hiện giờ họ giữ im lặng, họ không tuyên bố gì cả. Tôi nghĩ là họ ngầm ủng hộ cả Trung Quốc”, quốc gia được cho là có nhiều lợi ích kinh tế mật thiết với tập đoàn quân sự Miến Điện.
Nguyên nhân là “bối cảnh đã rất khác”, theo phân tích của giáo sư Ashley South, đại học Chiang Mai (Thái Lan). Cuộc biểu tình do giới tăng lữ Miến Điện khởi xướng năm 2007 chỉ đơn thuần mang tính kinh tế. Nhiên liệu, vật giá đắt đỏ khiến người dân thường bị giảm thu nhập, trong khi đây là tầng lớp quyên góp và nuôi các nhà sư.
Tăng đoàn Miến Điện (Shangha) có quan hệ chặt chẽ với giới tướng lĩnh nên dễ hiểu là họ không xuống đường phản đối tập đoàn quân sự. Thậm chí, vài ngày trước cuộc đảo chính, nhiều nhà sư đã tuần hành ở Rangoon và Naypidaw để lên án gian lận bầu cử hồi tháng 11/2020, có nghĩa là họ ủng hộ cáo buộc của tập đoàn quân sự. Trước đó vài tuần, tướng Min Aung Hlaing, tổng tư lệnh quân đội Miến Điện, đã liên tục viếng thăm và góp tiền công đức cho nhiều chùa lớn.
Một tuần sau khi tiến hành đảo chính, trong bài phát biểu ngày 08/02, một trong những biện pháp đầu tiên được tướng Min Aung Hlaing ban hành là cho mở cửa trở lại toàn bộ các chùa trên lãnh thổ Miến Điện, bị đóng cửa trong suốt nhiều tháng để phòng chống dịch Covid-19.
Bị tước quyền lợi dưới chính quyền dân sự ?
Việc nhiều thành viên của Tăng đoàn Miến Điện quay lưng lại với chính quyền dân sự có thể được giải thích ở nhiều khía cạnh, trong đó có “sự thất vọng về bà Aung San Suu Kyi”.
Thứ nhất, họ cảm thấy “bị đe dọa”, đặc biệt là giới chức được hưởng lợi nhiều nhất từ Hội Phật Giáo-Nhà Nước-Quân Đội, theo phân tích của bà Khin Mar Mar Kyi, nhà nghiên cứu thuộc đại học Oxford, từng tham gia đấu tranh chống tập đoàn quân sự năm 1988. Chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi từng đưa ra nhiều dự án cải cách nhằm giảm bớt ngân sách của bộ Tôn giáo, trong đó có các khoản đầu tư cho các trường đại học Phật Giáo.
Thứ hai, theo báo Libération ngày 16/03, việc các tộc người thiểu số ngày càng được thừa nhận, cũng như việc giải phóng các phong tục và một thế hệ trẻ ít quan tâm đến vấn đề tôn giáo hơn cũng khiến những nhà sư theo khuynh hướng dân tộc chủ nghĩa cho rằng chính phủ không còn khả năng bảo vệ “bản sắc Miến Điện” và “đặc thù Phật Giáo”.
Trong một xã hội với đa số người dân theo Phật Giáo, dĩ nhiên Tăng đoàn Miến Điện muốn duy trì ảnh hưởng và đặc quyền. Tuy nhiên, dường như gió đã đổi chiều, phong trào “Bất phục tùng dân sự” lần này huy động được nhiều tầng lớp, tôn giáo và sắc dân thiểu số tham gia. Đây là một sự kiện hiếm hoi thể hiện cho sự đa dạng tôn giáo ở Miến Điện khác với những phong trào biểu tình trước đây thường do giới tăng lữ khởi xướng và đứng đầu.
(Thu Hằng - RFI)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét