Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Hai, 15 tháng 3, 2021

Báo Anh: Liệu Việt Nam sẽ cho Mỹ đóng quân để đối phó với Trung Quốc?

(Trích điểm tuần báo)
Phó đô đốc Phillip Sawyer, tư lệnh Đệ thất Hạm đội Mỹ và chuẩn đô đốc John Fuller, chỉ huy hàng không mẫu hạm USS Carl Vinson trong chuyến thăm Đà Nẵng, Việt Nam ngày 05/03/2018. AP - Tran Van Minh

Hoa Kỳ muốn trải rộng lực lượng tại châu Á để đối phó với Trung Quốc. Vấn đề là không có bao nhiêu quốc gia nhiệt tình với việc cho bố trí hỏa tiễn hoặc cho Mỹ đóng quân. Những người am hiểu ở Lầu Năm Góc hy vọng sự hiếu chiến của Bắc Kinh có thể khiến các nước châu Á cởi mở hơn. Một số nhà quan sát lạc quan còn nghĩ rằng ngay cả Việt Nam, cựu thù của Washington, chừng mươi, mười hai năm nữa cũng sẽ hoan nghênh quân Mỹ.

The Economist phân tích về những khả năng Mỹ đáp trả trước mối đe dọa của Trung Quốc trên Thái Bình Dương. Hôm 04/03, đô đốc Philip Davidson, chỉ huy trưởng lực lượng Mỹ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương (INDOPACOM) cảnh báo Trung Quốc có thể vượt được Hoa Kỳ trong 5 năm tới. Viễn cảnh này khiến Quốc Hội Mỹ thức tỉnh.

Tên lửa từ Hoa lục đe dọa các căn cứ Mỹ ở Thái Bình Dương


Tháng 11/2020, Quốc Hội đã dành 2,2 tỉ đô la cho Quỹ răn đe Thái Bình Dương (PDI), và nay các tham mưu trưởng ở châu Á đòi hỏi tăng gấp đôi PDI với 4,7 tỉ đô la năm 2021-2022 và 22,7 tỉ đô la bổ sung cho đến 2027. Trong báo cáo ngày 01/03, họ đã giải thích vì sao.

Hoa Kỳ có lực lượng quân nhân, phi cơ và chiến hạm hùng hậu, nhưng vấn đề là bố trí ở đâu. Mỹ có nhiều căn cứ ở châu Á, nhất là Nhật Bản và Hàn Quốc, cả hai đều nằm trong tầm ngắm của tên lửa từ Hoa lục. Quan trọng nhất là đảo Guam – đủ gần để oanh tạc cơ và các loại vũ khí khác tấn công Hoa lục, và đủ xa tầm bắn của nhiều loại hỏa tiễn Trung Quốc. Guam là lãnh thổ của Mỹ nên không phải thương lượng với các đồng minh. Một căn cứ mới đã được mở ra ở Guam hồi tháng 10, căn cứ đầu tiên của thủy quân lục chiến Mỹ tại châu Á kể từ 1952.

Tuy nhiên, cho dù tương đối an toàn, Guam vẫn có thể bị tấn công bởi một số loại hỏa tiễn đạn đạo mới của Trung Quốc, cũng như tên lửa hành trình tầm thấp bắn đi từ chiến hạm, tàu ngầm hay oanh tạc cơ. INDOPACOM muốn chi 4,4 tỉ đô la để nâng cấp hệ thống phòng không và hỏa tiễn trên hòn đảo, một phần thông qua các giàn radar mới vừa trên vệ tinh vừa từ mặt đất ở Palau – một quần đảo cách đó 1.300 kilomet.

Chỉ bố trí hỏa tiễn tại Guam thì chưa đủ. Đô đốc Davidson cho rằng cần phải trải rộng lực lượng, chi 9 tỉ đô la để xây dựng và nâng cấp các phi đạo, kho xăng, kho vũ khí…trên toàn khu vực. Những địa điểm tiềm năng gồm các vùng lãnh thổ Mỹ như đảo Tinian (quần đảo Bắc Mariana), các đảo ở những nước bạn Thái Bình Dương như Yap (Liên bang Micronesia), và một số điểm khác chưa được xác định tại châu Á.

Bị Bắc Kinh hà hiếp, cựu thù Việt Nam sẽ cởi mở hơn với Hoa Kỳ? Theo chuyên gia Euan Graham, Viện Quốc tế Nghiên cứu Chiến lược, IISS, mục đích của việc triển khai không phải là co cụm chờ địch tấn công, mà để kẻ gieo gió là Trung Quốc phải gặt bão. Nhờ tổng thống Donald Trump rút khỏi Hiệp ước Lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) năm 2019, Hoa Kỳ có thể chế tạo các hỏa tiễn quy ước địa-hải có tầm bắn trên 500 km, nhắm vào tàu chiến Trung Quốc. Vấn đề là không có bao nhiêu quốc gia nhiệt tình với việc cho bố trí hỏa tiễn Mỹ trong thời bình, hoặc với việc làm nơi trú đóng của quân Mỹ trong thời chiến. Chẳng hạn Singapore, ngã tư hàng hải chiến lược, bị Trung Quốc làm áp lực mạnh mẽ để không cho Mỹ sử dụng lãnh thổ. Những người am hiểu ở Lầu Năm Góc biện luận rằng sự hiếu chiến của Bắc Kinh có thể khiến các nước châu Á cởi mở hơn với lực lượng Mỹ. Một số nhà quan sát lạc quan còn nghĩ rằng ngay cả Việt Nam, kẻ thù cũ của Washington, chừng mươi, mười hai năm nữa cũng sẽ hoan nghênh quân Mỹ.

Trong khi chờ đợi, INDOPACOM muốn bôi trơn quan hệ bằng « tiền tươi thóc thật ». Hơn 6,2 tỉ đô la sẽ được dùng để huấn luyện và trang bị cho các bạn bè ở khu vực trong sáu năm tới. Việc này rất cần thiết : năm ngoái ngân sách quốc phòng Trung Quốc lên đến 12 tỉ đô la, bằng tất cả các nước châu Á cộng lại. Trước mắt đây chỉ là mong muốn, vì ngân sách quốc phòng Hoa Kỳ năm nay không tăng, nhưng một khi Lầu Năm Góc rủng rỉnh túi tiền, Thái Bình Dương sẽ sôi sục.

(Thụy My - RFI)

Không có nhận xét nào: