Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Chủ Nhật, 8 tháng 6, 2008

BARAK OBAMA: Nhiều cộng đồng tại Pháp liều lĩnh đặt niềm tin

08/06/2008_ Barack Obama, tác giả tập sách « Hy vọng táo bạo » đã thành công. Ông nắm chắc trong tay việc được đề cử làm ứng cử viên chính thức đảng Dân chủ cho cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ. Chung vui với ông Obama, người da đen đầu tiên nắm được triển vọng lên làm lãnh đạo siêu cường số một, nhiều cộng đồng trên thế giới cũng liều lĩnh đặt cược.

Tại Pháp, hôm qua, người ta đã nâng ly rượu champagne mừng Obama tại quảng trường La Bastille, giữa trung tâm Paris. Một biểu ngữ trắng tại đây viết rằng : « Barack Obama, Tổng thống tương lai của Hoa Kỳ, tất cả các lãnh thổ hải ngoại cùng chung hàng ngũ với Obama ». Một tổ chức gọi tắt là CRAN, tập hợp các hiệp hội cuả người da đen tại Pháp, đã chào mừng thắng lợi cuả ông Obama như trên. Họ là đại diện của nhiều cộng đồng người Pháp da đen ở hải ngoại, gồm có các lãnh thổ như Guyane ở Nam Mỹ, Guadeloupe và Martinique ở vùng biển Caraibes, đảo Réunion ở gần châu Phi, hay quần đảo Polynésie tại Thái Bình Dương và Nouvelle Calédonie ở Châu Đại Dương. Các lãnh thổ này thuộc Pháp được mang tên hải ngoại. Không chỉ riêng người da đen, mà cả các cộng đồng da màu khác tại Pháp cũng mơ tưởng đến ngày được thấy đại diện cuả mình thăng tiến ở các bục cao nhất cuả quyền lực. Riêng số người nhập cư từ Bắc Phi vào Pháp, trong nhiều thập niên qua, cùng với gia đình cuả họ hiện nay, lên đến 5 hoặc 6 triệu người. Với họ, người da đen từ châu Phi, cũng như người châu Á đã sinh con đẻ cái tại Pháp, đông đảo đến mức người ta ước tính ít nhất cũng có 1/10 dân cư là người da màu. Nhưng tại Quốc hội Pháp, không thấy có vị dân biểu nào đại diện cho các cộng đồng này.

Mặt khác, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy trong cuộc vận động tranh cử đã dựa vào ví dụ điển hình là Hoa Kỳ để cam kết đề xuất chính sách ưu đãi các cộng đồng thiểu số, Affirmative Action, mà tại Pháp được mệnh danh là Discrimination Positive. Thế nhưng, cho đến nay, lời hứa này chưa thấy được thực hiện. Tuy nhiên, một bước cải thiện được biểu lộ rõ rệt. Đó là ông Nicolas Sarkozy bổ nhiệm 3 gương mặt thuộc các cộng đồng vào nội các cuả mình. Đó là bộ trưởng Tư pháp, bà Rachida Dati, quốc vụ khanh đặc trách Nhân quyền, bà Rama Yade, và quốc vụ khanh đặc trách hồ sơ Dân cư Thành phố, bà Fadela Amara. Không chỉ có yếu tố chủng tộc đã khiến cho người Pháp cảm thấy gần gũi với Barack Obama. Tại Pháp, ủy ban ủng hộ Barack Obama quy tụ 2000 nhân vật, từ tả sang hữu, với các gương mặt tiêu biểu như Đô trưởng Paris, ông Bertrand Delanoé, hay ông Axel Poniatowski, Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Hạ viện Pháp.

Nếu người da màu ở Pháp xem ứng viên Obama như tấm gương thành đạt cho chính họ, thì đối với đông đảo người Pháp, Thượng Nghị sĩ tiểu bang Illinois cuả Hoa Kỳ là người đã kế thừa di sản chính trị John Kennedy và Martin Luther King. Điều này có nghĩa họ đã khoác cho ông Obama hào quang của một anh hùng mang chiều kích lịch sử. Nhật báo bảo thủ Le Figaro, vào thứ 5 vưà qua đã viết : Với Obama, nước Mỹ đã làm cho một ý niệm được tái sinh. Đó là ý niệm một xã hội hào phóng, nơi mà sự bình đẳng trong cơ hội thăng tiến không phải là một lời hưá trống rỗng. François Dupaire, tác giả cuốn tiểu sử tiếng Pháp cuả ông Obama, mang tên « Nước Mỹ cuả Barack Obama » thì nhìn thấy ở trong chính khách này hình tượng đáng tôn thờ cuả toàn cầu hoá, một con người đã vươn lên tầm cỡ thế giới.
Bảo Thạch
(Ảnh : RFI)

Không có nhận xét nào: