Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Bảy, 13 tháng 4, 2019

Ngành ngoại giao Pháp « trọng nam kinh nữ » ?

Trích điểm báo RFI ngày 12/04/2019


Tổng thống Nga Vladimir Putin (P), đại sứ Pháp Sylvie Bermann và ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov (T) nhân một buổi lễ tại điện Kremlin (03/10/2017)(Pavel Golovkin / POOL / AFP)

Tại Pháp, ngành ngoại giao bị chỉ trích phân biệt giới tính. Phụ nữ vất vả « chen chân » và « tiến thân » trong lĩnh vực chỉ ưu tiên cho « giới mày râu da trắng ». Bởi vì, theo ghi nhận của báo Le Monde số ra ngày 12/04/2019, « Những vị trí quan trọng nhất vẫn do nam giới đảm trách ».
Bất kể là để bắt đầu sự nghiệp hay là đợi được bổ nhiệm làm đại sứ, dù đã nỗ lực hết mình để hoàn thành nhiệm vụ nhưng các nhà nữ ngoại giao vật vã tiến thân để hướng đến mục tiêu cân bằng nam – nữ. « Giữa thiện chí đưa ra và thực tế là một hố sâu lớn », một nữ ngoại giao đã bất mãn thốt lên như thế.
Chính quyền Paris từ đây cho đến cuối năm sẽ thay thế khoảng 64 vị trí ngoại giao ở cấp đại sứ tại nhiều nước. Cuộc đua « xí chỗ » đã trở nên sôi động và gay gắt trong hậu trường. Trong số này có ba vị trí được cho là chiến lược nhất và cuộc « cạnh tranh » cũng dữ dội nhất : Đại sứ Pháp tại Washington, đại sứ Pháp bên cạnh Liên Hiệp Quốc ở New York và đại sứ Pháp tại Matxcơva, Nga.
Chỉ có điều theo Le Monde, ngoại trừ vị trí đại sứ Nga ở Matxcơva hiện nay là một ngoại lệ, hiện do bà Sylvie Bermann đảm nhiệm, cho đến lúc này chưa có một phụ nữ nào được chọn để đảm nhận hai chiếc ghế đại sứ ở Mỹ và đại sứ bên cạnh Liên Hiệp Quốc. Sau khi bà Sylvie Bermann hết nhiệm kỳ, các bổ nhiệm mới trong năm nay có nguy cơ không có một « bóng hồng » nào nắm giữ chiếc ghế đại sứ tại những quốc gia thành viên thường trực tại Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
« Tâm của lò phản ứng vẫn khép kín cửa đối với phụ nữ » như lời than của một nữ ngoại giao. Từ lâu nay, phụ nữ chỉ được bổ nhiệm ở những nơi « khỉ ho cò gáy » như cách nói của nữ ngoại giao trên, hàm ý chỉ những quốc gia nhỏ bé xa xôi. Hiện tại, tỷ lệ phụ nữ nắm giữ vai trò đại sứ chiếm khoảng 26% và nước Pháp đặt mục tiêu trong năm nay là 30%. Tỷ lệ này tăng gấp đôi trong vòng 7 năm.
Theo phân tích của chuyên gia Christian Lequesne, giáo sư trường đại học Sciences Po Paris và tác giả tập sách « Dân tộc học tại Quai d’Orsay » (trụ sở của bộ Ngoại giao Pháp), vấn đề cân bằng nam – nữ cũng như đa dạng nguồn gốc sắc tộc đang « được đặt ra cho tất cả các bộ Ngoại Giao tại các nền dân chủ phương Tây, ở đó các nhà ngoại giao chủ yếu là nam giới da trắng thuộc những tầng lớp cấp cao ».
Nhật báo Le Monde nhắc lại chính phủ thời tổng thống tiền nhiệm đã thông qua đạo luật Sauvadet liên quan đến việc cân bằng các bổ nhiệm mới đối với những vị trí cao cấp và lãnh đạo trong hành chính công, vào tháng 03/2012. Luật này quy định 40% phụ nữ trong các bổ nhiệm đại sứ hay vị trí giám đốc. Thế nhưng, bộ Ngoại Giao Pháp năm nay đã phải nộp phạt 45.000 euro chỉ vì đã không tuân thủ ngưỡng quy định này trong năm 2017.
Dẫu sao nước Pháp cũng còn an ủi chưa phải là quốc gia kỳ thị giới tính nhất trong hàng ngũ các nhà ngoại giao. Tuy vẫn còn lâu mới bằng các nước Bắc Âu hay Canada, nhưng Pháp vẫn có một đội ngũ nữ ngoại giao đông đảo hơn Anh Quốc và Đức.

Không có nhận xét nào: