Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình dự tiệc chiêu đãi tại Đại Lễ Đường Nhân Dân trước kỳ nghỉ lễ Quốc Khánh ở Bắc Kinh, ngày 30/09/2022. AP - Ng
Thứ Bảy ngày 24/09/2022, những tin đồn điên rồ nhất bất thình lình rộ lên trên mạng xã hội. Theo đó, đảo chính đã xảy ra ở Bắc Kinh. Tập Cận Bình, lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc đã bị bắt và quản thúc tại gia, một tướng quân đội dường như đã nắm quyền lãnh đạo đất nước. Chuyện không tưởng này đặc biệt làm náo động giới truyền thông Ấn Độ trước khi được Newsweek, một tuần báo Mỹ nghiêm túc, cẩn trọng đưa lại. Tuy nhiên, tin thổi phồng này cũng đã nhanh chóng nhường chỗ cho thực tế : Tập Cận Bình vẫn còn đó, hơn bao giờ hết trên đỉnh cao quyền lực và đang chuẩn bị nắm quyền thêm một nhiệm kỳ thứ ba tại một đất nước mà các cuộc đảo chính không hề tồn tại. Sau nhiều ngày lắng dịu, những lời đồn thổi lại bùng lên. Vậy chúng từ đâu mà ra ? Chiến dịch này trông giống như một trò tung tin giả được sắp xếp cẩn thận, rất có thể ngay từ thượng tầng lãnh đạo mà cũng không chắc có thể chứng minh được. Nhà báo Pierre-Antoine Donnet, cựu thông tín viên hãng thông tấn Pháp tại Bắc Kinh, trên trang mạng Asialyst đưa ra hai giả thuyết để giải đáp. RFI Tiếng Việt xin giới thiệu.
Một ứng dụng chuyên biệt còn cung cấp một hình ảnh thoạt nhìn không thể phủ nhận : Không có chuyến bay nào được ghi nhận trong vòng nhiều giờ ở ngoại ô thủ đô Trung Quốc, trong khi một đoạn video do một người lái xe ghi lại cho thấy hàng chục chiếc xe tăng bên làn đường ngược chiều của đường cao tốc. Người ta còn nghe rõ ràng người lái xe này bình luận trực tiếp : « Nhưng chuyện gì xảy ra vậy ? Sao lại có nhiều xe tăng ở bên kia đường cao tốc ? » Nhưng người ta không thể xác định được cả người lái xe, biển số xe, lẫn ngày quay đoạn video cũng như là nơi ghi hình.
Nhưng điều đó đủ để cho những lời bình luận tuôn trào trên các mạng xã hội ở Ấn Độ. Một số còn khẳng định rằng thế giới đang chứng kiến trực tiếp sự sụp đổ của nhân vật quyền lực nhất hành tinh, rằng chế độ Trung Quốc đã đổi chủ. Một số tài khoản Twitter, có đông người theo dõi như chính khách Ấn Độ Subramanian Swamy (10 triệu người theo) hay nữ nhà báo Laurie Garrett từng đoạt giải Pulitzer, còn cho rằng chủ tịch Tập Cận Bình là nạn nhân của cuộc đảo chính và đang bị các đối thủ trong nội bộ đảng Cộng Sản bí mật giam giữ.
Nữ nhà báo này còn khẳng định : « Máy bay hoàn toàn biến mất khỏi không phận Trung Quốc và có tin đồn về một cuộc đảo chính do tướng Lý Kiều Minh tiến hành nhằm lật đổ Tập Cận Bình » Nhưng như giải thích của tờ India Today, vụ việc bẩn thỉu này cho thấy rõ mặt trái của chiếc mề đay OSINT, nguồn thông tin tình báo mở, cho phép bất kỳ một ai tiếp cận nhiều nguồn dữ liệu chính thức khác nhau và có thể tự rút ra các kết luận cả tốt cũng như xấu, theo ý của mình.
Đại Hội đảng Cộng Sản : Một thời điểm hoàn hảo ?
Theo nhà báo Pierre-Antoine Donnet, tin đồn này được đưa ra trong một bối cảnh đặc biệt : Chính sách chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt gây bất mãn trong dân chúng. Nhiều thông tin không thể kiểm chứng còn cho là ngày càng có nhiều tiếng nói chỉ trích trong hàng ngũ lãnh đạo cao cấp của đảng Cộng Sản nhắm vào ông Tập Cận Bình, bị chỉ trích có những sai lầm nghiêm trọng, từ cách xử lý đại dịch cho đến thái độ quá mềm yếu đối với Hoa Kỳ trong suốt chuyến thăm Đài Bắc của bà Nancy Pelosi. Rồi tăng trưởng kinh tế sụt giảm còn là một nỗi bất bình khác, khiến thất nghiệp tăng cao, đặc biệt ở giới trẻ, làm dấy lên bóng ma bất ổn xã hội.
Mặt khác, tin đồn này xuất hiện đúng vào thời điểm gần đến ngày diễn ra Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ XX, dự kiến được tổ chức vào ngày 16/10/2022, nhằm quyết định việc tái đắc cử cho ông Tập Cận Bình, một điều gần như chắc chắn, cũng như là sự gia nhập của một thế hệ lãnh đạo chính trị mới trong những bộ máy quyền lực bí ẩn của đảng Cộng Sản Trung Quốc. Có thể nói, thời điểm này là hoàn hảo để bắt đầu một tin đồn có đảo chính. Rõ ràng ngày được chọn cũng không phải là một sự ngẫu nhiên : Đó là một sáng thứ Bảy vào lúc một sự yên lặng tương đối ngự trị trên các mạng xã hội Trung Quốc và nước ngoài, bất chấp sự hỗn loạn truyền thông do cuộc chiến ở Ukraina do Nga tiến hành từ ngày 24/02/2022.
Dù vậy, nhiều nhà quan sát về Trung Quốc dày dạn kinh nghiệm tỏ ra cảnh giác trước những phán xét vội vã về sự kiện đã không được nhiều nguồn tin chính thức ở Bắc Kinh xác nhận. Trong số này, ông Nathan Ruser, một nhà nghiên cứu thuộc cơ quan tư vấn Viện Chiến Lược Úc (Australia Strategic Institute) lưu ý : « Không có bằng chứng nào về một cuộc đảo chính tại Trung Quốc và chẳng có lý do gì bộp chộp nghĩ rằng có thể có một cuộc đảo chính. Một thập niên củng cố chính trị của ông Tập Cận Bình không thể nào bị lật đổ mà chỉ giải thích đơn giản bằng một cuộc lỡ hẹn và vài chuyến bay bị hủy ».
Tuần báo Passe-Muraille nhấn mạnh : « Điều thu hút sự chú ý của chúng tôi là cách thức tin đồn này được lan truyền thông qua vài mạng xã hội. Tin đồn này hôm 21/9, đã bắt đầu từ những nhóm Twitter Trung Quốc gần gũi với các mạng lưới chống đảng Cộng Sản Trung Quốc hay có liên hệ đến phong trào Pháp Luân Công. Ở đây chẳng có gì đáng ngạc nhiên cả, các mạng lưới Pháp Luân Công và những Hoa kiều bất đồng chính kiến đều ưa thích chuyện thâm cung bí sử.
Điều ngạc nhiên là tin đồn này đã được khuếch đại thông qua một loạt các tài khoản ở Ấn Độ với nhiều quy mô khác nhau, gần như đẩy chúng lên thành tin tức thời sự nóng nhất trong ngày. Nếu như kiểu tin tức "lá cải" này có thể thách thức chúng ta, chính bởi vì mạng xã hội Twitter và thế giới thu nhỏ của "China Watching" có thể thẩm thấu với kiểu nội dung này. Ngoài ra, trong giai đoạn trước Đại Hội đảng Cộng Sản, chúng ta hãy nhớ rằng các giả thuyết của chúng ta chẳng khác gì những cuộc đánh cược thể thao. »
Và giả thuyết này còn có một giá trị khác. Phong trào Pháp Luân Công và những điểm tiếp nhận như tờ báo Đại Kỷ Nguyên (Epoch Times) và kênh truyền hình Tân Đường Nhân (New Tang Dynasty), đóng trụ sở tại Hoa Kỳ thường xuyên có những quan điểm cực đoan đối với quyền lực Trung Quốc. Nhà báo Pierre-Antoine Donnet nhắc lại rằng nếu như Pháp Luân Công là một giáo phái, thì các thành viên của phong trào này bị đàn áp nghiêm trọng ở Trung Quốc.
Như thời kỳ « Trăm hoa đua nở » năm 1957 ?
Bên cạnh đó còn có nhiều giả thuyết khác. Trong số này có thể có cả một chiến dịch đưa tin giả dường như được ngay chính những người thân cận của ông Tập Cận Bình thực hiện nhằm mục đích làm lộ diện những người chống đối tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc trước ngày khai mạc Đại Hội để rồi sau đó dễ dàng trừ khử.
Kỹ thuật này đã từng được đích thân Mao Trạch Đông sử dụng khi ông khởi động chiến dịch chính trị nổi tiếng năm 1957 : « Bách hoa vận động ». Chiến dịch này dựa trên khẩu hiệu « Trăm hoa đua nở, trăm nhà đua tiếng », đã mời gọi giới trí thức mở lời để tham gia một cuộc tranh luận lớn về tương lai của Trung Quốc, cũng như là những biện pháp chính trị nào nên thực hiện để cho phép cuộc tranh luận này diễn ra. Chẳng mấy chốc, rất nhiều trí thức tin rằng đã đến lúc có thể bày tỏ, đã tin vào lời hứa này và do vậy đã bất cẩn. Nhưng mưu kế của Mao là làm thế nào có thể xác định được những người phản đối để rồi sau đó trừng phạt họ. Đó chính là những gì đã xảy ra.
Chiến dịch « Trăm hoa » đã được tiến hành từ tháng Hai đến tháng Sáu năm 1957. Mao Trạch Đông, vì muốn thiết lập uy quyền của mình đối với đảng Cộng Sản Trung Quốc, bị suy yếu từ sau Đại Hội lần thứ VIII, và vì để cải thiện mối quan hệ giữa đảng Cộng Sản và người dân trong bối cảnh quốc tế đầy nguy hiểm, nên đã kêu gọi một đợt « Diên An chỉnh phong vận động ». Không bao lâu ngay sau khi phát động chiến dịch, làn sóng phản đối bùng nổ. Đảng nhanh chóng phản ứng và phát động một cuộc đàn áp dữ dội khiến hàng trăm ngàn nạn nhân bị bỏ tù, bị đi đày và đôi khi bị hành quyết.
Matthew Fulco, một cây bút bình luận kỳ cựu về tình hình chính trị Trung Quốc, có trụ sở tại Đài Loan, từng có một bình phẩm hóm hỉnh trên tài khoản LinkedIn của mình như sau : « Đối với tất cả những ai trong không gian mạng này hay hiện hữu thực sự, những người đang gây ra mọi sự cãi vã và gây rắc rối (tầm hấn tư sự - xunxin zishi – một thuật ngữ thường được sử dụng ở Trung Quốc để kết tội mọi nhà bất đồng chính trị), bằng cách cho lan truyền những lời đồn đãi thái quá về một nhà lãnh đạo vĩ đại của dân tộc, thật là đáng xấu hổ. Nhưng trên thực tế, chẳng còn chút nghi ngờ, Tập Cận Bình vẫn đầy quyền lực và lúc này đây vẫn đang làm việc, ngay cả khi ông ấy ẩn mình trước công chúng. Đảng Cộng Sản Trung Quốc chẳng phải đã tái khẳng định rằng ông Tập đang đứng đầu danh sách các đại biểu tham gia Đại Hội Đảng lần thứ XX đấy sao ! »
Bài học Lâm Bưu
Quả thật, Tập Cận Bình tái xuất hiện trước công chúng vào thứ Ba 27/09/2022 nhân chuyến tham quan một triển lãm tại thủ đô Bắc Kinh, lần xuất hiện đầu tiên kể từ sau khi trở về từ Samarkand, nơi ông đã gặp gỡ đồng nhiệm Nga Vladimir Putin. Tuy nhiên, theo Matthew Fulco, điều ở đây là « Tập đã khoác lên mình cái vẻ bề ngoài như những người tiền nhiệm Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình theo hướng ông ấy cuối cùng, đã đạt được điều ông muốn từ các đối thủ trong Đảng. Giống như Mao và Đặng từng muốn như thế, Tập Cận Bình muốn có nhiều quyền lực hơn bất kỳ ai khác và do đó, sẽ cực kỳ khó khăn loại bỏ ông ta. Là những nhà quan sát về Trung Quốc, chúng ta đôi khi có xu hướng nhầm lẫn kỳ vọng của chúng ta đối với nền chính trị Trung Quốc so với thực tiễn. Một trong số ví dụ gần đây là vài người trong số chúng ta đã bắt đầu nghĩ rằng đại dịch xuất phát từ Vũ Hán sẽ làm lung lay Tập Cận Bình. Rủi thay, ngược lại, ông ta đã trở nên mạnh mẽ hơn khi thoát ra khỏi cuộc khủng hoảng y tế này ».
Do vậy, chúng ta phải thận trọng hơn về tương lai của Trung Quốc và nhà lãnh đạo của nước này. Quả thật, khi quan sát lịch sử đất nước này từ năm 1949, dường như chưa bao giờ nước Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa biết đến một cuộc đảo chính thật sự. Đúng ra là có giai đoạn Lâm Bưu, người mà bộ máy tuyên truyền của Đảng đã tự mãn khẳng định rằng có âm mưu chống Mao Trạch Đông năm 1971. Và nhân vật này có một kết cục tồi tệ bởi vì chiếc máy bay chở ông, loại máy bay ba động cơ do Liên Xô sản xuất nhưng sơn mầu Trung Quốc đã bị rơi lúc sáng sớm ngay 13/09/1971, gần vùng Ondorhaan, cách Hồi Hột, thủ đô của Nội Mông 400 km.
Theo tuyên bố chính thức, đó là do thiếu nhiên liệu nhưng có nhiều khả năng bị bắn hạ theo lệnh của Người Cầm Lái Vĩ Đại. Từ lâu bị xem như là kẻ phản bội, Lâm Bưu được hồi phục nhân kỷ niệm 80 năm ngày thành lập quân đội Giải Phóng Nhân Dân năm 2007. Chân dung của ông được treo bên cạnh 9 vị nguyên soái khác, những người thành lập quân đội Trung Quốc tại bảo tàng quân sự ở Bắc Kinh.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét