Đại Hội đảng Cộng Sản Trung Quốc lần thứ 20 sẽ khai mạc ngày 16/10/2022. Tổng bí thư Tập Cận Bình chắc chắn tái đắc cử thêm một nhiệm kỳ nữa. Tuần báo Pháp Le Point ngày 14/07/2022 có bài « Tập Cận Bình, một phiên bản Stalin sản xuất tại Trung Quốc » của Luc De Barochez. RFI xin giới thiệu.
Liên Xô đã thua trong chiến tranh lạnh bởi vì đã quay lưng lại với những lời dạy của Joseph Stalin. Trung Quốc phải « thấm nhuần » những bài học này để đối đầu với Hoa Kỳ : đó là lập luận của nhân vật số 1 Trung Quốc, Tập Cập Bình. Sự nhục nhã do Liên Xô sụp đổ năm 1991 đã đóng vai trò chủ chốt trong quan niệm của ông Tập về thế giới. Trong thời gian qua, các cán bộ đảng viên đảng Cộng Sản Trung Quốc buộc phải xem bộ phim tài liệu nhan đề Chủ nghĩa hư vô lịch sử và sự tan rã của Liên Xô. Bộ phim khẳng định rằng Nikita Khrouchtchev đã mở đường dẫn tới thảm họa khi tiến hành chiến dịch bài Stalin năm 1956.
Tập Cận Bình, người tự xếp mình ngang hàng với Mao Trạch Đông, đã có cái nhìn ngưỡng mộ Stalin giống như Mao trước đây. Người sáng lập ra Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa rất trung thành với nhà độc tài Xô Viết, cho dù Mao đã bị Stalin làm mất mặt nhiều lần trong chuyến công du Matxcơva. Tuy nhiên, sau khi Mao qua đời, đảng Cộng Sản Trung Quốc không phải lúc nào cũng đi theo hướng này. Vào bước ngoặt của thế kỷ, ở Bắc Kinh, người ta thiên về ý kiến cho rằng chế độ ở Matxcơva, bị sơ cứng trong thời kỳ chiến tranh lạnh, không có cải cách chính trị, đã không đủ khả năng thích ứng, điều này dường như giải thích cho thất bại của Mikhail Gorbachev vào cuối những năm 1980.
Tôn sùng cá nhân. Kể từ khi lên cầm quyền, năm 2013, Tập Cận Bình đã áp đặt một quan điểm hoàn toàn khác. « Nghị quyết lịch sử » mà ông Tập cho thông qua, vào năm 2021, tại hội nghị toàn thể Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng Sản Trung Quốc, đã hoàn toàn hướng tới sự cần thiết duy trì vai trò thống trị của Đảng và việc Đảng kiểm soát người dân, nhằm chống lại « các âm mưu » của phương Tây. Theo gương Stalin, Tập Cận Bình sử dụng thanh trừng để loại bỏ các những người đối lập và củng cố quyền lực bên trong Đảng. Ông thiết lập sự tôn sùng cá nhân không kém gì sự tôn sùng dưới thời Bôn Xê Vích, giam cầm hàng trăm ngàn người Duy Ngô Nhĩ trong các trại cải huấn, giống như Stalin đã cho đi đày người Tarta vùng Crimée hay người Đức vùng Volga ; tiến hành các đợt trấn áp tư tưởng hà khắc kể từ khi xẩy ra thảm kịch Thiên An Môn năm 1989. Ông Tập đã thẳng tay bác bỏ những đòi hỏi dân chủ của những người biểu tình Hồng Kông, áp dụng chế độ kiểm soát xã hội đối với người dân chưa từng thấy trong Lịch sử.
Ngày nay tại Trung Quốc cũng giống như ngày xưa tại Liên Xô, đảng Cộng Sản không phải đối mặt với ly khai, cạnh tranh tư tưởng. Ngay cả xã hội dân sự, nếu như các tổ chức của nó không thuần phục và nằm dưới sự kiểm soát của Đảng, thì cũng chỉ là con ngựa thành Troie (nội gián) của các thế lực tư bản chống cộng sản và do vậy chống Trung Quốc. Văn hóa, nghệ thuật và văn học chỉ có quyền tồn tại nếu như phục vụ các mục tiêu của Đảng và nhồi sọ quần chúng.
Quảng bá mô hình Trung Quốc. Tuy vậy, Tập Cận Bình không phải là Stalin. Không phải vì sự tàn bạo thực sự của lãnh đạo Trung Quốc còn rất thấp so với nhà lãnh đạo gốc Gruzia và hàng triệu người chết do các chính sách của ông ta gây ra. Mà cái chính là tham vọng quốc tế của hai người không có cùng bản chất. Stalin đấu tranh cho một cuộc cách mạng cộng sản toàn thế giới, làm cho từng nước ngả vào không gian Xô Viết. Stalin không ngừng ủng hộ tư tưởng đập phá, lật đổ của chủ nghĩa cộng sản.
Còn Tập Cận Bình – theo như những gì mà người ta biết – thì không bao giờ hăng hái kích động thay đổi chế độ ở bên ngoài Trung Quốc, còn Hồng Kông không phải làm một ngoại quốc. Tuy nhiên, một trong những nét của cuộc chiến tranh lạnh mới giữa Mỹ và Trung Quốc đó là Bắc Kinh đầu tư vào việc quảng bá mô hình của Trung Quốc trên thế giới, một mô hình kết hợp giữa các đại công ty của Nhà nước và sự kiểm sát người dân. Một mô hình được giới thiệu như một giải pháp cho chủ nghĩa tự do phương Tây, gìn giữ độc lập dân tộc và nhất là sự yên bình của những kẻ chuyên quyền, tạo thuận lợi cho các giai cấp trung lưu làm giàu nhanh chóng. Và ở đây, người ta tìm ra được sợi dây xuyên suốt từ Stalin tới Tập Cận Bình, sợi dây nối liền Đảng Cộng Sản Liên Xô với người em của nó là đảng Cộng Sản Trung Quốc đã lớn mạnh : đó là niềm tin tưởng dấn thân vào cuộc đấu tranh không khoan nhượng chống lại chủ nghĩa tự do phương Tây. Một cuộc đấu trranh chỉ có thể kết thúc với sự thắng lợi của chủ nghĩa cộng sản.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét