TRÍCH ĐIỂM BÁO PHÁP (31/03/2021):
Ảnh minh họa : Một người biểu tình Duy Ngô Nhĩ dẫm lên cờ Trung Quốc, phản đối chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ của Vương Nghị ngày 25/03/2021. AP - Emrah Gurel
Les Echos nhận xét tại châu Á, tình cảm chống Trung Quốc không ngừng tăng lên. Nếu cứ tiếp tục ngạo mạn và hung hăng như hiện nay, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với tâm lý bài Hoa ngày càng lớn mạnh trên thế giới.
Dư luận quốc tế ngày càng thù địch với Trung Quốc
Les Echos phân tích « Tại châu Á, tình cảm chống Trung Quốc không ngừng tăng lên ». Theo tờ báo, nếu không thay đổi mục tiêu, Bắc Kinh sẽ phải đối mặt với tâm lý bài Hoa ngày càng lớn trên thế giới. Tại Miến Điện, phong trào tấn công vào các lợi ích Trung Quốc có nguy cơ gia tăng thập bội, bên cạnh đó một bộ phận thanh niên Đông Nam Á tham gia trên mạng xã hội theo cách của mình, tạo thêm sức mạnh cho mặt trận này.
Hồi năm 2017 tại Davos, Tập Cận Bình không giấu sự hãnh diện khi Trung Quốc đóng vai trò lớn trong toàn cầu hóa. Vài năm sau đó, chính quyền Bắc Kinh gây ra không ít ngờ vực cộng với xu hướng chống Trung Quốc ngày một lan rộng. Biển Đông, Duy Ngô Nhĩ, Hồng Kông, Đài Loan : Trung Quốc mở ra nhiều mặt trận và phải gánh chịu làn sóng chỉ trích dữ dội, vốn hiếm khi nghe thấy cho đến nay.
Những « chiến lang » tức chiến binh sói, các nhà ngoại giao thế hệ mới tả xung hữu đột bảo vệ lợi ích của Bắc Kinh, với thái độ vừa ngạo mạn vừa cố chấp, càng làm dư luận quốc tế thêm thù địch với Trung Quốc.
Bắc Kinh gây thù chuốc oán khắp nơi
Miến Điện là ví dụ mới nhất. Đầu tháng Ba, khi gọi vụ đảo chính của quân đội chỉ là « cải tổ nội các » và từ chối lên án, Bắc Kinh tạo cảm tưởng ủng hộ các tướng lãnh đảo chính. Người biểu tình đã tấn công vào các nhà máy Trung Quốc ở ngoại ô Rangoon, đa số là dệt may. Trung Quốc là nhà đầu tư lớn nhất ở Miến Điện, khoe rằng đã tạo ra 400.000 việc làm, nhưng chính ảnh hưởng lớn lao về kinh tế đã khiến người ta phải cảnh giác. Không phải là ngẫu nhiên khi trong thăm dò, 3/4 người Miến Điện đòi hỏi Bắc Kinh phải tôn trọng chủ quyền lãnh thổ.
Tâm lý chống Trung Quốc không phải là mới mẻ : Indonesia và Malaysia trong những thập niên trước từng rung chuyển với những cuộc biểu tình phản đối Bắc Kinh. Điểm mới ở đây là sự tương phản giữa hình ảnh của một Trung Quốc « quyền lực mềm » về văn hóa, và « quyền lực cứng » kinh tế, chính trị, quân sự. Một mặt, Bắc Kinh viện trợ, tặng vac-xin cho một số nước nghèo, mặt khác lại giương oai diễu võ trên mọi phương diện. Tháng 4/2020, Bắc Kinh ngang nhiên công bố lập ra cái gọi là « quận đảo Tây Sa và Nam Sa » để quản lý các quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền. Hai tháng sau, trên đỉnh Himalaya, Trung Quốc điều lực lượng dân quân chuyên về cận chiến đến tấn công dã man những người lính Ấn Độ.
Mỗi lần như thế, tình cảm bài Hoa lại sục sôi. Một nghiên cứu của ISEAS-Yusof Ishak Institut về Đông Nam Á cho thấy rõ : trong số 1.032 người được hỏi, có 76,3% nhìn nhận Trung Quốc có ảnh hưởng kinh tế mạnh nhất, nhưng 72,3% tỏ ra lo sợ trước Bắc Kinh.
Liên minh trà sữa, mặt trận xuyên quốc gia chống Trung Quốc
Trên mạng xã hội, « Liên minh trà sữa » là một dạng mặt trận xuyên quốc gia chống độc tài Trung Quốc. Các nhà đấu tranh trẻ tuổi ở Đài Loan, Hồng Kông, Thái Lan với hashtag #milkteaalliance, bên cạnh những mối quan tâm trong nước còn bảo vệ những giá trị ngược lại với Bắc Kinh, từ dân chủ, nhân quyền, Nhà nước pháp quyền, cho đến tự do ngôn luận. Giới trẻ Hồng Kông chống việc Bắc Kinh thô bạo siết lại tự do tại đặc khu, Đài Loan từ chối chịu thua trước áp lực của Hoa lục, thanh niên Thái Lan cũng như láng giềng Miến Điện nghi ngờ Trung Quốc bí mật bán vũ khí cho quân đội nước mình.
Quá tự tin về sức mạnh bản thân, Trung Quốc chẳng những coi thường những lời chỉ trích, mà còn đổ dầu vào lửa. Các nhà lãnh đạo Bắc Kinh với sự giúp sức của các « chiến lang », công khai những tham vọng của mình, và cuộc đối đầu như với Hoa Kỳ có thể mở rộng tại nhiều nơi trên thế giới.
Nếu tại Miến Điện người dân chống lại các ông chủ Trung Quốc, hiện tượng này cũng có cơ nhân rộng tại Cam Bốt hoặc các nước khác trong khu vực. Cung cách ngoại giao hung hăng, chủ trương biến một số nước thành chư hầu đã là chất men xúc tác cho mặt trận chống Trung Quốc. Dù hùng mạnh, Bắc Kinh khó thể thu phục được các láng giềng, và lại càng khó hơn với các đối tác.
(Thụy My - RFI)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét