Trong mục « Nước Pháp nhìn từ nước ngoài vào » website tuần báo Le Courrier International ngày 06/08/2020, có bài « Nhìn từ Vương Quốc Anh : Người Pháp, một dân tộc rất thích nói Không », thử trả lời câu hỏi này và trấn an luôn : dân Pháp nói Không nhưng không có nghĩa là Không.
Biểu tình của công đoàn Pháp CGT với khẩu hiệu : « Không giết chết bệnh viện công », Marseille, ngày 22/05/2018
Tại sao dân Pháp lại ưa chuộng nói Không ? Đó là điều mà nữ nhà báo Anh Sylvia Sabes, cố thử giải thích qua việc tìm kiếm những giải đáp dựa vào lịch sử, ngôn ngữ tiếng Pháp và giáo dục.
Nhà báo Sylvia Sabes viết cho website BBC như sau : « Trong vòng 18 năm qua, tôi đã học được cách thưởng thức cái đẹp xung quanh tôi như một sự đền bù vì phải sống trong một đất nước mà câu trả lời mặc định tràn trề thất vọng cho mọi câu hỏi, đề nghị hoặc gợi ý là Không ». Đối với nữ nhà báo người Anh này, Không là câu trả lời thường xuyên nhất trong một cuộc nói với một người Pháp. Cho dù trong một số trường hợp, không nhất thiết phải loại bỏ câu trả lời Có.
Trả lời Không là để ngỏ khả năng nói Có sau này. Làm ngược lại thì không còn khả năng này nữa. Theo Olivier Giraud trong vở kịch độc diễn « Làm thế nào trong một giờ có thể trở thành người Paris ? », khi đã nói Có rồi thì người ta không thể nói Không nữa.
Biểu tình, môn thể thao quốc gia
Theo nữ nhà báo Anh, kể từ khi chiếm phá ngục Bastille, dân Pháp liên tục, lúc ít lúc nhiều, bày tỏ sự bất bình, và bà không quên nhắc tới phong trào « Áo Vàng » liên tục biểu tình từ tháng 11/2018. « Từ dạo đó, họ tìm được những lý do mới để xuống đường mỗi thứ Bẩy, để cho thấy biểu tình là một dạng thể thao quốc gia đối với nhiều người ».
Website BBC bổ sung : Đó là chưa kể khi nói Không thì có nhiều lựa chọn. Từ câu dễ thương như « Cái đó có thể phức tạp đấy » đến câu trả lời thẳng thừng và đốp chát như « Không có chuyện đó », tóm lại, dân Pháp có một loạt khả năng, cấp độ nói Không.
Trong bối cảnh một cuộc đối thoại, ẩn nấp đằng sau cái Không thường là cái Có. Nói đến bối cảnh, đó là giọng điệu, bộ dạng biểu đạt hoặc tình huống. Đối với giáo sư Erin Meyer, tất cả là vấn đề quan hệ, tùy theo từng nền văn hóa, các quan hệ cũng khác nhau. Ví dụ, Mỹ và Úc là hai nước mà ở đó, người ta nói những gì họ nghĩ và nghĩ những gì mà họ nói. Ngược lại, Pháp, cũng giống như Nga và Nhật Bản, là quốc gia mà ở đó nên đọc giữa hai hàng chữ bởi vì cách nói chuyện, trao đổi uyển chuyển và phức tạp.
Một ngôn ngữ kém phong phú
Thực ra, có thể là người Pháp luôn luôn trong trạng thái đối đầu bởi vì họ thiếu từ ngữ để diễn ta suy nghĩ của mình. Theo giáo sư Erin Meyern, người nói tiếng Anh có tới 500 000 từ để dùng trong lúc người nói tiếng Pháp chỉ có 70 000 từ mà thôi. Do vậy, người dùng tiếng Anh có thể diễn tả suy nghĩ của mình bằng một từ thì người nói tiếng Pháp phải sử dụng nhiều từ để truyền đạt thông điệp của mình.
Điều này buộc người Pháp không chỉ phải có đầu óc sáng tạo để biểu đạt mà còn cho phép họ « ăn nói » mập mờ hơn. Do vậy cái Không tại Pháp không phải lúc nào cũng là Không.
Tuy nhiên, nữ nhà báo Anh trấn an, « sự phụ thuộc vào từ Không này không có nghĩa là dân Pháp về bản chất là xấu, tiêu cực. Cách tiếp cận vấn đề theo kiểu này của dân Pháp có thể là do giáo dục. Ở trường, học sinh Pháp được học lập luận theo tam đoạn thức - chính đề, phản đề, hợp đề ». Do đó, cần phải thấy là cái Không trong tiếng Pháp như một chào mời tranh luận với mục đích hiểu nhau hơn, chứ không phải là cái Không đơn thuần.
« Tôi không biết »
Thông thường, nói Không đồng nghĩa với « Tôi không biết ». Julie Barlow và Jean-Benoît Nadeau, đồng tác giả cuốn « Hiệu ứng câu chào Bonjour » nêu ra những « mật mã » trong một cuộc đối thoại bằng tiếng Pháp. Hai tác giả này cho rằng 75% trường hợp nói Không là do thiếu hiểu biết. Bởi vì người ta lo sợ bị sai, bị nhầm. Nỗi lo sợ này có cội nguồn từ trường học. Từ cấp tiểu học, học sinh cùng lớp đều biết điểm của nhau cho đến lúc thi tú tài (tốt nghiệp phổ thông), kết quả thi được công bố trên Internet, do vậy, dân Pháp không dám khẳng định điều gì mà họ không chắc chắn.
Mà điểm kiểm tra hoặc điểm thi cử thì quan trọng vì với điểm 12/20 học sinh đã được khen hoặc xếp hạng khá còn điểm 20/20 thì gần như không thể đạt được. « Sau 13 năm học đầy lo âu, những học sinh sống sót thoát ra khỏi hệ thống trường học Pháp cảm thấy nhẽ nhõm hẳn để có thể nói Không nhằm mời chào tranh luận thay vì nói Có một cách sai lầm ».
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét