Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2008

THÁI LAN : Trở lại tình hình như trước khi có đảo chính ?

27/02/2008_ Với việc ông Thaksin hồi hương ngày mai, liệu Thái Lan có quay trở lại nguyên trạng thời kỳ tiền đảo chính ?

Trước nguồn tin cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra hồi hương vào ngày mai, 29/02/2008, một nhà phân tích hàng đầu nhận định rằng dưới nhiều gốc độ, mọi việc đang quay trở về vị trí cũ vào thời trước khi xẩy ra đảo chính. Ông Thitinan Pong Sudhirak, thuộc đại học Chulalong Korn nói tiếp : « Ngày nay quân đội đã đánh mất uy tin, họ đã bị gạt ra ngoài lề và Thái Lan thoái lui về tình trạng đối đầu, phân cực với những bước thăng trầm tất yếu ». Hết lời dẫn.

Điều quan trọng trước mắt đối với chính phủ Thái Lan, đó là bảo đảm trật tự an ninh. Trong khi trang web www.hithaksin.net kêu gọi những cảm tình viên của cựu Thủ tướng tập hợp chào mừng ông Thaksin tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi vào 9 giờ sáng ngày mai, thì Thủ tướng Thái, ông Samak Sundaravej lo sợ bất ổn. Ông đã tỏ ý hy vọng là chuyến hồi hương của Thaksin sẽ không gây ra hỗn loạn.

Lo ngại của chính quyền phát xuất từ các lời đe dọa của nhiều nhân vật chống Thaksin. Tổ chức mang tên People's Alliance for Democracy, Liên minh Nhân dân vì Dân chủ, đã từng huy động biểu tình rầm rộ chống Thaksin, trong thời kỳ tiền đảo chính, đã lên tiếng sẽ xuống đường phản đối Thaksin trở về. Cho dù chưa chắc chắn là đường phố thủ đô Bangkok sẽ rối loạn như xưa, thế nhưng nguồn tin cựu Thủ tướng bị lật đổ điềm nhiên trở về đang gây cú sốc lớn trong toàn xã hội. Theo phân tích của nhật báo Singapore The Strait Times, điều này sẽ khoét sâu thêm những chia rẽ trong xã hội Thái Lan, nguyên nhân dẫn đến vụ đảo chính tháng 9 năm 2006 . Đánh giá tổng quát về nbững mâu thuẫn khó hàn gắn này, nhật báo kể trên xem đây là sự đối kháng giữa một bên là giới tài phiệt truyền thống của thủ đô Bangkok và bên kia là quần chúng nông thôn vốn ủng hộ ông Thaksin.

Theo chính phủ Thái Lan, gồm nhiều cận thần của cựu Thủ tướng, thì ông Thaksin quay trở về để trả lời các tội danh tham nhũng và lạm quyền. Bởi lẽ đó, ông Thaksin sẽ trình diện trước toà để xin tại ngoại hầu tra. Sau đó, theo giới thạo tin, ông sẽ xuất ngoại một lần nữa và sẽ trở về Thái Lan trong tương lai. Xã hội sôi động đã đành, nhưng Liên minh cầm quyền, tập hợp sáu đảng, cũng khó mà thống nhất ý kiến về việc Thaksin tái xuất hiện trong nước. Trong số các đối tác của đương kim Thủ tướng Samak thuộc liên minh, nhiều nhân vật không ưa chuộng gì ông Thaksin. Cạnh đó, trong Liên minh nắm quyền, nhiều người chắc hẳn sẽ không hài lòng, nếu ông Thaksin chỉ đạo chính phủ từ hậu trường và họ sẽ phải đóng vai những kẻ thừa hành.

Gần đây, Thủ tướng Samk Sundaravej gây ra nhiều hiềm khích trong phe ủng hộ Thaksin khi ông phủ nhận sự kiện 46 sinh viên đã bị tàn sát tại Bangkok trong đợt đàn áp tháng 10 năm 1976. Theo ông Samak, chỉ có một nạn nhân duy nhất vào thời điểm đó. Thái độ xét lại quá khứ của Thủ tướng Samak đã bị ông Chaturon Chaisaeng đã kích công khai. Ông Chaturon, quyền lãnh đạo đảng Thai Rak Thai, thân Thaksin, trong thời gian hậu đảo chính, đã yêu cầu Thủ tướng Samak nghiên cứu lại lịch sử, trước khi bình luận công khai. Mới lên nắm ngôi vị Thủ tướng, ông Samak hiện nay còn đau đầu với vụ Chủ tịch Quốc hội, ông Yong Yuth Tiyapairat, vừa bị xét là phạm tội gian lận bầu cử, dẫn đến nguy cơ đảng Quyền lực Nhân dân có thể bị giải tán.

Cũng chính vì những yếu tố vừa kể mà việc Thaksin hồi hương, theo báo trên mạng atimes.com, là dấu hiệu cho thấy bản thân Thaksin Shinawatra không thỏa mãn chút nào về đường lối lãnh đạo chính phủ của ông Samak Sunderavej. Ở trong thiếu đoàn kết, ở ngoài bị đe dọa xuống đường tẩy chay, phe ủng hộ Thaksin cho đến nay vẫn thiếu vắng chính sách hoà giải như họ đã từng cam kết. Về triển vọng ổn định tại Thái Lan, chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm.
Bảo Thạch
(Ảnh : Reuters : Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra)

Không có nhận xét nào: