Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Năm, 24 tháng 2, 2011


 

TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

* * *
Tham khảo:

Mô hình « đồng thuận Bắc Kinh » phá sản ?


Phong trào phản kháng trong thế giới Ả Rập và châu Phi hiện nay phản bác luận điểm tán dương mô hình « đồng thuận Bắc Kinh », tức là những chế độ chủ trương phát triển kinh tế tư bản chủ nghĩa nhưng duy trì chế độ chính trị độc đảng, chuyên quyền, không quan tâm đến các quyền tự do phổ cập khác của người dân. Đây là nội dung bài viết tựa đề : Cuộc nổi dậy trên quảng trường Tahrir và « đồng thuận Bắc Kinh », đăng trên báo Le Monde, ngày 17/02/2011, của nhà báo Alain Franchon.

*

Trong các cuộc hội thảo về toàn cầu hóa, từ nay trở đi, sẽ có sự phân kỳ « trước » và « sau » cuộc Nổi dậy phi thường trên quảng trường Tahrir – Giải phóng – Ai Cập. Đó không chỉ là một dấu mốc sử ký. Đó là thời điểm báo hiệu một trong những trận chiến lớn về tư tưởng của thế kỷ : tranh cãi về các mô hình. Xin giải thích như sau.

Từ vài năm qua, người ta ca tụng đến mức phát ngán cái mà người ta gọi là « đồng thuận Bắc Kinh ». Đó là một thành ngữ lịch sự để miêu tả những chế độ xưng tụng chủ nghĩa tư bản kết hợp độc đảng. Người ta thấy được kỳ vọng thành công của các nước phía Nam đối với mô hình này, cất cánh về kinh tế và xã hội, hội nhập vào nền kinh tế toàn cầu hóa. Tấm gương đến từ Trung Quốc – một nền kinh tế đáng nể, trong tuần qua, đã vươn lên hàng thứ hai trên thế giới, sau Hoa Kỳ. Cho dù Trung Quốc luôn luôn tránh « bán » mô hình của mình, nhưng mô hình « đồng thuận Bắc Kinh » đã không ngừng gây ra nhiều thèm muốn bắt chước.

Tại Nga, Vladimir Putine, tuy không nói ra, nhưng lấy nguồn cảm hứng từ đó. Mô hình này cũng cám dỗ nhiều nước châu Phi. Nó quyến rũ ban lãnh đạo của tổng thống Mahmoud Ahmadinejad tại Iran. Nó được sao chép bởi nhiều nước châu Á và những nơi khác. Giải pháp cho mọi vấn đề là sự kết hợp theo kiểu Trung Quốc : tự do kinh doanh và chuyên quyền độc đoán chính trị. Và thế là mọi việc đều trôi chảy ! Đó chính là điều mà ở Ai Cập người ta cũng nghĩ như vậy, ít ra là cho đến khi điều không hay đã xẩy ra vào đúng giữa mùa đông êm ái này bên bờ sông Nil : Cuộc Nổi dậy phi thường trên quảng trường Tahrir.

Mô hình « đồng thuận Bắc Kinh » không chỉ được tán dương ở các nước phương Nam. Có những chuyên gia ở Mỹ và tại châu Âu tưởng tượng ra rằng mô hình này sẽ thống trị thế kỷ. Dường như thành ngữ « đồng thuận Bắc Kinh » có nguồn gốc từ một người Mỹ tên là Joshua Cooper Ramos. Là tác giả và là nhà tư vấn, Cooper Ramos đã nặn ra thành ngữ này vào năm 2004 để đối lập với cái mà vào cuối những năm 1980, ngưòi ta gọi là « đồng thuận Washington » : lãnh đạo quản lý một cách dân chủ nhất có thể, tự do kinh doanh và mở cửa biên giới ngay lập tức cho tư bản và hàng hóa của toàn thế giới – đó cũng là điều mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế - FMI và nhất là Cục Ngân khố Mỹ tán dương vào lúc đó như là một mô hình các bên đều có lợi đối với các nền kinh tế phương Nam và các nền kinh tế của Nga và Đông Âu vừa mới được phi Sô viết hóa.

Cùng với những thành công mà Trung Quốc đạt được, mô hình « đồng thuận Bắc Kinh » đã có được tính chính đáng. Trung Quốc tự khẳng định như một đối thủ về kinh tế và sắp tới là về quân sự, của Hoa Kỳ, nhưng đồng thời cũng là một đối thủ cạnh tranh về tư tưởng : Trung Quốc có sức mạnh mềm chính trị - khả năng quyến rũ của Trung Quốc.

Tại các nước phương Nam, mô hình « đồng thuận Bắc Kinh » thắng thế so với mô hình « đồng thuận Washington » ; nó tỏ ra thích hợp hơn là nền dân chủ « theo kiểu phương Tây » ; nó kháng cự tốt hơn trước cuộc khủng hoảng 2008-2009 mà do đối thủ của nó – mô hình « đồng thuận Washington » - gây ra. Được chuyển đặt vào Ai Cập, mô hình « đồng thuận Bắc Kinh » thể hiện như sau : chủ nghĩa tư bản cộng với sự hiện diện khắp nơi của cảnh sát chìm – moukhabarat (cơ quan cảnh sát mật vụ Ai Cập)

Chế độ chuyên quyền độc đoán chính trị phục vụ chủ nghĩa tư bản trong đó Nhà nước vẫn là một tác nhân kinh tế chính, chống lại nền dân chủ và mô hình tự do kinh doanh như người ta vẫn làm tại phương Tây… Một trận đấu về hệ tư tưởng của thế kỷ. Mô hình này đối lập với mô hình kia. Trong những trường hợp này, thì bao giờ cũng có một người Mỹ đặt cược vào sự thất bại của phe của mình và dự báo sự suy tàn tất yếu của nó trong một tác phẩm gây nhiều tiếng vang. Người đó tên là Stefan Halper.

Nguyên là nhà ngoại giao, trở thành giáo sư ở Cambridge (Anh Quốc), Halper đã đăng vào năm 2010 một tiểu luận xuất sắc : Đồng thuận Bắc Kinh hay mô hình chuyên quyền Trung Quốc sẽ thống trị thế kỷ XXI như thế nào (nhà xuất bản Basic Books, New York). Chủ đề chính : Trường hợp của Trung Quốc chứng tỏ là một hệ thống độc đảng và tự do kinh doanh, không có các quyền tự do phổ cập khác, có thể là một giải pháp khả tín và vững chắc so với mô hình công dân quản lý của Mỹ.

Sự việc đang dừng ở đó thì một năm sau, những lớp người trẻ tuổi ở quảng trưởng Tahrir đã làm rối loạn tâm trí giáo sư Halper và những người khác, họ ồn ào trình bầy quan điểm của mình : Không có gì chắc chắn là mô hình « đồng thuận Bắc Kinh » là một phép mầu nhiệm ; không có gì chắc chắn là mô hình này bảo đảm ổn định chính trị trong tương lai ; giả sử nó luôn luôn tạo thuận lợi cho sự phát triển kinh tế thì cũng không có gì chắc chắn là chế độ chuyên quyền độc đoán chính trị sẽ mang lại hạnh phúc cho nguời dân. Những phẩm giá của chế độ bạo quyền theo kiểu Ben Ali (cựu tổng thống Tunisia) hay theo kiểu Mubarak (cựu tổng thống Ai Cập) có những giới hạn của nó.

Trung thực mà nói thì Trung Quốc không vận động các nước theo mô hình của họ. Trung Quốc chỉ xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ, chứ không xuất khẩu ý tưởng. Cũng chính sự trung thực này cũng buộc phải dè chừng các so sánh giữa các nước rất khác nhau như Trung Quốc và Ai Cập. Nhưng dù sao thì cũng có chỉ dấu cho thấy cuộc Nổi dậy trên quảng trường Tahrir chỉ được đưa tin một cách tối thiểu trên các phương tiện truyền thông Trung Quốc : cấm báo chí không được lấy lại những bài viết khác ngoài những bài viết của Tân Hoa xã, kiểm duyệt rất chặt chẽ những gì có thể nói về chủ đề này trên internet. Theo quan điểm của Bắc Kinh thì hình như giới trẻ Ai Cập là những người đưa ra một thông điệp kêu gọi lật đổ chính quyền hơi mạnh quá.

Trong một thể chế chuyên quyền lớn khác của thời đại, nước Nga của ông Putin, thì báo chí được tự do hơn. Cái nhìn của báo chí Nga về sự kiện tại quảng trường Tahrir cũng rất thú vị. Xã luận của tờ Thời báo Matxcơva viết : « Bất kể những ồn ào mà các nhà phân tích chính trị đã gây ra vào năm ngoái liên quan đến việc mô hình dân chủ phương Tây bị mất ảnh hưởng và về sự vươn lên của mô hình chuyên quyền độc đoán (bao gồm Trung Quốc, Singapore, v.v.), lịch sử lại không đứng về phía chuyên quyền độc đoán, bởi vì theo định nghĩa, chuyên quyền độc đoán không có tính chính đáng và bản chất của nó là bất ổn định ».

Tờ báo viết tiếp : « Các cuộc biểu tình của những người về hưu, năm 2005 và các cuộc biểu tình cách nay một năm ở Kaliningrad là những lời cảnh báo đầu tiên đối với triều đại Vladimir Putin. (…) Chúng ta hy vọng điện Kremlin sẽ biết rút ra những bài học bổ ích từ cuộc « Cách mạng Hoa Nhài » ở Tunisia và những cuộc biểu tình phản đối tại Ai Cập trước khi quá muốn ». Than ôi, tờ báo kết luận, « điện Kremlin dường như lại tin rằng người Nga sẽ mãi mãi chịu đựng một mức sống khốn khổ, nạn tham nhũng và sự tàn nhẫn của chính phủ ». Phải chăng giống như Mubarak đã nghĩ như vậy về người dân Ai Cập ?


* * *
HRW chỉ trích nghị định mới
về xử phạt báo chí Việt Nam


Tình cảnh nguời Việt Nam bị kẹt tại Libya rất bi đát

Việt Nam hủy bỏ dự án liên doanh
10 tỷ đô la giữa Vinashin và Malaysia


Triển lãm ảnh của phóng viên chiến trường Việt Nam tại Paris

Trung Quốc dự trù án tử hình
đối với tội danh buôn bán nội tạng người


Bắc Triều Tiên: Dân ở nhiều nơi phải ăn cỏ dại vì đói

Anh cho phép dẫn độ sáng lập viên WikiLeaks sang Thụy Điển