Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Sáu, 29 tháng 2, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

VIỆT NAM: Chính phủ đau đầu vì lạm phát

29/02/2008_ Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong tháng hai này, tỷ lệ lạm phát của Việt Nam lên tới 15,7%, mức cao nhất kể từ một thập niên qua, vào lúc chính phủ đang cố gắng đề ra các biện pháp kiểm soát giá cả trong một nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á. So với cùng thời kỳ này năm ngoái, giá lương thực, thực phẩm tăng 25,2% còn giá địa ốc, nguyên vật liệu xây dựng tăng 16,4%.

Nhìn trên phạm vi vĩ mô, theo giới phân tích, được tờ International Herald Tribune trích đăng, lạm phát tại Việt nam, nước hiện có tỷ lệ cao nhất tại Đông Nam Á, là do bối cảnh quốc tế và các yếu tố nội tại của nền kinh tế.

Trong thời gian qua, nhiên liệu và thực phẩm đều tăng giá trên thị trường thế giới và Việt Nam chịu áp lực lạm phát mạnh nhất bởi vì có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao liên tục trong nhiều năm, năm 2007, tỷ lệ này là 8,5%, trong khi đó, nguồn đầu tư trực tiếp của nước ngoài tăng nhanh, đặc biệt là kể từ khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới.

Chính sách tỷ giá hối đoái là một trong những nguyên nhân làm cho lạm phát tăng lên. Theo ông Jonathan Pincus, trưởng nhóm chuyên gia kinh tế thuộc tổ chức Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Hà Nội, tỷ giá đồng tiền Việt Nam gắn liền trên thực tế với đồng đô la Mỹ đang bị xuống giá rất mạnh. Thế nhưng, Việt Nam lại nhập khẩu nhiều mặt hàng, đặc biệt là nguyên vật liệu xây dựng từ Trung Quốc trong lúc đồng Nhân dân tệ lại đang lên giá so với đô la Mỹ. Điều này đã làm tăng giá cả vật liệu xây dựng nhập khẩu tại Việt Nam.

Chính phủ Việt Nam hiện áp dụng chính sách từng bước xóa bỏ cơ chế bù giá đối với nhiều mặt hàng, trong đó có xăng dầu nhập khẩu, để cho thị trường tự điều chỉnh. Vào lúc giá dầu lửa trên thế giới leo thang, trong tuần qua, chính phủ Việt Nam thông báo tăng giá khí đốt 12% và dầu diesel 35%. Hiện tượng giới đầu tư trong nước đổ tiền vào lĩnh vực địa ốc và sự phát triển nhanh, nhưng rất bấp bênh, của thị trường chứng khoán, đã góp phần không nhỏ vào việc làm tăng khối lượng tiền tệ lưu thông và thúc đẩy giá cả lên cao. Tuy nhiên, theo ông Pincus, các ngân hàng thương mại đã cho vay quá nhiều, mức tín dụng tăng tới 90% trong năm ngoái. Bên cạnh đó, các chuyên gia trong nước cho rằng chính sách cải cách tiền lương trong các cơ quan nhà nước, quá trình cổ phần hóa cũng là những nguyên nhân khiến lạm phát gia tăng.

Nhìn bề ngoài, lạm phát hiện nay tại Việt Nam khá giống với tình hình cuối những năm 80 của thế kỷ trước. Đó là vừa thừa tiền, vừa thiếu tiền. Vào thời điểm đó, lạm phát tăng từng ngày nhưng Nhà nước lại không có tiền trả lương cho cán bộ công nhân viên. Sau nhiều cuộc tranh luận, kể cả với các kinh tế gia của các định chế quốc tế, người ta mới nhận ra rằng trong nền kinh tế Việt Nam lúc đó, có hai hệ thống lưu thông tiền tệ song song tồn tại. Một bên là hệ thống tiền tệ của Nhà nước và bên kia là hệ thống lưu thông tiền mặt của người dân và các doanh nghiệp. Nhà nước phát hành tiền để chi ngân sách, trả lương, nhưng số tiền này không quay về ngân hàng mà trôi nổi trên thị trường, cất giữ trong nhà dân, trong két bạc của các công ty. Đến một lúc nào đó, số tiền mặt trên thị trường dư thừa trong khi khả năng cung ứng hàng hóa và dịch vụ không đáp ứng được nhu cầu. Do đó, Nhà nước vẫn thiếu tiền và các nhà máy in tiền phải hoạt động hết công suất, làm việc 24 h trên 24, còn trên thị trường thì giá cả tăng với tốc độ phi mã.

Tình hình hiện nay khác về bản chất. Theo quan điểm của Ngân hàng nhà nưóc Việt Nam, hiện nay, số lượng tiền đồng lưu hành quá lớn, cần phải giảm bớt thông qua các biện pháp tăng lãi suất huy động tiết kiệm, bắt buộc các ngân hàng thương mại mua hơn 20 ngàn tỷ đồng công trái. Thế nhưng, các biện pháp này lại đang làm cho các ngân hàng thương mại thiếu tiền đồng Việt Nam, để thực hiện các cam kết cho vay và chi trả. Trong tháng hai này, nhiều ngân hàng thương mại đã tăng lãi suất gửi tiết kiệm tiền đồng để huy động vốn và bán ngoại tệ, như đô la, để có thêm tiền đồng Việt Nam.

Ngay từ cuối năm ngoái, giới chuyên gia trong nước đã cảnh báo nguy cơ tạo mặt bằng giá mới trong năm nay. Do vậy, có một câu hỏi được đặt ra là có nên chấp nhận lạm phát để duy trì tăng trưởng cao hay không ? Mà lạm phát, giá cả lên cao sẽ tác động trực tiếp đến đời sống người dân, đặc biệt là người nghèo. Và đây chính là bài toán đau đầu đối với chính phủ Việt Nam hiện nay.
Đức Tâm
(Ảnh :www.saga.vn)

Thứ Năm, 28 tháng 2, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

COLOMBIA : Áp lực gia tăng đối với Uribe sau khi FARC thả bốn con tin.

28/02/2008_ Quả bóng đang nằm trên sân của Tổng thống Colombia Alvaro Uribe. Đây là nhận định của các nhà phân tích sau khi bốn nghị sĩ Colombia bị quân du kích FARC bắt cóc cách đây sáu năm, đã được trả tự do vào hôm qua. Tương tự như trường hợp của hai người khác cách nay hai tháng, các con tin này được đơn phương trả tự do nhờ nỗ lực trung gian của tổng thống Venezuela Hugo Chavez.

Theo giới quan sát, sự kiện có thêm bốn con tin được phóng thích sẽ góp phần gia tăng sức ép trên tổng thống Alvaro Uribe, vốn vẫn duy trì chính sách không khoan nhượng đối với phong trào du kích, bất chấp cử chỉ thiện chí đơn phương đầu tiên của lực lương FARC. Áp lực càng nặng nề hơn khi quân du kích, ngay sau khi trả tự do cho bốn nghị sĩ Colombia, đã ra thông báo đình chỉ mọi cuộc phóng thích đơn phương khoảng gần 40 con tin chính trị mà họ còn cầm giữ. Con tin chính trị nghĩa là những nhân vật quan trọng đã bị lực lượng du kích bắt cóc để dùng làm món hàng trao đổi với chính quyền, khác với các doanh nhân hay thành phấn khác bị bắt cóc để đòi tiền chuộc mạng.

Để các con tin chính trị được thả ra, chính quyền Uribe phải thỏa mãn các yêu sách chính của lực lượng FARC. Đó là thương thuyết trực tiếp về việc trả tự do cho 500 du kích quân đang bị chính quyền giam giữ và triệt thoái quân đội ra khỏi hai vùng Pradera và Florida ở miền Tây Nam Colombia.

Từ Bogota, thông tín viên Marie Eve Detoeuf tường trình : « Thông cáo của lực lưọng du kích FARC như một gáo nước lạnh. Thông cáo đưọc đưa ra ngay vào lúc mà các đài truyền thanh Colombia chào mừng chiến dịch giải thoát bốn con tin thành công. Trên mạng internet, du kích quân FARC cho biết việc đơn phuong trả tự do cho con tin kết thúc từ đây. Tổng cộng du kích quân FARC đã trao lại sáu con tin cho Tổng thống Venezuela, Hugo Chavez đã được cảm tình của FARC. Nhưng để trả tự do cho số 39 con tin mà họ còn giam giữ, du kích quân FARC yêu cầu thương lượng trực tiếp với chính quyền Colombia. Nhưng để thương lượng việc trả tự do này, FARC đòi hỏi là chính quyền Colombia phải phi quân sự hoá hai vùng ở phiá Nam. Bộ trưởng Quốc phòng Colombia Juan Manuel Santo đã lên tiếng nhắc nhở ngay lập trường của chính quyền Colombia là đồng ý thương lượng trực tiếp với FARC nhưng không có việc phi quân sự hoá vùng lãnh thổ nào cả. Như vậy là tất cả trở lại như cũ đối các con tin chính trị, trong đó có bà Ingrid Betancourt và ba kiều dân Mỹ ».

Theo các nhà quan sát, chính sự có mặt của bốn người ngoại quốc trong số các con tin đang nằm trong tay lực lượng FARC là yếu tố có thể buộc tổng thống Colombia phải suy nghĩ. Theo lời của các con tin vừa được thả ra, thì tình trạng sức khoẻ của bà Bétancourt, mang hai quốc tịch Colombia và Pháp, cũng như của ba công dân Mỹ đều rất tồi tệ. Điều này có thể thúc đẩy chính quyền Pháp, và đặc biệt là chính quyền Mỹ, tăng cường áp lực trên ông Uribe để nhân vật này chấp nhận một vài nhượng bộ ngõ hầu tháo gỡ bế tắc trên hồ sơ con tin. Sức ép từ Hoa Kỳ được xem là quan trọng nhất vì cho đến giờ, Washington là chỗ dựa chủ chốt của tổng thống Uribe.

Chắc chắn là gia đình và thân hữu các con tin này sẽ yêu cầu Paris và Washington can thiệp với Bogota để người thân của họ sớm được tự do. Đó là chưa kể đến thân nhân của các con tin Colombia. Trong một chừng mực nào đó, có thể nói là khi đơn phương phóng thích sáu con tin chính trị, lực lượng du kích FARC đã thành công trong việc gia tăng sức ép trên tổng thống Colombia.
Trọng Nghĩa
(Ảnh : AFP : Bà Thượng nghị sĩ Piedad Cordoba (trái) sau khi được trả tự do trong rừng Colombia, 27/02/2008)

Thứ Tư, 27 tháng 2, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

THÁI LAN : Trở lại tình hình như trước khi có đảo chính ?

27/02/2008_ Với việc ông Thaksin hồi hương ngày mai, liệu Thái Lan có quay trở lại nguyên trạng thời kỳ tiền đảo chính ?

Trước nguồn tin cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra hồi hương vào ngày mai, 29/02/2008, một nhà phân tích hàng đầu nhận định rằng dưới nhiều gốc độ, mọi việc đang quay trở về vị trí cũ vào thời trước khi xẩy ra đảo chính. Ông Thitinan Pong Sudhirak, thuộc đại học Chulalong Korn nói tiếp : « Ngày nay quân đội đã đánh mất uy tin, họ đã bị gạt ra ngoài lề và Thái Lan thoái lui về tình trạng đối đầu, phân cực với những bước thăng trầm tất yếu ». Hết lời dẫn.

Điều quan trọng trước mắt đối với chính phủ Thái Lan, đó là bảo đảm trật tự an ninh. Trong khi trang web www.hithaksin.net kêu gọi những cảm tình viên của cựu Thủ tướng tập hợp chào mừng ông Thaksin tại sân bay quốc tế Suvarnabhumi vào 9 giờ sáng ngày mai, thì Thủ tướng Thái, ông Samak Sundaravej lo sợ bất ổn. Ông đã tỏ ý hy vọng là chuyến hồi hương của Thaksin sẽ không gây ra hỗn loạn.

Lo ngại của chính quyền phát xuất từ các lời đe dọa của nhiều nhân vật chống Thaksin. Tổ chức mang tên People's Alliance for Democracy, Liên minh Nhân dân vì Dân chủ, đã từng huy động biểu tình rầm rộ chống Thaksin, trong thời kỳ tiền đảo chính, đã lên tiếng sẽ xuống đường phản đối Thaksin trở về. Cho dù chưa chắc chắn là đường phố thủ đô Bangkok sẽ rối loạn như xưa, thế nhưng nguồn tin cựu Thủ tướng bị lật đổ điềm nhiên trở về đang gây cú sốc lớn trong toàn xã hội. Theo phân tích của nhật báo Singapore The Strait Times, điều này sẽ khoét sâu thêm những chia rẽ trong xã hội Thái Lan, nguyên nhân dẫn đến vụ đảo chính tháng 9 năm 2006 . Đánh giá tổng quát về nbững mâu thuẫn khó hàn gắn này, nhật báo kể trên xem đây là sự đối kháng giữa một bên là giới tài phiệt truyền thống của thủ đô Bangkok và bên kia là quần chúng nông thôn vốn ủng hộ ông Thaksin.

Theo chính phủ Thái Lan, gồm nhiều cận thần của cựu Thủ tướng, thì ông Thaksin quay trở về để trả lời các tội danh tham nhũng và lạm quyền. Bởi lẽ đó, ông Thaksin sẽ trình diện trước toà để xin tại ngoại hầu tra. Sau đó, theo giới thạo tin, ông sẽ xuất ngoại một lần nữa và sẽ trở về Thái Lan trong tương lai. Xã hội sôi động đã đành, nhưng Liên minh cầm quyền, tập hợp sáu đảng, cũng khó mà thống nhất ý kiến về việc Thaksin tái xuất hiện trong nước. Trong số các đối tác của đương kim Thủ tướng Samak thuộc liên minh, nhiều nhân vật không ưa chuộng gì ông Thaksin. Cạnh đó, trong Liên minh nắm quyền, nhiều người chắc hẳn sẽ không hài lòng, nếu ông Thaksin chỉ đạo chính phủ từ hậu trường và họ sẽ phải đóng vai những kẻ thừa hành.

Gần đây, Thủ tướng Samk Sundaravej gây ra nhiều hiềm khích trong phe ủng hộ Thaksin khi ông phủ nhận sự kiện 46 sinh viên đã bị tàn sát tại Bangkok trong đợt đàn áp tháng 10 năm 1976. Theo ông Samak, chỉ có một nạn nhân duy nhất vào thời điểm đó. Thái độ xét lại quá khứ của Thủ tướng Samak đã bị ông Chaturon Chaisaeng đã kích công khai. Ông Chaturon, quyền lãnh đạo đảng Thai Rak Thai, thân Thaksin, trong thời gian hậu đảo chính, đã yêu cầu Thủ tướng Samak nghiên cứu lại lịch sử, trước khi bình luận công khai. Mới lên nắm ngôi vị Thủ tướng, ông Samak hiện nay còn đau đầu với vụ Chủ tịch Quốc hội, ông Yong Yuth Tiyapairat, vừa bị xét là phạm tội gian lận bầu cử, dẫn đến nguy cơ đảng Quyền lực Nhân dân có thể bị giải tán.

Cũng chính vì những yếu tố vừa kể mà việc Thaksin hồi hương, theo báo trên mạng atimes.com, là dấu hiệu cho thấy bản thân Thaksin Shinawatra không thỏa mãn chút nào về đường lối lãnh đạo chính phủ của ông Samak Sunderavej. Ở trong thiếu đoàn kết, ở ngoài bị đe dọa xuống đường tẩy chay, phe ủng hộ Thaksin cho đến nay vẫn thiếu vắng chính sách hoà giải như họ đã từng cam kết. Về triển vọng ổn định tại Thái Lan, chưa thấy ánh sáng cuối đường hầm.
Bảo Thạch
(Ảnh : Reuters : Cựu Thủ tướng Thaksin Shinawatra)

Thứ Ba, 26 tháng 2, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

CUBA : Lãnh đạo mới nhưng sẽ không có thay đổi chính trị

26/02/2008_Sau khi ông Raoul Castro được bầu làm tân Chủ tịch kế nhiệm người anh Fidel Castro hôm chủ nhật vừa qua, quốc tế nói chung phản ứng rất dè dặt. Chỉ có vài nước như Việt Nam là nhiệt liệt chúc mừng tân Chủ tịch Cuba.

Theo lời phát ngôn viên bộ Ngoại giao Lê Dũng hôm qua thì việc ông Raoul Castro được bầu làm Chủ tịch, xin trích, « thể hiện sự nhất trí cao của của Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân Cuba trong việc tiếp tục kiên định sự nghiệp cách mạng do đồng chí Fidel khởi xướng ». Trong khi đó, về phía Hoa Kỳ, hôm qua, phát ngôn viên Nhà trắng nói rằng, chỉ có thay đổi duy nhất, đó là một lãnh đạo mới xuất hiện, nhưng không có gì cho thấy là người dân Cuba sẽ được hưởng tự do và thịnh vượng. Washington kêu gọi chính quyền Cuba đi theo con đường dân chủ. Nước Pháp cũng có lời kêu gọi tương tự, mong muốn Cuba phóng thích thêm các nhà đối lập, như là dấu hiệu đầu tiên chứng tỏ quyết tâm cải tổ dân chủ.

Nhưng không chắc là chính quyền La Habana sẽ nghe theo những lời kêu gọi ở phương Tây. Chính Raoul Castro đã tuyên bố khi nhậm chức hôm chủ nhật là ông sẽ vẫn tham khảo ý kiến Fidel Castro về mọi quyết định đặc biệt quan trọng trong các lĩnh vực quốc phòng, ngoại giao hay kinh tế. Hơn nữa, bên cạnh ông Raoul Castro là Phó Chủ tịch José Ramon Machado, 77 tuổi, một nhân vật được coi là biểu tượng của giáo điều marxiste-leniniste. Hôm qua, Fidel Castro đã bình luận với vẻ hài lòng rằng hàng phòng thủ của Cuba rất là vững chắc, không một mưu đồ nào của đế quốc Mỹ có thể phá vỡ được. Ngay trong nước, theo nhận xét của hãng tin AFP, người dân Cuba nói chung rất là thất vọng, vì họ đã trông chờ có sự thay đổi khi Fidel Castro rút lui, vậy mà thành phần ban lãnh đạo mới chỉ toàn là những nhân vật già cỗi, thủ cựu.

Thật ra thì qua những lời tuyên bố kể từ khi lên nhậm chức Chủ tịch lâm thời, ông Raoul Castro đã phần nào thể hiện quyết tâm đổi mới cơ cấu. Hôm chủ nhật vừa qua, tân Chủ tịch Cuba đã nhắc lại rằng, đối với ông, hệ thống lương bổng hiện hành, các loại trợ cấp bảo đảm miễn phí các dịch vụ và sổ khẩu phần là những điều « phi lý và không thể chấp nhận được » trong điều kiện hiện nay của nền kinh tế Cuba. Thế nhưng, ông Raoul Castro phải làm sao thuyết phục được người anh Fidel và những thành phần bảo thủ trong ban lãnh đạo rằng những biện pháp cải tổ của ông sẽ không dẫn đến việc phục hồi chế độ tư bản ở Cuba. Mặt khác, còn phải tính đến quân đội, mà vai trò đã được tăng cường trong ban lãnh đạo mới. Bản thân ông Raoul Castro từng giữ chức Bộ trưởng bộ Quốc phòng trong suốt gần nửa thế kỷ. Hôm chủ nhật vừa qua, ông đã giao lại chức vụ này cho tướng Julio Casas, 72 tuổi, vốn vẫn là cánh tay mặt của ông. Ngoài tướng Casas, hai viên tướng khác cũng được bầu vào Hội đồng Nhà nước. Còn trong Bộ Chính trị đảng Cộng sản Cuba hiện cũng có năm viên tướng. Trong nhiều năm qua, quân đội Cuba đã hiện đại hóa và đã đầu tư vào nhiều lĩnh vực kinh tế chủ chốt như du lịch, viễn thông, giao thông sản xuất đường và nông nghiệp.

Ngoài ảnh hưởng rất lớn về mặt kinh tế, quân đội Cuba còn được Fidel Castro coi là « linh hồn của cách mạng », sẽ thay ông tiếp tục giám sát đời sống chính trị Cuba. Tóm lại, tuy Raoul Castro lên nắm quyền, nhưng cái bóng của Fidel Castro vẫn tiếp tục bao phủ chính trường Cuba, cản trở mọi thay đổi sâu rộng tại một quốc gia mà cho tới nay vẫn sống dưới sự cấm vận của Mỹ .
Thanh Phương
(Ảnh : http://vdedaj.club.fr : Chủ tịch Cuba Raoul Castro)

Thứ Hai, 25 tháng 2, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

HÀN QUỐC : Kinh tế và phi hạt nhân hóa Bắc Triều Tiên là hai ưu tiên hàng đầu của tân Tổng thống Lee Myung-bak

25/02/2008_ Tổng thống Hàn Quốc, Lee Myung-bak, ngày hôm nay, chính thức bắt đầu nhiệm kỳ 5 năm và đề ra hai ưu tiên trong chính sách của tân chính phủ, đó là thúc đẩy nền kinh tế và gia tăng các cuộc đàm phán nhằm thực hiện tiến trình phi hạt nhân hóa Bắc Triều tiên.

Trung thành với khẩu hiệu trong chiến dịch vận động tranh cử « trước tiên là kinh tế », vị Tổng thống Hàn Quốc xuất thân từ giới doanh nghiệp nhấn mạnh là ông muốn áp dụng một cách tiếp cận vấn đề mới không chỉ trong lĩnh vực kinh tế mà còn trong cả lĩnh vực đối ngoại với trọng tâm là hồ sơ hạt nhân Bắc Triều Tiên. Chính vì vậy, trong buổi lễ nhậm chức, tổng thống Lee kêu gọi là đã đến lúc phải lật qua thời kỳ nặng về ý thức hệ để hướng tới thời kỳ của những suy nghĩ và hành động thực tế.

Trước tiên về kinh tế, tổng thống Hàn Quốc khẳng định, xin trích, « Tạo sức bật mới về kinh tế là nhiệm vụ khẩn cấp của chúng ta. Sức cạnh tranh của đất nước chúng ta đã giảm. Cần phải làm xuất hiện những động lực tăng trưởng mới nhằm tạo ra nhiều công ăn việc làm hơn ». Để làm việc này, ông Lee cam kết sẽ tiến hành tư nhân hóa, giảm thuế và đề ra một loạt các biện biện pháp khuyến khích doanh nghiệp. Mục tiêu của tân Tổng thống Hàn Quốc là trong vòng một thập niên, tỷ lệ tăng trưởng của nưóc này sẽ lên tới 7% thay vì khoảng 5% như trong năm qua, tiến hành cải tổ để Hàn Quốc sẽ trở thành nền kinh tế đứng hàng thứ 7 trên thế giới, với thu nhập trung bình tính theo đầu người hàng năm là 40 ngàn đô la, tức là tăng gấp đôi so với mức hiện nay và trong 5 năm tới, sẽ tạo ra khoảng 3 triệu công ăn việc làm mới. Theo giới chuyên gia, được hãng thông tấn Hàn Quốc, Yonhap, trích dẫn, thì không phải dễ dàng gì thực hiện các mục tiêu nói trên, nhất là trong bối cảnh giá nhiên nguyên liệu gia tăng, thị trường tài chính quốc tế bất ổn, gặp khó khăn do vụ khủng hoảng tín dụng địa ốc Hoa Kỳ và nền kinh tế thế giới có xu hướng giảm tốc độ tăng trưởng.

Trong lĩnh vực đối ngoại, tân Tổng thống Hàn Quốc cho rằng cần phải có đầu óc thực tế trong quan hệ với Bắc Triều Tiên. Ông Lee kêu gọi hai nước cần phải suy nghĩ để làm cho cuộc sống của 70 triệu dân Triều Tiên hạnh phúc và hai bên phải tôn trọng lẫn nhau, mở cánh cửa hướng tới thống nhất trên bán đảo. Vốn là một doanh nhân, có đầu óc thực tế, ông Lee cũng không coi nhẹ hợp tác kinh tế với quốc gia láng giềng phương bắc. Tổng thống Hàn Quốc đưa ra lời hứa sẽ tiếp tục giúp đỡ người dân Bắc Triều Tiên hiện đang gặp nhiều khó khăn thiếu thốn trong cuộc sống hàng ngày. Ông mong muốn sẽ giúp nâng cao thu nhập tính theo đầu người tại Bắc Triều Tiên, trong vòng 10 năm tới, đạt mức 10 ngàn đô la mỗi năm. Ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức tổng thống, ông Lee đã chủ động nêu ra khả năng sẵn sàng đối thoại, càng sớm càng tốt, vơí lãnh đạo Bắc Triều Tiên, Kim Jong Il nhằm thúc đẩy quan hệ liên Triều và giải quyết hồ sơ hạt nhân. Trong một thập kỷ qua, Hàn Quốc đã áp dụng chính sách Vầng Thái Dưong, sử dụng lá bài kinh tế để thúc đẩy Bắc Triều Tiên thay đổi. Giờ đây, tân Tổng thống Hàn quốc muốn gắn liền vấn đề viện trợ kinh tế với tiến trình phi hạt nhân hoá Bắc Triều Tiên.

Khác với người tiền nhiệm là tổng thống Roh Moo-Hyun, ông Lee Myung-bak chủ trương tăng cường quan hệ, phối hợp với Hoa Kỳ, Nhật bản để gây sức ép với Bắc Triều Tiên thực thi thoả thuận phi hạt nhân hóa. Đây cũng là một trong những nội dung chính các cuộc gặp trong ngày hôm nay, tại Seoul, của tân Tổng thống Hàn Quốc với Thủ tướng Nhật Bản và ngoại trưởng Hoa Kỳ.
Đức Tâm
(Ảnh : Reuters : Tổng thống Lee Myung-bak trong lễ tuyên thệ nhậm chức)

Chủ Nhật, 24 tháng 2, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

MỸ - BẮC TRIỀU TIÊN: Ngoại giao âm nhạc

24/02/2008_ Phải chăng văn hóa có thể cải biến trục của tội ác ? Đó là câu hỏi thú vị đặt ra ngày hôm nay khi Washington chuẩn bị cho dàn nhạc giao hưởng New York, trình diễn vào thứ ba sắp tới tại Bình Nhưỡng, thủ đô một quốc gia trước đây không lâu đã bị Tổng thống Georges Bush kết tội là kẻ thù không đội trời chung.

Buổi hoà nhạc tại Bình Nhưỡng của dàn nhạc New York Philharmonic sẽ đánh dấu sự kiện lịch sử, bởi lẽ đây sẽ là giao lưu văn hóa tầm vóc to lớn chưa từng thấy giữa Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên, hai quốc gia đã giao tranh khốc liệt trong chiến tranh Triều Tiên từ 1950 đến 1953. Buổi hoà nhạc kể trên càng đáng chú ý, bởi vì lần đầu tiên, dàn Philharmonic New York sẽ mở đầu đêm trình diển với quốc ca của Hoa Kỳ và Bắc Triều Tiên và sau đó cống hiến cho thính giả Bắc Triều Tiên bản giao hưởng số 9 của nhà soạn nhạc Séc Antonin Dvorak mang tên là « Thế giới mới ». Tiếp tục chưong trình , một nét mới khác là tác phẩm mang tên « Một người Mỹ tại Paris » của nhà soạn nhạc George Gershwin, sẽ vang lừng tại Bình Nhưỡng, với điệu Jazz nổi tiếng, trong khi về mặt chính thức, Bắc Triều Tiên vẫn nghiêm cấm loại nhạc này, xem đó là thứ văn hóa đồi truy.
Cho dù Bắc Triều Tiên chưa rà soát chính sách kiểm duyệt của mình, nhưng chính quyền đã lên tiếng hoan nghênh cuộc giao lưu văn hóa và hy vọng sự kiện này sẽ kéo theo một bước đột phá trong quan hệ song phương. Hãng tin chính thức của chế độ Bình Nhưỡng đã đưa tin về chương trình này và cho biết là buổi hoà nhạc sẽ được truyền hình trực tiếp để tạo điều kiện cho người dân Bắc Triều Tiên tiếp cận với văn hóa Mỹ. Từ tháng 8 năm ngoái, Bình Nhưỡng đã chuyển lời mời dàn giao hưởng Mỹ New York Philharmonic sang Bắc Triều Tiên trình diễn. Thế nhưng từ đó đến nay, đàm phán đa phương nhằm giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên đã lâm vào bế tắc.

Tại Hàn Quốc, nhiều chuyên gia đánh giá là ngành ngoại giao văn hóa của Hoa Kỳ có khả năng tạo thêm lòng tin giữa hai chính phủ, để giải quyết khủng hoảng và biết đâu chừng, bình thường hóa quan hệ giữa Washington và Bình Nhưỡng. Theo phái viên Mỹ tham gia đàm phán sáu bên, ông Christopher Hill, thì buổi hoà nhạc vào thứ ba tới này mang ý nghĩa « Bắc Triều Tiên bắt đầu cởi bỏ vỏ ốc của mình ». Hết lời dẫn. Cạnh đó, các nhà phân tích không khỏi so sánh sự kiện này với chính sách ngoại giao bóng bàn vào tháng tư 1971, khi đội tuyển Mỹ đã viếng thăm Bắc Kinh, tạo nhịp cầu cho quan hệ Mỹ Trung phát triển ngoạn mục sau đó. Quả vậy, việc này đã mở đường cho Tổng thống Mỹ Richard Nixon công du Bắc kinh một năm sau, vào 1972. Đây là bước chuyển biến cực kỳ lớn lao trong cán cân lực lượng tay ba thời kỳ chiến tranh lạnh.
Bảo Thạch
(Ảnh : Sảnh Avery Fisher thuộc Trung Tâm Lincoln, trụ sở của dàn nhạc giao hưởng New York)

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

BALKANS : Nguy cơ xáo trộn sau khi Kosovo tuyên bố độc lập

23/02/2008_ Sau những vụ người biểu tình tấn công các đại sứ quán phương Tây tại Beograd, các nước châu Âu đang cố tìm cách tránh cho tình trạng bạo động này lan sang những nơi khác ở vùng Balkans, nhưng việc Kosovo tuyên bố độc lập đang có nguy cơ gây xáo trộn cho một vùng mà chỉ mới cách hơn 10 năm còn là chiến trường ác liệt. Đối với chính phủ Serbia, chính phương Tây, mà đứng đầu là Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu, đã thúc đẩy Kosovo tuyên bố độc lập. Nhiều nhân vật trong chính giới Serbia dĩ nhiên đã không bỏ lỡ dịp này để kích động tinh thần dân tộc của người dân. Khi tinh thần dân tộc bị kích động thì những hành động bạo loạn như hôm thứ năm vừa qua là không thể tránh khỏi. Nhưng điều mà phương Tây lo ngại nhất, đó là xu hướng ly khai lại trỗi dậy ở Nam tư cũ.

Chưa gì người Serbia ở Bosnia Herzgovina đã doạ là họ cũng sẽ tách khỏi nước này nếu Liên hiệp quốc và đa số các quốc gia thành viên Liên hiệp châu Âu công nhận nền độc lập của Kosovo. Cụ thể, hôm thứ năm vừa qua, Quốc hội của ngườI Serbia ở Bosnia đã thông qua một nghị quyết đề nghị tổ chức trưng cầu dân ý về nền độc lập của nước Cộng hòa Serbia ở Bosnia. Chiếu theo hiệp ước Dayton năm 1995, Bosnia Herzegovia là một quốc gia bao gồm hai thực thể : Một bên là Liên bang Croatia Hồi giáo và bên kia là nước Cộng hòa Serbia. Bên trên hai thực thể này là những định chế trung ương có cơ cấu rất lỏng lẻo. Tuy rằng việc nước Cộng hòa Serbia ở Bosnia tách khỏi nước này là một viễn cảnh xa vời, nhưng nghị quyết nói trên cho thấy Bosnia vẫn là một quốc gia bất ổn và lại càng khó giữ được nguyên trạng, do tác động của việc Kosovo tuyên bố độc lập. Còn tại Kosovo, cộng đồng người Serbia dĩ nhiên là sẽ không chịu ngồi yên và không thể loại trừ khả năng là họ cũng sẽ ly khai khỏi quốc gia mới tuyên bố độc lập này.

Chính là để tránh cho vùng Balkans khỏi bị xáo trộn một lần nữa, mà Liên hiệp châu Âu đã dự trù sẽ thâu nhận Serbia làm thành viên. Hiện giờ, do sự chống đối của Hà Lan, cho nên Liên hiệp châu Âu chỉ mới thương lượng một hiệp định trao quy chế thành viên liên kết cho Serbia, bước đầu tiên để tiến đến việc kết nạp nước này. Cho dù xảy ra các vụ bạo động hôm thứ năm và cho dù chính quyền Beograd đã triệu hồi những đại sứ tại các quốc gia đã công nhận Kosovo, nhưng Liên hiệp châu Âu vẫn tỏ ý mong muốn đón nhận Serbia. Có điều, tình hình hình hiện nay gây khó khăn rất nhiều cho tổng thống Boris Tadic, một nhân vật tuy không chấp nhận Kosovo độc lập, nhưng ủng hộ việc Serbia gia nhập Liên hiệp châu Âu. Trước mắt, để ổn định tình hình ở khu vực này, các nước châu Âu hy vọng là sắp tới đây nước Macedonia láng giềng sẽ công nhận Kosovo. Theo các nhà phân tích, Hoa Kỳ có thể sẽ gây áp lực lên Macedonia theo hướng này. Hiện đang rất muốn được thâu nhận vào khối NATO, có thể là Macedonia sẽ chiều theo ý của các nước phương Tây. Có điều chính bản thân Liên hiệp châu Âu cũng đang bị chia rẽ, vì có ba nước thành viên không công nhận nền độc lập của Kosovo và năm nước khác thì tỏ vẻ dè dặt.

Nhưng vấn đề không chỉ gói gọn ở vùng Balkans mà sự kiện Kosovo tuyên bố độc lập còn gây căng thẳng giữa Nga với phương Tây. Tuyên bố nhân cuộc họp không chính thức của Cộng đồng các Quốc gia Độc lập, hôm nay, tổng thống Vladimir Poutine cho rằng việc Kosovo tuyên bố độc lập là một tiền lệ kinh khủng và nó sẽ giống như cái boomerang bay ngược trở lại đậpvào mặt phương Tây. Còn hôm qua, đại diện của Nga ở NATO đã doạ sẽ sử dụng vũ lực nếu Liên minh Bắc Đại Tây Dương và Liên hiệp châu Âu thách thức Liên hiệp quốc trên vấn đề Kosovo.
Thanh Phương
(Ảnh : AP : Người Serbia tại Mitrovica biểu tình chống Kosovo tuyên bố độc lập, ngày 16/02/2008)

Thứ Sáu, 22 tháng 2, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

THÁI LAN : Chủ trương tái lập chính sách bài trừ ma túy gây lo ngại về nhân quyền

22/02/2008_ Tại Thái Lan tuyên bố của tân Thủ tướng về việc tái lập chiến dịch bài trừ ma túy làm dấy lên lo ngại trong giới bảo vệ nhân quyền.

Vào hôm nay, tân Thủ tướng Thái Lan, ông Samak Sundaravej đã xác nhận chủ trương đã được bộ trưởng nội vụ của ông tiết lộ cách nay hai tuần. Đó là chính quyền sẽ đẩy mạnh trở lại một chiến dịch bài trừ ma túy, từng được cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra đề ra trong hai năm 2003 và 2004, với ít nhất 2500 người bị hạ sát. Tuyên bố của ông Samak đã khiến giới bảo vệ nhân quyền hết sức lo ngại vì chiến dịch thời ông Thaksin đã bị tố cáo là tạo điều kiện cho những hành vi giết người vô tội vạ của lực lượng an ninh, nhân danh việc bài trừ ma túy. Theo chính quyền Thaksin thời đó, thì trong số 2500 người thiệt mạng, tuyệt đại bộ phận đã bị chết trong những vụ thanh toán lẫn nhau giữa các băng đảng buôn bán ma túy, chỉ có vỏn vẹn 59 người là thực sự bị cảnh sát triệt hạ. Hôm nay, thủ tướng Samak cũng cho rằng ông không có lý do gì để nghi ngờ các số liệu kể trên do cảnh sát Thái Lan đưa ra.

Thế nhưng, theo giới bảo vệ nhân quyền, thì thực tế hoàn toàn khác. Trong một bản báo cáo công bố vào năm 2004, tổ chức Human Rights Watch ghi nhận là chỉ trong vỏn vẹn ba tháng đầu của chiến dịch khởi động vào tháng hai năm 2003, đã có hơn 2275 người bị lực lượng an ninh Thái Lan hạ sát ngoài khuôn khổ luật pháp và rồi sau đó đổ lỗi cho các băng đảng ma túy. Sau khi cựu thủ tướng Thaksin bị lật đổ vào năm 2006, chính quyền do tập đoàn quân sự Thái Lan chỉ định đã cho mở cuộc điều tra về các vụ kể trên. Trong bản báo cáo do Ủy ban điều tra thực hiện, thì trong ba tháng đầu của chiến dịch bài trừ ma túy năm 2003, đã có tổng cộng 2819 người bị giết. Trong số đó, chỉ có không đầy một nửa, chính xác là 1370 người, thuộc giới buôn bán ma túy. Số còn lại không liên can đến ma túy, trong đó có đến 571 nạn nhân hoàn toàn bị hạ sát một cách vô cớ. Thế nhưng, bản báo cáo kể trên cho đến nay chưa hề được công bố và chưa một thủ phạm nào của những vụ sát nhân bị đưa ra trước vành móng ngựa.

Trong tình hình như vừa kể, cũng dễ hiểu là giới bảo vệ nhân quyền hiện đang rất lo ngại trước nguy cơ cảnh sát Thái Lan, được chính quyền bao che, sẽ lại tiếp tục những hành vi giết người vô cớ, đặc biệt trong bối cảnh thủ tướng Samak và bộ trưởng nội vụ của ông đã có những tuyên bố cứng rắn đến độ tàn nhẫn. Theo hãng Reuters, phát biểu trước quốc hội Thái Lan vào hôm qua, ông Chalerm Yabamrung, nguyên là một đại úy cảnh sát, đã xác định sẽ áp dụng phương pháp của ông Thaksin trong chiến dịch bài trừ ma túy sắp tới đây, cho dù là chủ trương này, xin trích, « có thể mang lại từ 3000 đến 4000 xác chết », hết lời dẫn. Trước các tuyên bố kể trên, Ủy ban Nhân Quyền Quốc gia Thái Lan đã kêu gọi tân chính quyền Bangkok là phải tránh các sai lầm dưới thời Thaksin, khi cảnh sát tiến hành chiến dịch truy quét dựa trên danh sách những kẻ tình nghi nhưng sau đó, khi vỡ lẽ ra là nhiều người trong số này vô tội thì đã quá muộn.
Trọng Nghĩa
(Ảnh : newsimg.bbc.co.uk)

"ON THE ROAD" - "TRÊN CÁC NẺO ĐƯỜNG": Vẫn thu hút độc giả sau nửa thế kỷ

16/11/2007_ "On the road" - "Trên các nẻo đường" Tác giả : Jack Kerouac. Xuất bản lần đầu tiên tại Viking Press, năm 1957.

Bảo Thạch cùng các nhà thơ Chân Phương và Thường Quán giới thiệu cuốn tiểu thuyết nhân dịp 50 năm ngày phát hành.

Có những tác phẩm 50 năm sau vẫn mới, vẫn tươi, vẫn trẻ. Tiểu thuyết « On the road » – « Trên các nẻo đường », ngày nay vẫn thu hút mạnh mẽ độc giả bốn phương, đặc biệt là giới trẻ. Hàng năm, hàng trăm ngàn ấn bản vẫn được tiêu thụ. Đây là bằng chứng cho thấy tác phẩm này không chỉ đánh dấu thời đại trước. Là tuyên ngôn của thế hệ Beat, như nhiều nhà phê bình đã nhận định, « On the road » còn mang một giá trị độc đáo, với dòng văn chân chất, miên man kể về hành trình tìm đất hưá của tác giả Jack Kerouac. Jack Kerouac là ai ? Cái mới lạ của tác phẩm « On the road » nằm ở đâu ? Mời quý vị thính giả nghe nhà văn Chân Phương giới thiệu tác phẩm và tác giả này.

RFI: Chúng tôi rất vui mừng được tiếp chuyện với anh Chân Phưong. Thưa anh, anh là nhà thơ nhưng anh cũng là nhà biên khảo văn học và anh đã sống rất nhiều năm tại Hoa Kỳ, vậy xin hỏi anh hôm nay về « On the road », chúng ta có thể dịch là « Trên những nẻo đường » của nhà văn Jack Kerouac. Anh đã đọc tác phẩm này trong những điều kiện nào ? Lúc ấy anh có những suy ngẫm như thế nào ? Anh thích thú những điều gì trong tác phẩm này ?

Chân Phương : Tôi được biết đến « On the road » thời còn sinh viên ở Sài Gòn, vào đầu thập niên 70. Lúc đó có đọc qua tác phẩm nổi tiếng của Jack Kerouac, nhưng thú thực nó không gây ấn tượng nhiều lúc ấy bằng một số tiểu thuyết Mỹ hiện đại mà tôi đọc say mê lúc ấy như là của Hemingway hoặc Fitzgerald chẳng hạn. Nhưng sau khi có kinh nghiệm sinh sống ở Hoa Kỳ nhiều năm, đọc lại « On the road », nhất là vào dịp hè năm nay, khi mà cả nước Mỹ, giới văn học, nghệ sĩ kỷ niệm 50 năm tác phẩm nổi tiếng của thế hệ Beat này, thì tôi có đọc lại, thong thả và coi như tôi đã khám phá trở lại tác phẩm này, rất thích thú. Đây là một tác phẩm lạ và sở dĩ nó ghi dấu ấn vào một giai đoạn văn học, khai mạc một phong trào văn nghệ của thế hệ Beat, là vì ông Jack Kerouac, tôi xin trở lại từ đầu, không phải là người Mỹ, ông là ngưòi gốc Pháp Canada, cha mẹ gốc di dân, qua vùng New England, sinh ra tại thị trấn Lowell, tiểu bang Massachussetts, tôi cũng đang sinh sống ở đây, tôi sống ở Boston , từ đây lái xe lên Lowell khoảng một tiếng đồng hồ. Vì cái gốc di dân đó, cho nên ngay từ nhỏ, ông mang trong người có lẽ cái máu của một dân giang hồ, không phải là dân Mỹ chính gốc.

Cái ý tưởng từ đó ông viết nên tác phẩm « On the road » ra đời vào tháng 7 năm 1947, khi ông bắt đầu quen vơí một người bạn sau này là tri kỷ của ông là ông Neal Cassady, rủ ông qua Denver. Chuyến lữ du đó đã làm chấn động tâm tính của nhà văn, thúc giục ông tìm tòi một cách viết mới để biểu hiện kinh nghiệm hiện sinh từ cái chuyến phiêu lưu với ngưòi bạn tri kỷ mới gặp và các đảng giang hồ ở bên miền Tây. Quyển tiểu thuyết « On the road », nguời Pháp gọi là « Sur la route », Việt Nam gọi là « Trên các nẻo đường », có một học giả khác đề nghị là dịch là « Sans domicile fixe », vì nó có tính chất của những người du thủ du thực, không có điạ chỉ nhất định, tôi tạm dịch sang tiếng Việt Nam, tôi gọi nó là « Hành giả ca », vì trong tác phẩm, nó mang rất nhiều triết học phương Đông, nhất là Phật giáo, nghiã là của những người đi tìm ý nghĩa cho cuộc đời mình.

Tác phẩm hơn 300 trang, gồm 5 phần. Thật ra chất lượng văn học không đều vì không có cốt chuyện rành mạch, kết cấu lỏng lẻo, gồm hai nhân vật chính và một số bạn phóng xe qua lại miền Đông miền Tây Hoa Kỳ 5 lần, từ Bắc xuống Nam hoặc là từ Nam lên Bắc, lái xe hết sức, khi nào mệt thì tìm chỗ ngủ lại. Rồi ăn nhậu, hút xách, tìm bạn bè băng đảng, rồi kiếm gái. Tác phẩm này coi như là thúc đẩy cho một lối sống phóng đãng, bất cần.

Tôi xin trích một đoạn ở cuối phần một, lúc tác giả qua San Francisco lần đầu và gặp được người bạn cũ, Rémy, ăn nhậu. Đây là tôi dịch văn Kerouac: « Tôi say khướt, tôi uống nhiều đến nỗi cứ 2 phút là phải vào phòng tiểu. Tất cả rã banh. Một chuyến thăm San Francisco của tôi đã đến hồi tàn. Bạn thân Rémy sẽ không bao giờ trò chuyện gì với tôi. Sẽ mất nhiều năm nữa anh ta mới quên lãng được vụ này. Thật là đổ vỡ, tệ hại. So với những gì tôi thư từ với anh ta khi còn ở Paterson, khi lập kế hoạch đi suốt con đường đỏ số 6 xuyên cả nước Mỹ, thì bây giờ không còn gì. Nay tôi đã đến tận cùng Hoa Kỳ, trước mặt hết đất và giờ đây chẳng còn nơi nào để đi, ngoại trừ quay trở lại ». Đọc đoạn này và những đoạn văn tương tự, tôi chợt liên tưởng đến « Le mythe de Sisyphe » của Camus. Các nhân vật trong tác phẩm « On the road » – « Trên các nẻo đường », cũng giống chàng Sisyphe đẩy tảng đá lên núi, cho tảng đá lăn xuống rồi đẩy tiếp lên. Như thể vô vọng, vật lộn với tảng đá mãi.

Các nhân vật của Kerouac là những nguời luôn ở tư thế lên đường hướng về các chân trời bao la của Mỹ quốc. Nhà thơ Thường Quán hiện cư ngụ tại thành phố Melbourne, nước Úc, nêu bật những khao khát của thế hệ này trong hành trình tìm tự do cho tâm linh.

RFI : Chúng tôi vui mừng được tiếp chuyện vơí nhà thơ Thường Quán. Hôm nay, xin được cùng với anh đề cập đến tiểu thuyết « On the road ». Thưa anh, lần đầu tiên anh đọc quyển sách này là vào thời điểm nào ? Tại vì có lẽ khi tiếp xúc với quyển sách này thì cái thích thú của mình còn tùy thuộc vào lưá tuổi của mình có đúng không anh ?

Thường Quán : Đúng rồi, nó có khác, thưa anh. Tôi nhớ lại, có lẽ mình đụng vào những cuốn sách như vầy là vào cái khoảng mình bước vào đại học, thì như anh biết, tôi đi du học mà, nhũng cái ngày đại học cũng là những cái ngày xa xứ, thế thì mình bắt đầu tìm kiếm đến những tác phẩm mà mình vốn đã yêu thích trong nước, thì đây là một trong những cuốn sách mà thời đó được kể như là sách gối đầu giường của tôi đấy.

RFI : Vậy xin anh cho biết khi đọc quyển sách này thì anh có những cảm xúc như thế nào ? Những suy nghĩ như thế nào ?

Thường Quán : Tôi đọc « On the road » cùng lúc với những khám phá. Có lẽ nói chung là những tiểu thuyết nặng về mặt tâm linh. Thời đó thì tôi thích Hermann Hesse, rồi Henry Miller và cái cuốn của Jack Kerouac này có lẽ nó nằm trong cái dòng đó. Nhưng mà nó đặc biệt, khác với những cuốn sách kia, nó cho mình một cái phong vị mới mẻ hơn. Có lẽ nó đáp ứng được, nói lên được cái phong vị của cái thời đại bấy giờ mà mình đang sống. Trong khi những cuốn sách chẳng hạn như của Hermann Hesse, thì như là tiểu thuyết để mà mình đọc, mình tìm tới những nhân vật, những cái suy tư của họ. Trong khi đó « On the road » là một cái hành trình, tự nó là một hành trình, nó vô cùng mới mẻ. Ngay cả cách hành văn, nó cũng như là một cái dòng chảy tự nhiên. Tôi phải nói là cái cảm giác đầu tiên là mình thấy sung sướng là mình đọc được một cái gì đó nó mới và nó tươi mát giống như mình được tắm trong một cái dòng sông đang chảy và giữa một cái màu xanh với lại một cái cảm giác tự do.

RFI : Vâng, bên cạnh đó thì phải nói đó là một trong những ưu điểm của tiểu thuyết này. Nhưng đây không phải là một tiểu thuyết, đây như là một ký sự về một hành trình, nhưng mà cũng có đan lẫn vơí rất nhiều chuyện hư cấu. Dường như một trong nhũng ưu điểm của nó là một hành trình vừa tìm kiếm những cái điều trong tâm linh để nhận diện chính mình, soi mình vào thế giới chung quanh có đúng không anh ?

Thường Quán : Đúng rồi, vâng, thực ra tác phẩm này nó có nhiều mặt để mà mình lần hồi mình sẽ lật lên. Nó đúng là sổ tay về một hành trình. Thế nhưng mà nó cũng đồng thời là một ký sự về cuộc sống. Những nhân vật thực ra trong này, nhân vật Sal, tức là Jack Kerouac đó và Dean tức là Neal Cassidy, thì đây là những câu chuyện thực sự, câu chuyện đời của họ có thực đó và những người khác trong này như là Carlo Mark, tức là nhà thơ Allen Ginsberg và William Berer, tức là những người như vậy, những nhân vật có thực, tức là họ là một đám bạn với nhau và trong thập niên 1950, đầu 1950, họ có những cái liên hệ với nhau. Thì những chuyến đi của họ, những gặp gỡ, chuyện trò của họ nằm trong cái này. Thế thì dù là dưới một hình thức như là tiểu thuyết ký sự nhưng mà nó thực sự là một tự truyện. Nó hay ở chỗ là nó nói lên được nguyên cả một thời kỳ, một cái thời đại, những cái con người như vậy và với một cái như mình biết là vào cái khoảng đó, nước Mỹ là một nước hậu chiến dưới thời kỳ Truman, bắt đầu có những khủng hoảng bên trong của nó, thế nhưng không ai thấy. Chỉ có cái thế hệ vừa lớn lên đó thì họ thấy. Họ thấy bị cưỡng bức, bị gò bó, cảm thấy có nhiều sự gò bó bên trong, họ muốn thoát ra. Thì cái tác phẩm này nói lên đưọc, nó thể hiện được cái khao khát của cái gọi là tự do tâm linh.

Tại vì mình biết có chữ American Dream đó, tự do, nhưng mà tự do để mà đi kiếm tiền, thực hiện một cái đời sống nặng về vật chất. Thì những người như Jack Kerouac hay Allen Ginsberg, những lứa thanh niên vào thời đó, họ cảm thấy bị mắc kẹt trong đó và họ cảm thấy có cái gì đó không đúng. Thế thì cái hành trình của họ bấy giờ là đi tìm kiếm một cái định nghĩa tự do khác. Cái tự do đây nó dính liền tới cá nhân, tới tự do tư duy, tự do trải nghiệm, tự do sống với lại cảm quang, với lại cảm thức. Chính vì vậy cho nên cái chữ « On the road », cái dọc đường, những ngõ đường, đây là một cái hành trình họ đi kiếm tự do đó. Cái tự do mà về sau này có những người so sánh với tự do của thiền học của bên phiá Phật giáo. Tức là mỗi người phải tự trải nghiệm lấy, chính trong cái đời sống của mình và những người chung quanh để đi tìm ra cái chân lý đó. Thế thì về mặt đó, tác phẩm này cũng là một sự thể hiện khá cách mạng vào thời đó.

RFI : Đối với nhà thơ Chân Phương cũng vậy. Ý nghiã sâu xa của tác phẩm « On the road » đó là quyển sách này chất vấn huyền thoại căn bản « The American Dream », tức là Huyền thoại đất hứa.

Chân Phương : Bên cạnh những cuộc phiêu lưu trên xa lộ của những người bạn trẻ, cần nói thêm một điều quang trọng : Các cuộc phóng xe gần như không biết mệt và cũng không có mục đích rõ ràng trên một không gian mang kích thước của lục điạ Bắc Mỹ thực ra là một sự chất vấn huyền thoại căn bản: Giấc mộng Hoa kỳ, huyền thoại « American Dream ». Kể từ thời rời Âu châu di dân sang thế giới mới, sau đó tiếp tục tiến về miền Viễn Tây, huyền thoại đất hứa là bảng chỉ đường tâm linh cho thế hệ này nối tiếp thế hệ khác trên nước Mỹ. Nhưng đất hứa đã bị tư bản hoá, giữa thị trường tràn ngập quảng cáo và đầy hàng hóa, đám thanh niên du thủ du thực trong tiểu thuyết « Trên các nẻo đường » khó tìm được chỗ đứng. Cũng như nhân vật chính Sal Paradise lần thứ hai đi xuyên lục địa trở lại San Francisco, đói rách, hết tiền, cây đắng đi lượm mấy mẩu thuốc lá trên vỉa hè. Theo tôi, đây là nội dung văn học sâu sắc của tác phẩm, tạo nên sự quan tâm thích thú cho người đọc. Đặc biệt là những người di dân trong đó có tôi, phải đối mặt vơí bài toán cơm áo thường ngày trên đất hứa.



RFI : Tìm hiểu về « On the road » – « Trên các nẻo đường », mời quý vị nghe tiếp nhà thơ Chân Phương đánh giá về giá trị tác phẩm này sau thử thách của thời gian 50 năm.

Chân Phương: Câu hỏi này về mặt xuất bản và giáo dục đại học sẽ trả lời vì nó đã trở thành một tác phẩm cổ điển được tái bản nhiều lần bởi những nhà xuất bản Pinguin trong bộ sách văn học cổ điển và hiện đại đó, trong bộ lịch sử văn học Hoa Kỳ của học giả Richard Gray là Hàn lâm viện sĩ của Anh quốc, năm 2004, khi giới thiệu và phân tích văn học Beat, ông đã đánh giá cao « On the road », cho rằng đây là tiểu thuyết mang nhiều sinh khí nhất trong toàn bộ sự nghiệp văn xuôi của Kerouac. Sáng tác này khẳng định vị trí tiểu thuyết gia số một của Kerouac trong phong trào Beat cũng như thi phẩm « Howl » đã nâng anh bạn Allen Ginsberg của ông lên hàng đệ nhất thi hào trong nhóm. Dĩ nhiên là không thể tách tác phẩm « Trên các nẻo đường » này khỏi sự nghiệp văn chương tập thể của nhóm Beat, hào quang của nó cộng hưởng với sức sáng tạo kỳ diệu cùng các giá trị thẩm mỹ mới của một thế hệ nghệ sĩ tiên phong đã gặp gỡ và học hỏi lẫn nhau vào giai đoạn nở rộ tài năng, từ bờ biển miền Đông, New York, Boston qua miền Tây, Cali, đặc biệt là ở vùng vịnh San Francisco, mà văn học sử hiện đại đã biết đến qua những tên tuổi như Ginsberg, Snyder, Burroughs, Rexroth, Corso, Ferlinghetty, McClure, DiPrima v.v.. Giá trị văn học của tác phẩm này không chỉ được khẳng định để kỷ niệm thưòng niên ở Lowell nơi sinh trưởng của tác giả. Muà hè vừa rồi, ở các thành phố lớn, thành phố văn hoá lớn của Hoa kỳ cũng như các tạp chí văn học lớn đều có những bài tưởng niệm tác phẩm « On the road ».

RFI : Anh Chân Phương đã đề cập đến cái phong trào Beat generation, thế hệ Beat, vậy xin anh cắt nghiã thế nào là Beat và tại sao người ta lại xem Kerouac là một ngưòi tiên phong trong phong trào này ?

Chân Phương : Phải đặt tác phẩm này cũng như những sáng tác của phong trào Beat vào giai đoạn lịch sử đó. Lúc ấy là thời hậu chiến, nước Mỹ vừa kết thúc sự tham gia của mình vào đệ nhị thế chiến và đang tái thiết trở lại nền sản xuất cũng như đời sống hoà bình của mình. Mặt khác chúng ta cũng nhớ là lúc ấy là khởi đầu chiến tranh lạnh giữa Mỹ với Cộng sản trên toàn thế giới, có nghiã là cái thế hệ thanh niên Mỹ vào lúc ấy vừa thoát khỏi chiến tranh, lại bước vào một cuộc chiến mà người ta gọi là ý thức hệ, với nhũng sự kiểm tra và các bạn còn nhớ phong trào McCarthysm, chống cộng và theo dõi các giới văn nghệ trí thức ở Mỹ rất nặng nề vào giai đoạn đó.

Không khí nước Mỹ lúc bấy giờ không những bị nỗi ám ảnh vũ khí hạt nhân trùm phủ, mà còn nằm trong không khí một chính sách kiểm duyệt văn hoá McCarthysm. Thế thì những người trong giới trẻ nghệ sĩ và có máu phiêu lưu tự do ấy, tất nhiên là họ phải tìm cách chống lại. Và nó ra đời một thứ dissidence Hoa Kỳ lúc ấy. Cái phong trào phản kháng ấy đã kết tụ lại trong cái giới sáng tác, sau này được mệnh danh là thế hệ Beat. Ở Mỹ trong văn học, ngươì ta gọi cái đó là một nước Mỹ chống lại các giá trị truyền thống, mà giá trị truyền thống quan trọng nhất ở Mỹ là đạo Tin lành. Thì những người này chống lại đạo Tin lành vì đạo Tin lành lấy cái mặc cảm tội lỗi để giáo hoá tín đồ mình. Các anh chị trong phong trào Beat, làm tôi nhớ tác phẩm « Homo ludens » của triết gia bên Pháp, ông ca ngợi con người làm kẻ chịu chơi, sống là giang hồ - la vie bohême- Cuốn tiểu thuyết « Trên các nẻo đường » được văn học sử đặt vào thể loại picaresque, ca ngợi không chỉ đời phiêu lưu giang hồ mà còn nhậu nhẹt, ma túy, cần sa, rồi các nhân vật điển hình lại là một loại playboys của thời đại mình, đam mê sắc dục, chưa kể là nó có một số người đồng tính luyến ái cũng tham dự vào cuộc chơi tập thể này. Đó là về hình thức sinh hoạt, nhưng Beat cũng là một cái xu hướng khám phá những cái giá trị của thời đại mình đặc biệt là để mở cửa để đón nhận tư tưởng phương Đông, vì những người đầu đàn của phong trào Beat như Kerouac, Ginsberg, Snyder, Ferlinghetti, đều thấm nhuần tư tưởng nhà Phật và họ là những học giả thâm sâu về Phật giáo, không phải tài tử đâu.

RFI : Về phần mình nhà thơ Thường Quán cũng nhận định giá trị của tiểu thuyết « On the road » không phai nhạt. Theo ông, một trong những lý do đó là vì ngày nay áp lực của xã hội còn mạnh mẽ hơn thời trước.

Thường Quán : Theo ý cá nhân tôi thì cho đến ngay lúc này, những cái điều mong tưởng của Jack Kerouac và thế hệ Beat vẫn còn đậm nét, vẫn còn đi đôi vớI thời đại bây giờ, nhất là trong những xã hội mà càng lúc con người ta càng nặng về vật chất. Thực ra những con người tương tự như Jack Kerouac hay là những con người trong xã hội đó thì họ lại cảm thấy những cái ý tưởng mà đã được Kerouac và thế hệ Beat họ trình bày vào khoảng 50 năm trước cho đến bây giờ có lẽ nó còn đậm nét hơn nữa, là tại vì nó đi xuyên suốt qua một thời gian và nó vẫn tiếp tục duy trì những cái giá trị của nó. Thực ra thì cái xã hội luôn luôn thay đổi mà, nhưng mà nó có một vài chuyện hầu như không thay đổi. Chẳng hạn như cái áp lực của xã hội đối với cá nhân, thì nó không đổi mà có lúc nó có vẻ càng lúc càng nhiều hơn nữa, hay là sự đè nặng của vật chất lên trên tâm linh chẳng hạn, thì hầu như càng lúc càng mạnh hơn ngày xưa nữa. Thế thì trở lại với cái giá trị của « On the road » và thế hệ Beat, cá nhân tôi nhận thấy nó không phai nhạt, giá trị của nó vẫn đưọc nhiều người chấp nhận như giá trị của mình và các tác phẩm của họ dù sao nó cũng phản chiếu lại, phản dội lại những cái ý tưởng mà một thời Beat generation đã từng cưu mang.

RFI : Để kết luận, nhà thơ Chân Phương nhấn mạnh rằng không chỉ Jack Kerouac mà các văn nghệ sĩ khác của thế hệ Beat đã để lại ảnh hưởng sâu đậm cho thời đại ngày nay.

Chân Phương : Cộng hưởng của các tài năng trong phong trào Beat qua sáng tác và hoạt động văn hoá sôi nổi một thời, họ đã có ảnh hưởng sâu đậm trên tinh thần thời đại và thanh niên của thế hệ tiếp theo là thế hệ 60, họ đã kế thừa tinh thần Beat. Về mặt nổi đó, thì ngưòi ta đã phê phán thế hệ Beat là phá phách chơi bời, khuyến khích tình dục, ma túy, nhưng mà thực ra Kerouac trong một bài phỏng vấn trả lời báo Playboy năm 1959, ông đã đính chính điều này, ông nói là thực ra, ngưòi ta đã hiểu sai Beat, vì theo ông, phong trào này đã tìm kiếm một ý nghiã cho lẽ sống vì thanh niên lúc bấy giờ đang mất phương hướng. Ông nói là chuyện Beat đó, nó có một nội dung khác nữa, mà vì ông là người có gốc Pháp, thành ra ông nói chữ Beat xuất thân từ chữ « Béatitude » có nghiã là tìm một sự giác ngộ. Béatitude, đọc ngắn là Beat. Khái quát mà nói, về nhân sinh quan, thì thế hệ Beat rất gần với triết học hiện sinh Tây Âu, đã chủ trương rằng từng cá nhân phải tìm lẽ sống, phải ý nghiã cho đời mình.

(Ảnh : www.vietbay.com : nhà thơ Chân Phương và Thường Quán
image.guardian.co.uk : Ăn sáng tại New York vào cuối những năm 50 giữa các nhà văn thuộc thế hệ Beat (từ trái qua phải) : Lary Rivers, Jack Kerouac, Gregroy Corso - ngồi quay lưng- David Amrram, Allen Ginsburg)






TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

Thứ Năm, 21 tháng 2, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

INGRID BETANGCOURT : Sáu năm vật vã trong ngục tù

21/02/2008_ Sau sáu năm bị bắt làm con tin, nay đây mai đó trong rừng rậm Colombia, bị xiềng xích, bị ngược đãi, Ingrid Bétancourt ngày nay đã kiệt lực. Vào cuối năm ngoái, một cuộn băng vidéo và lá thư cuả bà gửi cho người thân đã gây nhiều xúc động, bởi vì Ingrid Bétancourt xuất hiện như một chiếc bóng đơn côi, gần kề cái chết. Chưa bao giời, Ingrid Bétancourt tuyệt vọng như vậy.

Từ 23 tháng 2 năm 2002, ngày Ingrid Bétancourt bị lực lượng du kích quân FARC bắt cóc, cho đến nay đã sáu năm trôi qua. Đó là sáu năm thừa sống, thiếu chết. Đối với bà cũng như với các con tin khác, ngày nay đã đến lúc gióng lên hồi chuông báo động, phải cứu nguy cho họ trước khi quá muộn.

Jonh Frank Pinchao, một người bạn đồng hành trên nỗi bất hạnh cuả Ingrid Bétancourt, một con tin của lực lượng FARC đã may mắn trốn thoát vào năm 2007, kể về bà như sau : « Tôi nói chuyện rất nhiều với Ingrid. Chúng tôi bàn đủ thứ chuyện, từ tôn giáo, chính trị đến chuyện riêng tư cá nhân và kết tình bạn hữu rất đẹp. Ingrid giúp đỡ và chỉ dẫn tôi rất nhiều và còn dạy tôi học tiếng Pháp. Nhưng sau khi Ingrid vượt ngục và bị bắt lại thì họ cấm bà tiếp xúc với những con tin khác. Sau vụ đào thoát bất thành, Ingrid bị đối xử rất là tàn nhẫn. Bà trở thành một thánh tử đạo, một người hy sinh cho lý tưởng, bị xiềng vào một thân cây suốt ngày đêm. Mỗi lần muốn đi tiêu, tiểu, phải xin phép mới được cởi trói. Du kích FARC có thái độ thù ghét Ingrid ra mặt. Mỗi lần bà có một động tác gì là họ lên mặt mắng nhiếc. Khi được đi tắm hồ, chúng tôi được phép bơi khoảng 10 mét, còn Ingrid thì không, làm gì cũng bị ngăn cản. Cuốn băng video cho thấy Ingrid còn sống làm tôi bàng hoàng. Tôi còn kinh ngạc khi thấy Ingrid tiều tụy, trái với hình ảnh bình thường của một người phụ nữ kiên cường ».

Một con tin Colombia khác đã được trả tự do tháng giêng vừa qua, bà Consuelo de Perdomo, cựu nghị sĩ tại Bogota, đã tường thuật về trạng thái tinh thần cuả mình, khi rơi vào tay lực lượng FARC : « Tôi nghĩ rằng với việc phóng thích con tin, lực lượng FARC đang muốn chứng tỏ với trong nước và thế giới là họ vẫn luôn luôn quan tâm tới việc thực hiện các thỏa ước nhân đạo. Họ đang xây dựng các mối liên hệ và đang làm thế nào để thỏa ước này có thể tiến triển. Theo tôi, lực lượng du kích đã nhầm lẫn trong một số phương thức đấu tranh. Nhưng tôi tin chắc rằng sớm muộn gì, họ cũng xét lại các phương thức đó. Quả thực họ đã lầm khi xem việc bắt cóc con tin như một phương tiện đấu tranh ».

Ngày nay, sáu năm sau khi Ingrid Bétancourt bị bắt cóc, gia đình bà rất lo lắng. Công luận Pháp đã dấy lên một chiến dịch vận động, đòi hỏi lực lượng FARC Colombia trả tự do cho bà vì lý do nhân đạo. Con trai bà, Lorenzo Deloye cũng rất bi quan. Anh yêu cầu cộng đồng quốc tế nỗ lực « trước khi các con tin được trả về trong các cỗ quan tài », hết lời dẫn. Hy vọng đối với các con tin vẫn còn le lói. Nhưng thực tế cho thấy hiện nay hồ sơ con tin Colombia đã lâm vào bế tắc.

Kể từ 1964, phong trào du kích quân theo chủ nghiã mác-xít FARC đã thách thức chính quyền trung ương Bogota với đường lối khủng bố. Ngày nay, con số du kích FARC được ước định bao gồm khoảng 8 000 người, tập trung trong các rừng núi hiểm trở của Colombia. Họ đang cầm tù hơn 700 con tin để trả giá với chính quyền của Tổng thống Alvaro Uribe.

Ông Uribe chủ trương xử dụng biện pháp mạnh không nhân nhượng. Theo ông, không thể thương lượng nếu FARC không trả tự do vô điều kiện cho các con tin. Trong khi du kích FARC đặt yêu sách chính quyền Bogota phải thành lập một khu vực phi quân sự trải dài 700 trăm cây số vuông thì họ mới giải phóng các con tin. Tranh chấp kéo dài, chưa ai xác định nổi bao giờ đôi bên mới tìm được phương thức đàm phán. Trong khi chờ đợi, bi kịch cuả bà Ingrid Bétancourt tiếp diễn. Cuộc sống của các con tin khác vẫn mỗi ngày thêm mong manh trong địa ngục rừng xanh Colombia.
Bảo Thạch
(Ảnh : Ingrid Betancourt trong cuộc vidéo ghi 24/10/2007)

EXPOLANGUES - 2008

Ngày 7 tháng 2 năm 2008, tại Hội chợ triển lãm quảng bá các phương pháp giảng dậy ngôn ngữ -EXPOLANGUES – 2008, ở Porte de Versailles – Paris, RFI Việt ngữ đã tổ chức thảo luận về tiếng Việt và nghiên cứu – giảng dậy tiếng Việt tại Pháp,vơí sự tham gia của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp,
bà Lê Thị Xuyến, giảng viên ban Việt học- Đại học Paris VII và nhà phê bình văn học Thụy Khuê.

Chương trình do Trọng Nghĩa thực hiện và được phát thanh trực tiếp trên làn sóng RFI.

MỜI QUÝ VỊ NGHE CUỘC THẢO LUẬN.





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH



MỘT VÀI HÌNH ẢNH BÀN TRÒN TIẾNG VIỆT TẠI EXPOLANGUES 2008






Thứ Tư, 20 tháng 2, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

PHÁP : Uy tín của Tổng thống tiếp tục bị xói mòn.

20/02/2008_ Điểm tín nhiệm Tổng thống Pháp tiếp tục tụt dốc. Chỉ còn 36% người Pháp ủng hộ ông Sarkozy .

Tổng thống Pháp đang phải hứng chịu búa rìu dư luận. Theo cuộc thăm dò mới nhất do hãng BVA thực hiện, Quốc trưởng Pháp chỉ còn gặt hái được có 36% điểm tín nhiệm. Như vậy, chỉ trong vòng một tháng, ông Nicolas Sarkozy đã để mất thêm 9 điểm. Còn tính rộng ra, kể từ ba tháng qua, Tổng thống Pháp đã mất tổng cộng là 19 điểm. Sự kiện này đang khiến cho phe nắm đa số tại Pháp, đặc biệt là đảng UMP cầm quyền, lo ngại sẽ thua đậm trong kỳ bầu cử cấp địa phương tại Pháp vào tháng 3 sắp tới.

Lòng tin của cử tri Pháp nơi ông Sarkozy đã bị xói mòn đáng kể, 10 tháng sau khi ông giành thắng lợi trong cuộc bầu cử Tổng thống. Kể từ giữa tháng giêng, tỷ lệ người Pháp tán đồng Tổng thống Sarkozy đã bắt đầu suy giảm. Nay thì dường như ông Sarkozy chưa tìm được đối sách để ngăn chặn đà suy sụp của mình trong dư luận.

Cùng kết quả vừa nêu trên, 36% cử tri vẫn còn ủng hộ ông Sarkozy, số nguời bất đồng lại chiếm đến 58 %. Sự kiện trong 3 tháng liên tiếp, đà tụt dốc của ông Sarkozy trong con mắt người Pháp, đã được tuần báo L'Express đặt tên là Effet Toboggan, tức hiệu ứng cầu trượt. Nhật báo Le Monde xem đây là Effet Boomerang , gậy ông đập lưng ông .

Tình trạng cử tri bỏ rơi Tổng thống Sarkozy, theo các viện thăm dò dư luận, phát xuất từ hai nguyên nhân chủ yếu. Đầu tiên hết, ông Sarkozy bị chỉ trích là phô trương cuộc sống riêng tư với người mẫu Carla Bruni. Ông Sarkozy đã tái hôn với người đẹp nước Ý này chỉ 3 tháng sau khi ông ly dị với bà Cécilia, cựu đệ nhất phu nhân. Lý do thứ nhì, theo giám đốc viện thăm dò BVA, là dư luận Pháp chờ mong ở Tổng thống chính sách cải thiện sức mua của người dân. Ở đây, công luận đã bị thất vọng. Giám đốc viện BVA đánh giá , xin trích : « Có một cú sốc lớn, mâu thuẫn giữa hồ sơ hệ trọng được đặt hàng đầu trong kỳ bầu cử Tổng thống vừa qua là sức mua của người dân và thái độ của Tổng thống bị xem là thay lòng đổi dạ, hay là quá hờ hững ». Hết lời dẫn.

Quả là sau khi cam kết sẽ ưu tiên tăng sức mua, trong suốt cuộc vận động tranh cử, Tổng thống Sarkozy vào tháng giêng vừa qua đã tuyên bố thẳng thừng ông không thể nào tháo khoán các ngân quỹ nhà nước đã trống rỗng. Trong thời gian sắp tới, chắc hẳn Tổng thống Sarkozy sẽ chấn chỉnh lại hình ảnh của mình, cũng như sẽ nỗ lực giải thích những chính sách cải tổ, sao cho dư luận dễ thấu hiểu và ủng hộ các đề xuất của ông. Đây sẽ là một chặng đường cam go. Một khi các cuộc bầu cử cấp địa phương tại Pháp tiến hành xong xuôi, nhiều chuyên gia nhận định là tổng thống Pháp cũng sẽ cải tổ nội các, để trên đà này, vươn dậy trở lại.
Bảo Thạch
(Ảnh : Reuters)

Thứ Ba, 19 tháng 2, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

CUBA : Fidel Castro từ bỏ chức Chủ tịch nước

19/02/2008_ Cuba thời kỳ hậu Fidel Castro có thể chuyển biến theo mô hình Trung Quốc, mở cửa về kinh tế nhưng đảng Cộng sản tiếp tục độc quyền lãnh đạo đất nước.

Ngay sau khi nguồn tin lãnh tụ Cuba Fidel Castro quyết định rời bỏ chức Chủ tịch nước được đưa ra, nhiều quốc gia châu Âu đã hy vọng là đảo quốc này sẽ thay đổi. Paris, qua lời Quốc vụ khanh đặc trách châu Âu mong là sự kiện này sẽ mở ra « một con đường mới » cho Cuba, và « dân chủ sẽ được phát huy ». Quốc vụ khanh Tây Ban Nha phụ trách hồ sơ châu Mỹ La tinh thì cụ thể hơn khi tuyên bố là Madrid chờ đợi Raul Castro, người sẽ kế nhiệm Fidel, thực hiện cải tổ.

Hy vọng bày tỏ ở trên không phải là không có cơ sở. Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng cải tổ kinh tế có thể diễn ra nhưng cải tổ chính trị thì rất khó. Raul Castro, em trai của cựu Chủ tịch Cuba, người được chính anh mình chọn để kế nhiệm, đã từng chứng tỏ rằng ông là một con người thực tế.

Vào đầu thập niên 90, khi Cuba lún sâu vào khủng hoảng kinh tế nặng nề sau khi Liên Xô bị phân rã, vốn là nhân vật số hai trong chế độ, Raul Castro đã nổi tiếng với câu nói « Hạt đậu quan trọng hơn là đại bác ». Với tư cách là bộ trưởng Quốc phòng, ông đã cắt giảm đáng kể quân số Cuba, từ 300 000 xuống còn 60 000 người. Để giảm bớt gánh nặng cho nhà nước, ông cũng đã bật đèn xanh cho quân đội tham gia hoạt động kinh tế, áp dụng một số phương pháp kinh doanh của phương Tây. Biện pháp này thành công đến mức mà ngày nay, lực lượng võ trang Cuba kiểm soát nhiều mảng lớn trong nền kinh tế, đặc biệt là ngành du lịch, nguồn thu ngoại tệ quan trọng của nước này.

Đối với các chuyên gia phân tích về Cuba, quá trình hoạt động của ông Raul Castro chứng tỏ hai điểm : về mặt chính trị, ông vẫn là một con người cứng rắn, kiên quyết bảo vệ độc quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản Cuba. Tuy nhiên, ông có tư tưởng thực tế và cởi mở, ít giáo điều hơn anh mình. Trong bối cảnh kinh tế Cuba hiện đang bị khó khăn, phải lệ thuộc vào dầu hỏa giá hạ do Venezuela chi viện, vào nguồn ngoại tệ do ngành du lịch mang lại và người Cuba hải ngoại gởi về, giới quan sát cho rằng một khi chính thức lên cầm quyền tại La Habana, Raul Castro có thể bật đèn xanh cho việc cải tổ nước này theo mô hình Trung Quốc hay Việt Nam, tức là mở cửa kinh tế theo hướng thị trường, nhưng duy trì độc quyền lãnh đạo của đảng Cộng sản. Cách đây 19 tháng, khi Fidel Castro bị bệnh, tạm thời trao quyền lại cho Raul, một số nhà bình luận đã mệnh danh người em của Fidel là Đặng Tiểu Bình của châu Mỹ La tinh.

Theo ông Carmel Mesa Lago, một chuyên gia về Cuba đồng thời là giáo sư kinh tế tại trường Đại học Pittsburg Hoa Kỳ, thì ông Raul được coi là người ủng hộ các biện pháp cải cách theo kinh tế thị trường mạnh mẽ hơn anh mình rất nhiều. Trả lời AFP, ông Mesa Lego cho rằng Trung Quốc có thể là sẽ là mô hình mà Raul Castro đi theo vì điều đó cho phép đảng Cộng sản kiểm soát chính trị, trong lúc kinh tế thì phát triển tăng vọt. Tuy nhiên, vào hôm nay, giới quan sát vẫn dè dặt về các thay đổi có thể diễn ra tại Cuba thời hậu Fidel Castro. Theo ông Kirby Jones, Chủ tịch Hiệp hội Thương mại Hoa Kỳ- Cuba thì một số cán bộ trẻ nhưng tư tưởng rất giáo điều đã từng được đề bạt vào những chức vụ then chốt tại Cuba. Thành phần này có thể là cản lực cho công cuộc cải tổ. Trong tình hình đó, theo ông Kirby Jones, không nên chờ đợi là thay đổi sẽ diễn ra nhanh chóng.
Trọng Nghĩa
(Ảnh : AFP : Fidel Castro – bên trái – và em trai Raul, năm 2003)

Thứ Hai, 18 tháng 2, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

PAKISTAN : Bầu cử Quốc hội

18/02/2008_ Tổng thống Musharraf đánh cược tương lai qua cuộc bầu cử Quốc hội diễn ra trong không khí bạo động.

Hơn 80 triệu cử tri Pakistan đi bầu Quốc hội trong bối cảnh khủng hoảng chính trị và đe dọa khủng bố của hồi giáo cực đoan. Quân đội và cảnh sát được đặt trong tình trạng báo động tối đa sau vụ khủng bố tự sát hôm thứ bảy. Đặc biệt là ở Lahore, thủ phủ bang Pendjab, nơi chiếm nhiều số ghế dân biểu nhất, hơn 58 ngàn quân được gởi đến tăng cường. Cuộc bầu cử này được Tổng thống Pervez Musharraf đánh giá là cực kỳ quan trọng cho tương lai Pakistan mà ông gọi là « Mẹ của các cuộc bầu cử », đưa Pakistan trở lại chế độ dân chủ. Nhưng theo giới phân tích, thế được thua duy nhất trong cuộc bầu cử này là tương lai của chính ông Musharraf.

Vì vậy, suốt mùa vận động tranh cử, không một đảng nào thông báo một cương lĩnh chính trị, một chương trình kinh tế rõ ràng. Các cuộc tranh luận chỉ tập trung vào một vấn đề, đó là Quốc hội mới có bỏ phiếu truất phế Tổng thống Musharraf hay không. Hay là cuối cùng ông sẽ phải hợp tác với một chính phủ dân sự chấp nhận ông. Từ thành phố đến tận cùng thôn quê, các ứng cử viên đối lập chỉ đưa ra một lập luận đơn giản : Vật giá leo thang, thiếu nước, thiếu gaz, đó là lỗi của Musharraf. Nói cách khác, ông phải ra đi.

Theo báo chí Pakistan, nếu cuộc bầu cử được diễn ra một cách trong sạch, thì đây là một cơ may lịch sử cho nước Pakistan, lật qua trang sử độc tài quân sự. Tổng thống Musharraf phải chấp nhận thực tế là uy tín của ông xuống rất thấp. Nhưng công luận Pakistan tin chắc là ông Musharraf và những người thân cận sẽ làm đủ mọi cách để đảng MLQ, hậu thuẫn ông không bị thất bại. Nhiều nhân chứng tố cáo nạn mua phiếu với giá tương đương với 100 euros. Thủ tướng bang Penjab, Pervaz Elahi, thân cận với ông Musharraf, bị tố lấy tiền trong ngân quỹ tài trợ cho cuộc tranh cử.

Trước đây, dưới áp lực của Hoa Kỳ, tướng Musharraf phải thương lượng với lãnh đạo đối lập, bà Benazir Bhutto, để chia quyền. Nhưng giải pháp lý tưởng dưới mắt của Mỹ đã bị đảo lộn sau khi bà Bhutto bị ám sát ngày 27 tháng 12 năm 2007. Từ nay đảng Dân tộc Pakistan do ông Asif Ali Zardari, chồng của bà Bhutto lãnh đạo, tố cáo chính quyền gian lận bầu cử và đe dọa tổ chức biểu tình sau cuộc bỏ phiếu. Một nhà đối lập khác là cựu thủ tướng Nawaz Sharif bị tướng Musharraf đảo chính năm 1999, cảnh báo : « Nếu bầu cử không trong sạch, tình hình sẽ đi đến hỗn loạn ».

Tương lai chính trị của tướng Musharraf phải chăng là sẽ được định đoạt trong những ngày tới. Nếu hai đảng đối lập liên kết với nhau và dành được đa số 2/3 tại Quốc hội, thì Tổng thống Musharraf có nguy cơ bị truất phế. Đảng dân tộc Pakistan, với sự hy sinh như một thánh tử đạo của bà Bhutto, có khả năng chiến thắng trong cuộc bầu cử này. Thế nhưng, ván cờ chính trị tại một quốc gia bị khủng hoảng thường xuyên như Pakistan, chắc chắn là không đơn giản. Ông Ali Zardari, chồng của bà Bhutto, lãnh đạo mới của đảng dân tộc Pakistan, tuy công kích ông Musharraf, lại không loại trừ giải pháp thành lập « chính phủ hoà hợp dân tộc » với Tổng thống Musharraf và phe quân đội.
Tú Anh
(Ảnh : pakistaniat.com : ông Pervez Musharraf)

Chủ Nhật, 17 tháng 2, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

KOSOVO : Tuyên bố độc lập

17/02/2008 _ Xây dựng và được thừa nhận độc lập, đó là hai bài trắc nghiệm cho Kosovo.

Vận hội dựng nước đã đến tay. Người Kosovo gốc Albanie hy vọng độc lập ngày hôm nay, sẽ cho phép sớm phát triển kinh tế cho đất nước mình và mau chóng được cộng đồng quốc tế công nhận. Thách thức lớn nhất đặt ra cho Kosovo độc lập, đó là thoát khỏi cảnh nghèo đói, để tự khẳng định như một thực thể kinh tế bền vững.

Ngày hôm nay, 10 năm sau khi chiến tranh kết thúc, ưu tiên số một cuả Kosovo là phát triển nền kinh tế. Tám năm trời dưới sự bảo trợ của Liên Hiệp Quốc cùng hàng tỷ đô la của các nước châu Âu đổ vào đã chẳng làm đựoc gì. Về mặt kinh tế, rõ ràng là thất bại. Một nửa người dân Kosovo vẫn đang phải sống trong tình trạng nghèo khó, hơn 45% dân số bị thất nghiệp. 1/3 thanh niên thất học không việc làm. Tất nhiên là các chương trình sau chiến tranh cũng đã giúp xây dựng lại các khu dân cư và hạ tầng cơ sở hay tái thiết lại một vài tuyến đừong bộ. Thế nhưng phần còn lại của hệ thống đường bộ vẫn tan nát, một số làng mạc vẫn bị cắt điện, đôi lúc tới 12 giờ mỗi ngày. Gần như cả nền kinh tế Kosovo đều tập trung vào tiểu thương và hệ thống chợ đen hoạt động giống như tội phạm có tổ chức. Bởi vậy, nền kinh tế Kosovo phụ thuộc chủ yếu vào viện trợ quốc tế và tiền của cộng đồng người Albanie ở hải ngọai và những người gốc Albanie ra nước ngoài làm ăn gửi về. Tuy nhiên vẫn tồn tại một viễn cảnh nhất là trong khu vực năng lượng. Kosovo có khá nhiều mỏ than và khóang sản. Đây vẫn chỉ là một hy vọng nhỏ nhoi bởi guồng máy sản xuất của Kosovo đang rất cần được đầu tư đáng kể. Ủy ban châu Âu sẽ phải trợ giúp kinh tế cho Kosovo. Khoản viện trợ 400 triệu € cho giai đọan từ 2007-2011 đã đựoc thông qua và có thể sẽ còn phải bổ sung thêm 200 triệu € nữa.

Liệu nước Kosovo có thể tồn tại lâu dài như một thực thể kinh tế, nếu không nhận được các nguồn viện trợ ồ ạt từ nước ngoài ? Đó là câu hỏi mấu chốt mà nhiều chuyên gia đã đặt ra vào ngày hôm nay. Nhà nước mới khai sinh Kosovo đang đặt kỳ vọng vào các vốn đầu tư mà Liên Hiệp châu Âu và Hoa Kỳ dự trù sẽ huy động vào những ngày sắp tới, thông qua việc tổ chức HộI nghị các Nhà Tài trợ cho Kosovo. Mặt khác, để có thể được các định chế quốc tế, như Ngân hàng Thế giới và Quỹ Tiền tệ Quốc tế giúp đở, Kosovo còn cần phải được gia nhập các tổ chức này. Đây sẽ là chặng đường đầy trắc trở, bởi lẽ nền độc lập của Kosovo, kể từ hôm nay, sẽ đặt nhiều quốc gia trên thế giới trước sự lựa chọn khó khăn.

Trong số các địch thủ của Kosovo, phải kể đến Serbia, nước vẫn xem lãnh thổ này thuộc chủ quyền cuả mình. Đồng minh của Serbia là Nga cũng sẽ sử dụng mọi lá bài trong tay để ngăn chặn việc công nhận Kosovo, không những tại Liên Hiệp Quốc mà trong tất cả các tổ chức quốc tế khác. Trung Quốc, cường quốc duy nhất đại diện Châu Á, trong số năm nước có quyền phủ quyết tại Hội đồng Bảo an, cũng sẽ tẩy chay Kosovo trong một thời gian dài trước mắt, bởi vì công nhận nền độc lập cuả Kosovo sẽ là một hiểm họa đối với Bắc Kinh, có nguy cơ thúc đẩy phong trào đòi ly khai tại Tân Cương.

Ngay tại vùng Balkan, sự kiện Kosovo độc lập đang gây rúng động cho Bosnia- Herzgovina. Người Serbia tại nước này, cũng như cộng đồng Serbia tại Macedonia và ngay tại Kosovo, ngày hôm nay, sẽ vin vào tiền lệ này để muốn tách ly khỏi các quốc gia vừa kể. Tác động dây truyền sẽ khó mà lường trước, cho nên ý nghĩa trọng đại của việc Kosovo dựng nước, chưa thể kết luận vào là lúc này sẽ mang lại thêm ổn định cho khu vực, hay là ngược lại, báo hiệu cho một thời kỳ đầy bất trắc cho vùng Balkan trong những năm tháng sắp tới. Cũng chính bởi vì các lẽ đó mà sáu quốc gia trong Liên Hiệp châu Âu là Tây Ban Nha, Hy Lạp, Chypre, Roumanie, Bulgarie và Slovaquia đã tuyên bố không công nhận Kosovo trong ngắn hạn.

Thế nhưng, nước cờ quyết định tại vùng Balkan kể từ khi Liên xô cũ sụp đổ và nhất là sau khi chiến tranh kết thúc năm 1999, nằm trong tay của Hoa Kỳ và Liên Hiệp châu Âu. Trước các mối đe dọa của Matxcơva, chính quyền Washington sẽ tiến thêm một bước trong đối sách ổn định vùng Balkan thông qua dự án kết nạp các nước như Croatia, Albanie và Macedonia làm thành viên thực thụ của NATO. Liên Hiệp châu Âu cũng sẽ đẩy mạnh nhịp độ rà soát lại chính sách đối với vùng Balkan để tìm hoà giải với Serbia, đối thoại với Nga, mở ra một ngõ thoát trong trật tự cho khu vực nhậy cảm này.
Bảo Thạch
(Ảnh : AP : Người dân Kosovo chào mừng nền độc lập tại thủ đô Pristina)

Thứ Bảy, 16 tháng 2, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

CHÂU Á : Cúm gia cầm vẫn đe doạ sinh mạng con người

16/02/2008_ Chỉ trong vòng một tuần đã có hai người chết tại Việt Nam vì cúm gia cầm và như vậy từ đầu năm đến nay, đã có ba bệnh nhân tử vong do virus H5N1. Tính tổng cộng kể khi dịch cúm gà bùng phát, đã có 50 trường hợp tử vong được ghi nhận ở Viêt Nam. Nạn nhân mới nhất là một người đàn ông 27 tuổi, từ tỉnh Ninh Bình, qua đời hôm thứ năm vừa qua. Theo lời Cục phó Cục Thú Y Việt Nam Hoàng Văn Năm thì người này đã ngã bệnh sau khi cắt cổ hai con gà. Hai nạn nhân đầu tiên trong năm thuộc tỉnh Hải Dương và Tuyên Quang, tức là cũng hai tỉnh miền Bắc. Theo báo chí Việt Nam hôm nay, bộ Y tế vừa cho biết là có thể sẽ phát hiện nhiều ca bệnh nữa.

Nguyên nhân chính khiến dịch cúm gia cầm bùng phát trở lại đó là do thời tiết lạnh, nhưng thêm vào đó là lý do vào dịp Tết, người dân tiêu thụ rất nhiều gà vịt, trong khi việc kiểm soát vận chuyển, mua bán, giết mổ gia cầm ở Việt Nam không được chặt chẽ. Ngoài ra, mặc dù ngành y tế đã khuyến cáo là không nên ăn thịt gà bệnh chết, nhưng vẫn có những người ăn gà chết. Với một tỷ lệ tử vong cao như vậy, rõ ràng là virus H5N1 vẫn đe doạ nghiêm trọng sinh mạnh con người và Tổ chức Y tế Thế giới trong tuần này đã một lần nữa cảnh báo Việt Nam là phải hết sức đề cao cảnh giác trước nguy cơ cúm gia cầm. Phát ngôn viên Tổ chức này nhắc lại những biện pháp phòng ngừa. Đó là phải rất cẩn thận khi làm thịt gà, phải rửa tay thật kỹ sau khi đụng vào thịt gà sống, nấu thịt và trứng cho thật chín. Ngoài ra, phải tránh tiếp xúc với gia cầm bệnh và báo cáo ngay những trường hợp nghi nhiễm bệnh.

Không chỉ ở Việt Nam, cúm gia cầm tiếp tục cướp đi sinh mạng con người ở Indonesia, nơi có số tử vong do virus H5N1 cao nhất thế giới. Hôm nay, bộ Y tế Indonesia loan báo là một thiếu niên 16 tuổi tại Jakarta vừa chết ngày 10 tháng 2 vừa qua, nâng tổng số nạn nhân của cúm gia cầm tại nước này lên 104, nhiều nhất thế giới. Nhưng các chuyên gia cho rằng đó chỉ là số liệu chính thức, còn trên thực tế, tổng số nạn nhân có thể cao hơn, do công tác thống kê trong ngành y tế Indonesia rất yếu kém. Mối nguy hiểm của cúm gia cầm là ở chỗ đó. Kể từ nay, rõ ràng là chúng ta không thể nào tiêu diệt được hoàn toàn virus H5N1, tức là tại những nước như Việt Nam hay Indonesia, người ta phải sống chung với con virus này. Nhưng kiểm soát tại một nước như Việt Nam đã khó, kềm chế cúm gia cầm tại một quốc gia mênh mông, trải dài trên không biết bao nhiêu là đảo như Indonesia, lại càng khó hơn. Ấy là chưa kể hiện giờ, các nhà khoa học Indonesia đang nhức đầu chưa hiểu là virus H5N1 lây nhiễm sang người bằng cách nào, vì tại nước này, có những bệnh nhân bị chết mà chung quanh nhà, người ta không hề tìm thấy dấu vết của virus cúm gia cầm.

Bên cạnh các nước Đông Nam Á, cúm gia cầm nay cũng đang lan rộng ở những quốc gia nghèo trong khu vực Nam Á, đặc biệt là tại Bangladesh. Chính phủ Bangladesh hôm qua loan báo là mặc dù họ đã tiêu hủy gia cầm hàng loạt, nhưng dịch cúm gà lại lan ra thêm một vùng mới tại nước này. Kể từ nay, virus H5N1 đang hoành hành tại 42 trên tổng số 64 huyện ở Bangladesh. Bên nước Ấn Độ láng giềng, có dân số hơn một tỷ người, dịch cúm gia cầm cũng đã bùng phát trở lại, trầm trọng nhất là ở bang Tây Bengale.
Thanh Phương
(Ảnh : www.pasteur.fr)

Thứ Sáu, 15 tháng 2, 2008

GONCOURT 2007 : Alabama Song – hay - Cái chết của loài bướm chúa.

Bảo Thạch giới thiệu
tiểu thuyết ALABAMA SONG
Tác giả Gilles Leroy
Nhà xuất bản Mercure de France
GONCOURT 2007

Những năm 20 thế kỷ trước, Zelda và Scott Fitzgerald xuất hiện như hai ngôi sao sáng nhất trên vòm trời Tây phương. Đôi vợ chồng son, tiếng tăm lẫy lừng. Scott Fitzgerald đang chiếm ngôi vị nhà văn Mỹ được trả tiền nhuận bút cao nhất Hoa Kỳ, còn Zelda thuộc một gia đình quyền quý, tiểu bang Alabama, từ khi kết hôn vơí Scott, được tất cả báo giới theo dõi, chụp ảnh, ca ngợi như công chúa thời đại mới. Cả hai đều trẻ, đẹp, sang trọng tuyệt vời, tiền tài danh vọng, sức quyến rũ, họ là những đứa con cưng của Thượng đế. Họ đã được ban phát tất cả những gì có khả năng tạo nên hạnh phúc.



Trong một bức ảnh chụp năm 1921, còn lưu lại đến ngày nay, từ Zelda và Scott Fitzgerald tỏa ra một thứ hào quang của con người xuất chúng, biểu trưng của những định mệnh huy hoàng. Ta có thể hình dung trong thành phố New York thời đó, họ náo nhiệt buông mình vào những cuộc chơi không tàn, những dạ hội tràn ngập ánh đèn dập dìu tài tử giai nhân, áo quần thơm tho, trang sức đắt tiền. Cuộc đời cứ trải rộng trước mắt, miên man, như Scott Fitzgerald kể lại sau này rằng niềm vui sống sờ sờ ra đó, ta có thể chạm vào ở đầu ngón tay. Nổi tiếng nhờ dòng văn thanh tao, tác giả của tiểu thuyết Gatsby le Magnifique, Scott Fitzgerald dẫn vợ chu du thiên hạ. Paris, Roma, bờ biển Địa Trung Hải, quay về Mỹ, rồi lại trở sang châu Âu nhiều năm ròng, họ cùng đứa con gái phiêu bạt giang hồ. Sau này, một người bạn của Scott kể lại cảnh gặp gỡ đôi vợ chồng tại đại lộ Champs-Elysées Paris rằng họ ăn mặc sang trọng đến mức mọi người phải trầm trồ. Họ là hiện thân của cái đẹp. Tại kinh đô của ánh sáng, họ làm quen với Ernest Hemingway. Chính Hemingway đã ví Scott Fitzgerald như một con bươm bướm với đôi cánh rực rỡ phấn hoa.

Nhưng loài bướm chúa cũng có ngày rụng cánh. Scott và Zelda đã bay cao rồi sẽ chìm sâu, giấc mơ biến thành cơn ác mộng thăm thẳm. Scott sa vào tật nghiện rượu. Zelda mắc bệnh tâm thần suy nhược, nhiều lần toan tự vẫn. Bác sĩ danh tiếng của Thụy sĩ chẩn đoán Zelda bị bệnh tâm thần phân lập. Nàng thường xuyên bị ảo giác truy bức. Có lần, đôi vợ chồng lái xe bên bờ Địa Trung Hải, tại Côte d’Azur, Zelda toan lao xe xuống vực thẳm, cả hai suýt chết. Scott đưa Zelda vào các bệnh viện đắt tiền nhất. Nguời ta buộc phải chữa trị Zelda bằng xung điện. Khi bệnh tình thuyên giảm, Scott đua Zelda về Mỹ nhưng bệnh điên lại hoành hành. Chẳng những vậy, nét kiều diễm ngày nào của Zelda bị chứng bệnh Eczéma tàn phá. Trên làn da đẹp cứ nổi lên những mảng mụn lăn tăn phỏng đỏ. Giai nhân biến thành người đàn bà dị dạng. Zelda sống trong một nhà thương điện tại North Carolina Hoa Kỳ để rồi cái chết thảm khốc ập đến. Một đêm, toà nhà bị hỏa hoạn nhưng phòng bệnh nhân lại bị khóa cửa. Zelda chết thiêu trong các ngọn lửa vô tình như những mụ phù thủy ngày xưa. Trước đó vài năm, Scott Fitzgerald cũng đã qua đời tại Hollywood, sau khi sống ẩn dật những năm cuối cùng. Scott Fitzgerald thọ 44 tuổi.

Cuộc đời Scott và Zelda là một chuỗi vinh nhục đầy bí ẩn. Nhà văn Pháp Gilles Leroy đã khảo sát những rạo rực ban đầu, rồi những đổ vỡ rạn nứt trong tâm hồn của Zelda, tiềm tàng lâu năm trước những năm chúng bộc phát thành căn bệnh điên. Tiểu thuyết Alabama Song được viết dưới dạng tự truyện. Nhân vật xưng Tôi là Zelda. Cốt chuyện dựa trên những sự kiện có thực nhưng nhiều nhân vật, nhiều tình huống ở đây được hư cấu, gói gém với nhau, đan lẫn với sự thật lịch sử, để tạo dựng bề dầy tâm lý, chuyển tải ý tưởng chủ đạo của tác giả. Đó là mô tả nội tâm của một người đàn bà, tài sắc vẹn toàn nhưng bị chồng cấm đoán viết văn và bị ức chế. Scott ghen tuông và ganh tỵ với vợ. Gilles Leroy phục hồi cho Zelda Fitzgerald. Dưới ngòi bút của ông, Zelda là nhân vật có cá tính mạnh mẽ hơn chồng, nhưng phải nép mình trong chiếc bóng vĩ đại của Scott Fitzgerald, người được xã hội và thế giới ca tụng như nhà văn lỗi lạc nhất nhì thời đại. Người ta đâu biết rằng Scott tự ti, mặc cảm với vợ. Anh biết rõ tâm hồn của Zelda sâu sắc hơn mình nhiều. Về sau này và đây là sự thật, Scott Fitzgerald đã viết lại rằng, xin trích, « Nhiều lúc ở Zelda bùng cháy một ngọn lửa sinh động hơn tất cả những gì bản thân tôi được trải nghiệm ». Scott cũng linh cảm thấy rằng một người đàn bà mãnh liệt như Zelda cần tìm đến một người đàn ông tương xứng. Anh ngờ rằng mình yếu đuối hơn vợ, kém cỏi hơn vợ, không đủ năng lực để thỏa mãn những đam mê của Zelda. Ở một đoạn văn trong tiểu thuyết Alabama Song, Zelda độc thoại như sau : « Cơ thể ta là một dòng sông. Cơ thể ta mang tên là Alabama. Ở trung tâm cơ thể này là tam giác châu thổ. Đôi chân dài của ta vẽ lên một quần đảo mang tên niềm hưng phấn ».

Gilles Leroy mô tả thủa mới bước vào đời, Zelda đã rạo rực cái bản năng vùng đất mới miền nam Hoa Kỳ như vậy đó. Nàng muốn đạp đổ mọi cấm kỵ, phá bỏ mọi giàng buộc xã hội. Nàng mong sao chốn khỏi cái thế giới chật hẹp của tỉnh lẻ để vẫy vùng như con thiên nga giữa trời đất. 18 tuổi, Zelda gặp Scott lúc đó mới 22. Cả hai chạy về phía trước mặt, tưởng rằng địa đàng đầy cám rỗ sẽ vô tận. Nhưng cả hai đều chạy theo ảo ảnh. Họ tưởng rằng vậy là tình yêu và hạnh phúc. Nhưng trong thực tế, cả Zelda và Scott đều đầy tham vọng và gần gũi nhau như anh em sinh đôi hơn là một cặp tình nhân. Quan hệ của họ giống như quan hệ hai kẻ song hành chứ không phải mối tình đắm đuối họ phô trương trước mắt công chúng. Chuyến chu du thiên hạ là cơ hội nhận diện chính mình, phát hiện những điều ngộ nhận, những ảo vọng não nề.

Cho đến tháng 7 năm 1924, trong Alabama Song, Zelda gặp được một người tình đích thực tại bờ biển nước Pháp, là chàng phi công cường tráng, tên là Edouard Jozan. Từ đó trở đi, đôi vợ chồng đánh mất hẳn sự tin tưởng lẫn nhau. Scott sa vào các cơn say. Zelda đã bắt đầu đổ bệnh trầm trọng. Hết cãi vã, xỉ vả, oán giận nhau ngày này qua ngày khác, họ lại ngồi chung nhau bên chén rượư giải sầu. Có nhân chứng kể lại rằng Scott bị khủng hoảng và càng uống mạnh, càng uống bạo, uống cho đến lúc tuyệt vọng. Anh ta uống rượu như thể đang âm mưu một vụ án mạng, như thể anh ta toan thủ tiêu một cái gì đó trong cơ thể chính mình. Còn Zelda từ đó đắm chìm trong căn bệnh trầm kha như thể nàng muốn hành hạ chính mình, trong khi Scott tự tra tấn bằng chai whisky, rồi chai gin, rồi bia, rồi rượu vang. Vài ngày trước khi lìa đời, tháng 12 năm 1940, Scott Fitzgerald đã viết lại một bức thư cho đứa con gái duy nhất. Ông nói về Zelda như sau, xin trích, « Những người mất trí mãi mãi là những khách trọ trên trần gian, vĩnh viễn xa lạ với đời. Họ mang theo họ những tảng đá ghi tạc 10 điều răn mà họ không bao giờ biết giải mã ». Hết lời dẫn.

Bi kịch của Zelda có lẽ vì vậy được thăng hoa. Con người cực đoan phá cách này luôn luôn vượt lên trên số phận thảm thương của chính mình, để lại đằng sau những hồi quang đầy quyền rũ của một con bướm chúa.
(Ảnh : www.stpaul.lib.mn.us www.viewimages.com www.fitzgerald-museum.com)

MỜI QUÝ VỊ NGHE TẠP CHÍ







TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH