Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Bảy, 23 tháng 2, 2008

BALKANS : Nguy cơ xáo trộn sau khi Kosovo tuyên bố độc lập

23/02/2008_ Sau những vụ người biểu tình tấn công các đại sứ quán phương Tây tại Beograd, các nước châu Âu đang cố tìm cách tránh cho tình trạng bạo động này lan sang những nơi khác ở vùng Balkans, nhưng việc Kosovo tuyên bố độc lập đang có nguy cơ gây xáo trộn cho một vùng mà chỉ mới cách hơn 10 năm còn là chiến trường ác liệt. Đối với chính phủ Serbia, chính phương Tây, mà đứng đầu là Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu, đã thúc đẩy Kosovo tuyên bố độc lập. Nhiều nhân vật trong chính giới Serbia dĩ nhiên đã không bỏ lỡ dịp này để kích động tinh thần dân tộc của người dân. Khi tinh thần dân tộc bị kích động thì những hành động bạo loạn như hôm thứ năm vừa qua là không thể tránh khỏi. Nhưng điều mà phương Tây lo ngại nhất, đó là xu hướng ly khai lại trỗi dậy ở Nam tư cũ.

Chưa gì người Serbia ở Bosnia Herzgovina đã doạ là họ cũng sẽ tách khỏi nước này nếu Liên hiệp quốc và đa số các quốc gia thành viên Liên hiệp châu Âu công nhận nền độc lập của Kosovo. Cụ thể, hôm thứ năm vừa qua, Quốc hội của ngườI Serbia ở Bosnia đã thông qua một nghị quyết đề nghị tổ chức trưng cầu dân ý về nền độc lập của nước Cộng hòa Serbia ở Bosnia. Chiếu theo hiệp ước Dayton năm 1995, Bosnia Herzegovia là một quốc gia bao gồm hai thực thể : Một bên là Liên bang Croatia Hồi giáo và bên kia là nước Cộng hòa Serbia. Bên trên hai thực thể này là những định chế trung ương có cơ cấu rất lỏng lẻo. Tuy rằng việc nước Cộng hòa Serbia ở Bosnia tách khỏi nước này là một viễn cảnh xa vời, nhưng nghị quyết nói trên cho thấy Bosnia vẫn là một quốc gia bất ổn và lại càng khó giữ được nguyên trạng, do tác động của việc Kosovo tuyên bố độc lập. Còn tại Kosovo, cộng đồng người Serbia dĩ nhiên là sẽ không chịu ngồi yên và không thể loại trừ khả năng là họ cũng sẽ ly khai khỏi quốc gia mới tuyên bố độc lập này.

Chính là để tránh cho vùng Balkans khỏi bị xáo trộn một lần nữa, mà Liên hiệp châu Âu đã dự trù sẽ thâu nhận Serbia làm thành viên. Hiện giờ, do sự chống đối của Hà Lan, cho nên Liên hiệp châu Âu chỉ mới thương lượng một hiệp định trao quy chế thành viên liên kết cho Serbia, bước đầu tiên để tiến đến việc kết nạp nước này. Cho dù xảy ra các vụ bạo động hôm thứ năm và cho dù chính quyền Beograd đã triệu hồi những đại sứ tại các quốc gia đã công nhận Kosovo, nhưng Liên hiệp châu Âu vẫn tỏ ý mong muốn đón nhận Serbia. Có điều, tình hình hình hiện nay gây khó khăn rất nhiều cho tổng thống Boris Tadic, một nhân vật tuy không chấp nhận Kosovo độc lập, nhưng ủng hộ việc Serbia gia nhập Liên hiệp châu Âu. Trước mắt, để ổn định tình hình ở khu vực này, các nước châu Âu hy vọng là sắp tới đây nước Macedonia láng giềng sẽ công nhận Kosovo. Theo các nhà phân tích, Hoa Kỳ có thể sẽ gây áp lực lên Macedonia theo hướng này. Hiện đang rất muốn được thâu nhận vào khối NATO, có thể là Macedonia sẽ chiều theo ý của các nước phương Tây. Có điều chính bản thân Liên hiệp châu Âu cũng đang bị chia rẽ, vì có ba nước thành viên không công nhận nền độc lập của Kosovo và năm nước khác thì tỏ vẻ dè dặt.

Nhưng vấn đề không chỉ gói gọn ở vùng Balkans mà sự kiện Kosovo tuyên bố độc lập còn gây căng thẳng giữa Nga với phương Tây. Tuyên bố nhân cuộc họp không chính thức của Cộng đồng các Quốc gia Độc lập, hôm nay, tổng thống Vladimir Poutine cho rằng việc Kosovo tuyên bố độc lập là một tiền lệ kinh khủng và nó sẽ giống như cái boomerang bay ngược trở lại đậpvào mặt phương Tây. Còn hôm qua, đại diện của Nga ở NATO đã doạ sẽ sử dụng vũ lực nếu Liên minh Bắc Đại Tây Dương và Liên hiệp châu Âu thách thức Liên hiệp quốc trên vấn đề Kosovo.
Thanh Phương
(Ảnh : AP : Người Serbia tại Mitrovica biểu tình chống Kosovo tuyên bố độc lập, ngày 16/02/2008)

Không có nhận xét nào: