Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Sáu, 6 tháng 6, 2008

MIẾN ĐIỆN: Sau thiên tai là thảm họa nhân đạo

06/06/2008_ Hơn 130 000 người chết hay mất tích theo con số chính thức của chính quyền, 2,4 triệu người sống sót cần được cứu trợ khẩn cấp, theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, trong đó có một triệu người chưa được giúp đõ gì cả.

Các tổn thất do trận bão Nargis gây ra tại Miến Điện quả là ghê gớm. Thế nhưng, theo các nhà quan sát, người dân nước này có nguy cơ phải gánh chịu một thảm họa nhân đạo còn khủng khiếp hơn nữa nếu chính quyền không khẩn trương đề ra những biện pháp kịp thời. Nguyên do chính dẫn đến thảm họa là sự kiện khu vực bị bão Nargis tàn phá nặng nề nhất lại là vùng châu thổ sông Irrawaddy, vựa thóc của cả nước Miến Điện. Vùng này hàng năm làm ra khoảng hai phần ba sản lựợng gạo của toàn quốc. Theo các chuyên gia của cơ quan Lương Nông Liên Hiệp Quốc, FAO, nếu công việc trồng lúa không được tiến hành trở lại trong tháng 6 này, sản lượng gạo sẽ bị giảm sụt một cách nguy hiểm. Thế nhưng hơn một tháng sau cơn bão Nargis, một phần tư đồng ruộng vùng châu thổ Irrawaddy vẫn còn bị úng nước mặn do bão đem vào, đồng thời vẫn còn đầy rẫy xác người và thú vật chết trương phình trên mặt nước. Muốn trồng trọt trở lại cần phải tẩy sạch khu vực trước đã. Mặt khác, cũng theo các chuyên gia nông nghiệp, cần phải sửa sang lại các hệ thống thuỷ lợi như kênh rạch, bờ bao, trạm bơm nước bị thiên tai phá hủy, cũng như phải thay thế hơn một nửa số trâu bò dùng để kéo cày đã bị chết trong cơn bão hoặc bị chết đói sau đó vì không có người chăm sóc.

Ngoài vấn đề lúa gạo, theo một số chuyên gia về kinh tế Miến Điện, trận bão Nargis vửa qua còn tác hại đến nhiều lãnh vực sản xuất thực phẩm khác, đặc biệt là ngành thủy hải sản, chủ yếu đạt cơ sở tại vùng châu thổ Irrawaddy. Theo một viên chức tại bộ Nông nghiệp Miến Điện, hơn một nửa ngành đánh cá nước này bị bão Nargis xoá sổ, với hơn 20.000 ngư dân bị chết và 6.000 bị mất tích. Đoàn tàu đánh cá của Miến Điện khoảng 26 000 chiếc nhỏ và 2000 chiếc cỡ trung bình hầu như đã bị phá hủy hoàn toàn. Bên cạnh đó, hàng ngàn ao cá của nông dân đã trở nên vô dụng vì bị ngập nước mặn, trong lúc rất nhiều trại nuôi tôm gần Rangoun hay ở vùng châu thổ Irrawaddy cũng bị hủy hoại. Tất cả những nhân tố kể trên gộp lại đã làm gia tăng nguy cơ Miến Điện bị khan hiếm lương thực trầm trọng, thậm chí bị lâm vào nạn đói, với hệ quả tất nhiên là toàn bộ kinh tế rơi vào khủng hoảng. Mối đe dọa kể trên lại càng nghiêm trọng trong bối cảnh tập đoàn quân sự Miến Điện vào lúc này, vì những lý do chính trị, vẫn gây trở ngại cho việc đổ hàng cứu trợ vào giúp đỡ các nạn nhân, mà đa số là những cánh tay cần thiết để khôi phục lãnh vực sản xuất lương thực.

Tệ hại hơn nữa, trong tuần qua, chế độ quân sự Miền Điện còn chủ trương cưỡng bức nông dân tỵ nạn trở về nguyên quán để tiếp tục công việc nuôi trồng. Nhiều viên chức Liên Hiệp Quốc đã cảnh cáo rằng việc cưỡng bức hàng ngàn người trở về những nơi còn bị tàn phá có nguy cơ tạo ra một đợt chết chóc thứ hai vì bệnh dịch hay thiếu đói. Tóm lại, sau khi phải gánh chịu một trận bão kinh hoàng, hàng triệu ngườI Miến Điện có nguy cơ bị một thảm hoạ nhân đạo với những hậu quả lâu dài.
Trọng Nghĩa
(Ảnh : AP/UNICEF)

Không có nhận xét nào: