
Cách đây vài ngày, công an Trung Quốc đã bắt giữ một nhà đối lập vẫn chỉ trích chính quyền về những vi phạm nhân quyền trước kỳ Thế vận hội 2008. Ông bị truy tố với tội danh âm mưu lật đổ chính quyền, nhưng rõ ràng nguyên nhân chính đó là do những bài viết và phỏng vấn của ông với báo chí ngoại quốc.
Mặc dù khi được chọn làm nơi tổ chức Thế vận hội 2008, Trung Quốc đã cam kết với Uỷ ban Thế vận Quốc tế sẽ cải thiện tình trạng tự do báo chí và tình trạng nhân quyền nói chung, thế nhưng các tổ chức nhân quyền và tổ chức bảo vệ nhà báo tố cáo là chính quyền Bắc Kinh tiếp tục gia tăng đàn áp giới đối lập. Trong một bản báo cáo đưa ra vào tháng tám vừa qua, tổ chức Phóng viên Không Biên giới cho biết, ít nhất 30 nhà báo và 50 nhà đối lập trên mạng đang bị giam giữ ở Trung Quốc. Trong bản báo cáo này, Phóng viên Không Biên giới xếp Trung Quốc ở thứ hạng 163 trên 167 quốc gia về quyền tự do báo chí. Đầu tháng 12 vừa qua, tổ chức Amnesty International cũng đã tố cáo Trung Quốc không giữ đúng những lời hứa về tôn trọng nhân quyền và tổ chức này cho biết họ đang suy nghĩ đến khả năng kêu gọi tẩy chay thế vận hội Bắc Kinh.
Hôm thứ năm tuần trước, nhà ly khai được coi là cha đẻ của phong trào dân chủ tại Trung Quốc, Ngụy Kinh Sinh đã đệ trình một kiến nghị lên Uỷ ban Thế vận Quốc tế để yêu cầu Uỷ ban này gây áp lực buộc Trung Quốc phải tôn trọng nhân quyền vào lúc sắp diễn ra Thế vận hội Bắc Kinh 2008. Theo lời ông Ngụy Kinh Sinh, bản kiến nghị này có chữ ký của hơn 11 ngàn người Trung Quốc và toàn bộ những người này đều ghi tên thật. Sống lưu vong tại Hoa Kỳ từ năm 1997 sau khi đã thọ án 18 năm tù ở Trung Quốc, ông Ngụy Kinh Sinh tỏ ý muốn là trong thời gian diễn ra thế vận hội, chính quyền Bắc Kinh gỡ bức chân dung khổng lồ của Mao Trạch Đông treo ở quảng trường Thiên An Môn xuống, để thay vào đó là những vòng biểu tượng Olympique. Ông nói rằng : ''Mao Trạch Đông đã giết chết 80 triệu dân Trung Quốc trong thời gian ông ta cầm quyền. Đây là điều tối thiểu mà Uỷ ban Thế vận Quốc tế có thể yêu cầu Trung Quốc''
Chắc là Uỷ ban Thế vận Quốc tế khó mà đáp ứng đề nghị của ông Ngụy Kinh Sinh, nhưng rõ ràng là Uỷ ban Thế vận Quốc tế ngày càng cảm thấy khó xử trước việc Bắc Kinh vẫn tiếp tục đàn áp đối lập và hạn chế quyền tự do ngôn luận, đi ngược lại với tinh thần của Thế vận.
Thanh Phương
(Ảnh: www.rsf.org)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét