Varena - Italie -Nov 2023

Varena - Italie -Nov 2023

Thứ Năm, 31 tháng 1, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

THÚC ĐẨY DÂN CHỦ TẠI MIẾN ĐIỆN: Tổng Thư ký LHQ cần đích thân tới Naypyidaw

31/01/2008_ Giới chuyên gia kêu gọi Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc cần đích thân phối hợp các hoạt động ngoại giao thúc đẩy cải cách dân chủ tại Miến Điện.

Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nên đích thân tới thủ đô Miến Điện phối hợp các nỗ lực ngoại giao để buộc chính quyền quân sự tiến hành các cải cách chính trị. Trên đây là khuyến nghị của Nhóm Chuyên gia Quốc tế Nghiên cứu về Khủng hoảng, ICG. Đây là một tổ chức phi chính phủ độc lập có uy tín, với trụ sở chính tại Bruxelles và văn phòng đại diện ở nhiều nước trên thế giới.

Trong bản báo cáo công bố ngày hôm qua, ICG cho rằng các nỗ lực ngoại giao quốc tế có thể bao gồm cả việc tăng cường các biện pháp trừng phạt đối với giới tướng lãnh cầm quyền tại Miến Điện, đặc biệt là cấm vận quốc tế hoàn toàn đối với việc mua bán vũ khí, đi kèm với những khuyến khích về kinh tế.

Theo các chuyên gia, sau các vụ đàn áp những người biểu tình hồi cuối tháng 8 đầu tháng 9 năm ngoái, cộng đồng quốc tế đã gây sức ép mạnh mẽ chưa từng thấy đối với chính quyền Miến Điện và điều này đã mang lại kết quả. Có những dấu hiệu chia rẽ, bất đồng bên trong giới tướng lãnh cầm quyền ở nước này. Xin nhắc lại là các vụ đàn áp nói trên đã làm ít nhất 31 người thiệt mạng và hơn 7 chục người mất tích, theo nhận định của Liên Hiệp Quốc. Sau đó, đặc phái viên của Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc, ông Ibrahim Gambari đã công du Miến Điện hai lần nhưng vẫn chưa thuyết phục được chính quyền nước này đưa ra những cam kết thực hiện dân chủ hoá. Chuyến công du thứ ba của ông, dự kiến vào cuối tháng 12 năm ngoái, đã bị giới tướng lãnh Miến Điện đẩy lùi đến tháng tư.

Nhóm Chuyên gia Quốc tế Nghiên cứu Khủng hoảng đưa ra lời khuyến nghị Tổng Thư ký Ban Ki-moon phải can dự trực tiếp vào hồ sơ Miến Điện trong bối cảnh lãnh đạo phe đối lập, bà Aung San Suu Kyi tỏ ra bi quan sau cuộc gặp ngày hôm qua với đại diện chính quyền. Bà cho biết là trong cuộc gặp này cũng như trong các lần trước đây, giới tướng lãnh vẫn từ chối đưa ra một lịch trình tiến hành các cuộc đàm phán về cải cách chính trị. Theo phát ngôn viên của Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ, bà Aung San Suu Kyi đã tỏ ra có ít hy vọng về kết quả của sức ép của cộng đồng quốc tế. Bà lưu ý các thành viên trong Liên đoàn, xin trích, « Chúng ta hy vọng điều tốt đẹp nhưng chúng ta cũng phải sẵn sàng chờ đón cái xấu nhất ». Hết lời dẫn. Lãnh đạo phe đối lập lo ngại là việc giới tướng lãnh cầm quyền tổ chức các cuộc gặp với bà chỉ là một thủ thuật đánh lừa công luận quốc tế.

Chính vì vậy, Nhóm Chuyên gia Quốc tế nhận định rằng đặc phái viên Gambari cần tiếp tục nhiệm vụ của mình và để hỗ trợ cho các nỗ lực ngoại giao của ông thì Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon nên đích thân tới thủ đô Naypyidaw để gặp gỡ giới tướng lãnh cầm quyền. Các chuyên gia cũng nhấn mạnh là để tiếp sức cho Liên Hiệp Quốc, các nước láng giềng như Trung Quốc, Indonesia, Thái Lan, Singapore, Việt Nam cần đối thoại trực tiếp với Miến Điện về sự cần thiết phải duy trì ổn định và phát triển trong khu vực. Ngoài việc cấm vận buôn bán vũ khí, các nước phương Tây một mặt gia tăng viện trợ nhân đạo mặt khác tăng cường trừng phạt nhắm vào giới tướng lãnh, trong đó có việc cấm các thành viên của chính phủ và thân nhân của họ được đi chữa trị bệnh, con cái của họ không được tiếp nhận vào các cơ sở đào tạo ở các nước phương Tây, các nhân vật này không được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng quốc tế v.v.

Hôm qua, Hoa Kỳ đã lên tiếng yêu cầu chính quyền Miến Điện phải bắt đầu ngay các cuộc thượng lượng chính trị với bà Aung San Suu Kyi và đại diện các cộng đồng sắc tộc về hồ sơ cải cách chính trị và dân chủ hoá đất nước.
Đức Tâm
(Ảnh : www.interet-general.info: Tổng Thư ký LHQ Ban Ki-moon)

Thứ Tư, 30 tháng 1, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

THAM NHŨNG: Nhiều thành viên gia đình Suharto trong tầm ngắm của tư pháp Indonesia

30/01/2008_ Tại Indonesia, sau khi nhà độc tài Suharto qua đời, nhiều vụ án chống tham nhũng đang nhắm vào các đối tượng thuộc gia đình ông.

Tại Djakarta, hôm qua, thẩm phán Wahjono, người đang thụ lý hồ sơ điều tra về các vụ tham nhũng của nhà cựu độc tài Suharto, đã tuyên bố rằng chiếu theo bộ luật hình sự của Indonesia, một khi tổng thống Suharto đã qua đời, thì những người thừa kế ông phải trả lời trước công lý về những tội danh này.

Theo các ước tính, ông Suharto và gia đình bị tình nghi đã biển thủ từ 15 đến 35 tỷ $ trong thời gian 32 năm cầm quyền. Theo Ngân hàng Thế giới, ông Suharto đã đút túi từ 0, 6% đến 1,3% tổng sản lượng quốc nội của Indonesia. Phu nhân tổng thống Suharto, bà Siti Hartinah, trước khi qua đời năm 1996, đã bị công luận gán cho biệt danh là « Bà tổng thống 10% », bởi vì đó là tỷ lệ hoa hồng phải trả cho bà trên các hợp đồng làm ăn tại Indonesia. Toàn bộ sáu người con của Suharto cũng đã trở thành triệu phú đôla. Họ được tiến cử nắm giữ các chức vị then chốt của nhiều tập đoàn tài chính để thao túng nhiều lĩnh vực như : địa ốc, ngân hàng, xa lộ có thu thuế, viễn thông, dầu hỏa, truyền thông, ngành hóa dầu, công nghiệp xe hơi và chuyên chở hàng không.

Sự giàu có vượt bực của gia đình Suharto bắt nguồn từ việc các người con của ông đã được hưởng độc quyền trong lĩnh vuc xuất nhập cảng và ngành phân phối. Ngoài ra, các doanh nghiệp nhà nước Indonesia cũng phải giành cho họ nhiều đặc quyền đặc lợi. Đó là trường hợp của hãng hàng hhông Garuda và tập đoàn năng lượng Pertamina, cả hai đều bị đặt dưới quyền quản lý của Nhà nước, cho nên gia đình Suharto mới tự do đục khoét tài sản thông qua các kẻ thừa hành.

Do đó mà tài sản của vị trưởng nam Suharto, ông Bambang Trihatmojo, được ước định lên đến 200 triệu $. Tạp chí Mỹ Forbes xếp hạng ông ở vị trí thứ 33 trên danh sách những người giàu nhất Indonesia. Kể từ 1998, gia đình Suharto đã nỗ lực bán đi các phần tài sản quá lộ liễu, các cổ phần bị phát hiện trong nhiều tập đoàn lớn.

Tuy vậy, theo ông Todung Mulya Lubis, thuộc tổ chức Transparency International Indonesia, các người con của Suharto có thể bị xét xử vì các vụ biển thủ tài sản mà ông Suharto đã cố tình che đậy, thông qua một tổ chức từ thiện do ông sáng lập. Tổ chức này mang tên là Supersemar Scholarship Foundation.

Xin nhắc lại chỉ riêng trong hồ sơ tổ chức từ thiện này, các nhà điều tra đã phát hiện là tổng thống Suharto, khi còn tại chức, đã ép buộc bộ trưởng Tài chính, ông Ali Wardhana, ký nghị định, theo đó, toàn bộ các ngân hàng Indonesia phải trích 2,5% lợi nhuận của mình, bỏ vào quỹ của tổ chức từ thiện kể trên. Các thẩm phán cho biết, thay vì sử dụng các món tiền kếch sù này để giúp đỡ các sinh viên, học sinh nghèo, thì tổ chức này đã chi trả một cách rất mờ ám vào tay các doanh nhân dính líu với mạng lưới gia đình Suharto.

Việc làm bất chính của gia đìnhSuharto đã bị phanh phui một phần như trên, thế nhưng, trong mấy năm qua, viện dẫn lý do sức khỏe, nhà cựu độc tài vẫn không phải ra hầu toà. Ngày nay, theo nhiều nhà quan sát, một khi vị gia trưởng không còn nữa thì tầng lớp các quan chức được Suharto cất nhắc vào chính quyền có thể bỏ rơi các đứa con của ông. Lý do đơn giản là các quan chức này đã mang món nợ với Suharto, chớ không phải đối với gia tộc ông.
Bảo Thạch
(Ảnh : news.bbc.co.uk : Bambang Trihatmojo, con trai cả của nhà cố độc tài Indonesia Suharto)

Thứ Ba, 29 tháng 1, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

VIỆT NAM: Giáo hội Công giáo quyết tâm đòi lại đất bị Nhà nước trưng dụng

29/01/2008_ Trong những ngày qua, báo chí Việt Nam, đặc biệt là tờ Hà Nội mới, đã liên tiếp đăng nhiều bài báo cho rằng Tòa Tổng giám mục Hà Nội đã có hành động vi phạm pháp luật khi kích động giáo dân tiếp tục tập hợp cầu nguyện trong khuôn viên Tòa Khâm sứ cũ ở số 42 phố Nhà Chung. Theo các báo, đó là khuôn viên của các cơ quan Nhà nước. Các báo còn khẳng định là trong ngày thứ sáu tuần trước, giáo dân đã phá cổng tràn vào đánh đuổi các nhân viên bảo vệ các cơ quan.

Trước sự tấn công đồng loạt của báo chí Nhà nước, Tòa Tổng giám mục Hà Nội đã gởi đơn khiếu nại đề ngày 28 tháng giêng đến các báo có liên quan. Trong đơn khiếu nại này, Tòa Tổng giám mục Hà Nội đã phản bác những thông tin nói trên, bị coi là có nội dung hoàn toàn xuyên tạc. Theo Tòa Tổng giám mục, bản thân giáo dân cầu nguyện rất ôn hòa và bình tĩnh, chính cán bộ Nhà nước, nhân viên bảo vệ đã lăng mạ và đánh đập giáo dân. Giáo dân đã tràn vào vì quá bức xúc trước việc công an mặc thường phục bắt và đánh người một cách bất hợp pháp. Bản thân hàng giáo phẩm đã cố gắng kêu gọi giáo dân bình tĩnh, nếu không đã xảy ra ẩu đả lớn. Điều đáng nói là qua lá đơn khiếu nại này, Tòa Tổng giám mục Hà Nội đã thể hiện quyết tâm không lùi bước trong yêu sách đòi lại đất đai bị Nhà nước trưng thu trước đây.

Lập luận của Uỷ ban Nhân dân Thành phố Hà Nội, theo đó, vào năm 1961, linh mục Nguyễn Tùng Cương, đại diện quản lý khu đất Tòa Khâm sứ, đã bàn giao cơ sở này cho Nhà nước và căn cứ theo nghị quyết do Quốc hội thông qua năm 2003, thì nay khu đất này thuộc sở hữu của Nhà nước, do Uỷ ban Nhân dân quận Hoàn Kiếm, Hà Nội quản lý. Cũng theo tờ Hà Nội mới, Trung tâm Thể dục Thể thao và Nhà Văn hóa quận Hoàn Kiếm đã hoạt động liên tục trên 40 năm nay và khu vực phải tiếp tục được sử dụng vào mục đích phục vụ nhu cầu sinh hoạt văn hóa của nhân dân. Nhưng trong lá đơn khiếu nại đề ngày hôm qua, Tòa Tổng giám mục đã phản bác lập luận đó, cho rằng linh mục Nguyễn Tùng Cương chỉ là quản lý Tòa giám mục lúc đó, không phải là chủ sở hữu tài sản, không có thẩm quyền quyết định. Theo Tòa Tổng giám mục, nói rằng linh mục Nguyễn Tùng Cương bàn giao cơ sở nhà đất Tòa Khâm sứ cũ cho Nhà nước quản lý là hoàn toàn không có cơ sở pháp lý vì tài sản nói trên là của Giáo hội Công giáo Việt Nam, chứ không phải do Nhà nước cấp hay cho mượn. Và bởi vì khu đất này vẫn thuộc quyền sử dụng của Tòa Tổng giám mục Hà Nội, cho nên không thể có chuyện giáo dân đã có hành động hủy hoại tài sản Nhà nước, lấn chiếm đất công, xây dựng trái phép, theo như lời cáo buộc của báo chí Việt Nam.

Trong nhiều năm qua, Hội đồng Giám mục Việt Nam đã liên tục kiến nghị chính phủ giải quyết vấn đề đất đai của Giáo hội Công giáo bị Nhà nước trưng thu sau năm 54 và sau năm 75, nhưng chưa bao giờ được đáp ứng. Thành ra, Toà Tổng giám mục Hà Nội mới sử dụng đến hình thức tập hợp giáo dân cầu nguyện một cách hoà bình để buộc chính quyền phải lưu tâm đến vấn đề này. Vào cuối tháng 12, khi thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng bất ngờ đến thăm đức Tổng giám mục Hà NộI Ngô Quang Kiệt, các giáo dân trước Tòa Khâm sứ, mọi người đã hy vọng là tranh chấp đất đai sẽ được giải quyết, nhưng cho tới nay chưa thấy có biện pháp gì cụ thể. Trước những linh mục và giáo dân vớI đức tin mạnh mẽ như vậy, nếu muốn tránh đàn áp thẳng tay gây đổ máu, chính quyền chắc là phải tìm cách giải quyết ổn thỏa vấn đề tranh chấp đất đai khu vực Tòa Khâm sứ, nhất là vì vụ này ngày càng thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.
Thanh Phương
(Ảnh : vietcatholic.net)

Thứ Hai, 28 tháng 1, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

THÁI LAN: Ổn định chính trị là ưu tiên hàng đầu của tân Thủ tướng

20/01/2008_ 16 tháng sau cuộc đảo chính không đổ máu do quân đội tiến hành, hôm nay, Thái Lan chính thức có một thủ tướng dân cử. Theo giới phân tích, thách thức lớn nhất đối với tân thủ tướng, ông Samak Sundaravej là nhanh chóng ổn định chính trị đất nước, điều kiện tiên quyết để phát triển kinh tế.

Tại Quốc hội Thái Lan, ông Samak, lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân đã có được 310 phiếu thuận trên tổng số 480 dân biểu bầu ông làm thủ tướng. Nhưng theo một cuộc thăm dò dư luận do trường đại học Assomption Bangkok thực hiện thì chỉ có 44,3% số người được hỏi ủng hộ ông Samark làm người đứng đầu chính phủ. Tại thủ đô Thái Lan, tỷ lệ này còn thấp hơn, do nhiệm kỳ bốn năm làm thị trưởng của ông không được xuôn xẻ cho lắm.

Trên đài phát thanh Úc, ABC, ông Thitinan Pongsudhirak, Giám đốc Học viện Nghiên cứu An ninh và Quốc tế, thuộc trường đại học Chulalongkorn, ở Bangkok, bầy tỏ mối lo ngại là với việc ông Samak làm thủ tướng, tình hình chính trị Thaí Lan có nguy cơ lại rơi vào một thời kỳ bất ổn định nữa, bởi vì ông Samak đang bị điều tra về tham nhũng, còn các tổ chức bảo vệ nhân quyền thì tố cáo tân thủ tướng Thái Lan trong quá khứ có dính líu đến các vụ đàn áp sinh viên.

Ông Samak, năm nay 72 tuổi, là một chính trị gia bảo thủ thuộc thế hệ già. Vào những năm 70 của thế kỷ trước, ông Samak là một trong những người kêu gọi mạnh mẽ chống lại phong trào đấu tranh của sinh viên. Cũng chính ông đã ủng hộ cuộc đàn áp đẫm máu hồi tháng 10 năm 1976, dẫn tới cuộc đảo chính sau đó. Là người có nhiều kinh nghiệm chính trị, từng nhiều năm làm dân biểu, ông Samak nổi tiếng với lối nói bộc trực, bất cần, chẳng có gì để mất và đây là một trong những lý do khiến giới nhiều chính trị gia Thái Lan không muốn gần gũi ông ta. Tuy nhiên, sau khi thủ tướng Thaksin bị lật đổ, thất thế, thì ông Samak lại được mời ra lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân, mà ai cũng biết đây là hậu thân của đảng Thai Rak Thai. ( đảng Thai Rak Thai do ông Thaksin lập ra và đã bị tư pháp Thái Lan giải thể hồi tháng năm năm ngoái )

Trong thời gian làm thị trưởng Bangkok từ năm 2000 đến 2004, ông Samak bị tố cáo có dính líu đến một số vụ bê bối tài chính, như vụ mua xe cứu hỏa cho thành phố. Hiện nay, tư pháp Thái Lan vẫn đang điều tra. Như vậy, nếu bị phán quyết là có tội, thậm chí phạm tội nghiêm trọng, thì ông Samak sẽ buộc phải từ chức.

Có một thực tế là trong gần hai năm qua, kinh tế Thái Lan đã bị chao đảo. Vào lúc khu vực châu Á có mức tăng trưởng trung bình khá cao, từ 7% trở lên, thì Thái Lan là quốc gia có chỉ số tăng trưởng thấp nhất trong khu vực, 4,5% trong năm ngoái. Bên cạnh sự bất ổn định chính trị, chính phủ lâm thời do giới tướng lãnh chỉ định đã không có khả năng đề ra các chính sách kinh tế, tài chính để phát triển đất nước. Ví dụ cụ thể nhất là vụ ngày 19 tháng 12 năm 2006, thị trường chứng khoán Bangkok bị sụt trấn động, sụt giảm tới 14,8% trong vòng có một ngày, sau khi Ngân hàng Trung ương Thái Lan thông báo chính sách kiểm soát nguồn vốn, với hy vọng ngăn chặn đồng bath tăng giá.

Câu hỏi mà giới quan sát hôm nay đặt ra là liệu chính phủ liên minh của ông Samak có đủ vững chắc để bảo đảm ổn định chính trị hay không ? Nói một cách khác, ông Samak có đủ khả năng làm thủ tướng hết nhiệm kỳ 4 năm hay không ?

Vào lúc tình hình kinh tế thế giới, đặc biệt là kinh tế Hoa Kỳ đang đứng trước nguy cơ suy thoái, thách thức lớn nhất đối với tân chính phủ Thái Lan là phải tái tạo lòng tin của giới doanh nhân và đầu tư, qua đó, phục hồi mức tăng trưởng của đất nước. Mục tiêu mà Ngân hàng Trung ương Thái Lan đề ra là có được từ 4,5 đến 6% tăng trưởng trong năm nay.
Đức Tâm
(Ảnh : www.nationmultimedia.com: Tân Thủ tướng Thái Lan Samak Sundaravej)

Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

INDONESIA: Suharto chết ... nhưng chưa hết gây tranh luận

27/01/2008_Tại Indonesia, cái chết của nhà cựu độc tài, tướng Mohammed Suharto đánh dấu sự mở đầu cuộc tranh luận về công và tội của nhân vật này.

Kể từ ngày 4 tháng giêng, khi nhà cựu độc tài Mohammed Suharto được đưa vào bệnh viện cứu cấp, công luận Indonesia xôn xao bàn tán về vai trò của ông trong suốt hơn 30 năm cầm quyền, từ 1967 đến 1998. Mấy tuần nay, khi tướng Suharto hấp hối, đa số các bài báo tại Indonesia bình luận về ông với nhiều thiện cảm, nhưng trong thực tế, di sản ông để lại đã bắt đầu bị xét lại. Nhiều người đòi hỏi phải làm sáng tỏ những trang sử đen tối của nước này, đặc biệt đợt thảm sát, ít nhất là nửa triệu người vào thập niên 60 và tệ nạn làm giàu bất chính đã khiến cho ông Suharto bị xem là nhà lãnh đạo tham nhũng nhất thế giới.

Theo báo Djakarta Post, số đề ngày 25 tháng giêng vừa qua, việc thông tin một chiều về sự kiện Suharto thập tử nhất sinh là một chiến dịch đánh lạc hướng dư luận. Theo ông Heru Hendratmoko, thuộc Liên minh các Phóng viên Độc lập, nhiều người đã lợi dụng tình trạng sức khỏe bi đát của tướng Suharto để đánh vào tình cảm, thúc đẩy sự tha thứ. Mục tiêu tối hậu là tẩy xóa những tội ác của Suharto. Nhiều thế lực vô hình đã cố tình nhắc lại « nghĩa tử nghĩa tận » để che đậy cho cố tật đã ăn sâu vào đời sống chính trị nước này là phủi tay, không chịu trách nhiệm về những tội ác đã gây nên.

Điều chắn chắn là kể từ ngày hôm nay, Suharto không còn nữa. Một nhà bình luận người Indonesia, Julia Suryakusuma, gần đây đã viết trên nhật báo International Herald Tribune : Cái chết của Suharto sẽ là cơ hội để nước này đối mặt với những sự im lặng đè nặng 40 năm qua. Nguyên nhân là vì khi còn sống, ông Suharto không muốn trả lời về vai trò của ông trong vụ sát hại từ 500 ngàn đến 1 triệu người, giai đoạn 1965 đến 1966, trong các đợt thanh trừng « cộng sản » tại Indonesia. Cũng vì lý do này, khoảng một triệu người đã bị cầm tù. Theo tướng Suharto, chính quyền ngăn chặn một vụ đảo chính do người cộng sản mưu toan thực hiện.

Thế nhưng, theo các nhà bảo vệ nhân quyền, tất cả các tình huống chung quanh việc này, cũng như các tác giả vụ thảm sát quy mô như trên, cho đến nay vẫn bị chìm vào quên lãng. Theo họ, chính quyền thường đưa ra lập luận không nên đào bới trong quá khứ, để tìm cách tránh né một cuộc điều tra nghiêm túc, có thể dẫn đến nhiều tiết lộ long trời lở đất, ví dụ như vai trò của các tổ chức Hồi giáo trong các đợt thanh trừng, các vụ vi phạm nhân quyền hàng loạt của quân đội Indonesia và quan trọng nhất là các phát hiện, nếu xẩy ra, có thể đe dọa đến tính chính đáng của tướng Suharto. Xin nhắc lại ông đã lật đổ Sukarno lên nắm chính quyền, sau các vụ thảm sát kể trên, nhân danh công cuộc bài trừ cộng sản. Nhiệm vụ của các nhà sử học cũng như của xã hội công dân, theo các tổ chức nhân quyền Indonesia là thiết lập các ủy ban điều tra, theo kiểu Ủy ban Sự thật và Hoà giải ở Nam Phi, để có thể đặt nền móng chắc chắn cho nền dân chủ nước này. Bên cạnh đó, việc tướng Suharto và gia đình bị cáo buộc đã biển thủ ít nhất từ 15 đến 35 tỷ $, theo tổ chức Transparency International, ngày nay vẫn còn đợi các toà án và các điều tra viên đưa ra kết luận.

Ngược lại với sự mong đợi của một phần không nhỏ trong xã hội Indonesia, phe bênh tướng Suharto nhấn mạnh đến thành quả phát triển đất nước, mà hơn 30 năm cầm quyền của ông đã mang lại cho Indonesia. Ở đây, cần nhắc đến những lời tuyên dương công trạng cho Suharto đến từ cửa miệng ông Lý Quang Diệu, cựu lãnh đạo Singapor : « Nhất tướng công thành vạn cốt khô ». Thế hệ các vị cha già dân tộc như Suharto và Lý Quang Diệu quả đã để lại dấu ấn đậm nét trong khu vực. Nhưng trong điều kiện mới, rất có thể là mai đây, di sản Suharto để lại sẽ là hình ảnh một trong những lãnh tụ độc tài và thối nát bậc nhất thế kỷ 20.
Bảo Thạch
(Ảnh : AFP)

Thứ Bảy, 26 tháng 1, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

PHÁP : Bí ẩn quanh vụ Société Générale mất 5 tỷ €

26/01/2008_ Làm sao chỉ một nhân viên giao dịch mà có thể làm cho ngân hàng lớn hàng thứ ba nước Pháp bị lỗ gần 5 tỷ € ? Đó là câu hỏi mà các nhà phân tích và các nhà điều tra đang cố tìm hiểu.

Như chúng tôi đã loan, hôm thứ năm vừa qua, ban giám đốc ngân hàng Société Générale đã làm giới tài chính cả thế giới kinh ngạc sững sờ khi loan báo bị lỗ tổng cộng 7 tỷ €, trong đó có 2 tỷ bị mất do tác động của cuộc khủng hoảng tín dụng địa ốc tại Mỹ và 4,9 tỷ bị mất do hành vi bị coi là ''lừa đảo'' trong nội bộ. Jérôme Kerviel, 31 tuổi, nhân viên của ngân hàng từ năm 2000, bị coi là thủ phạm duy nhất trong vụ này. Cụ thể, anh bị tố cáo là đã qua mặt toàn bộ hệ thống kiểm soát của Société Générale để che dấu những giao dịch tổng cộng lên tới hàng chục tỷ €. Cho dù dường như là Jérôme Kerviel không thu lợi cá nhân, nhưng anh ta đã bị cho nghỉ việc và đã bị ngân hàng đệ đơn kiện.

Trong khuôn khổ cuộc điều tra, cảnh sát Pháp hôm qua đã khám xét trụ sở của ngân hàng Société Générale và nhà riêng của Jérôme Kerviel. Thế nhưng nhiều chuyên gia đã tỏ vẻ nghi ngờ lời tố cáo của ban giám đốc Société Générale, vì họ không tin là một cá nhân riêng lẻ có thể gây thiệt hại hàng tỷ €. Nhật báo kinh tế La Tribune đã đặt câu hỏi : '' Làm sao một ngân hàng tầm cỡ như thế, vốn được khen là dày dặn kinh nghiệm thị trường, lại có thể đi đến tình trạng này ? Vì sao phải mất nhiều thời gian như thế mới phát hiện ra tầm mức của thiệt hại ? ''

Ban giám đốc ngân hàng Société Générale giải thích rằng Jérôme Kerviel đã qua mặt được các hệ thống kiểm soát vì anh ta là một ngườI cực kỳ giỏi về tin học. Thế nhưng, trường đại học Lyon, nơi mà Jérôme Kerviel tốt nghiệp cử nhân, mô tả anh chỉ là một học sinh hạng trung bình, chẳng có gì là xuất sắc. Một số nhà phân tích nghĩ rằng, ngân hàng Société Générale đổ hết lỗi cho Kerviel nhằm khoả lấp những khoản lỗ do tác động của cuộc khủng hoảng tín dụng điạ ốc tại Mỹ. Trong giới chính trị, ngay cả cố vấn của tổng thống Nicolas Sarkozy cũng đặt nghi vấn về khả năng một người có thể huy động đến hàng chục tỷ € trong các giao dịch mà không bị hệ thống kiểm soát phát hiện.

Thủ tướng François Fillon hôm qua đã yêu cầu bộ Tài chính Pháp trong vòng tám ngày phải nộp bản báo cáo để làm sáng tỏ vụ này. Uỷ ban điều tra của Thượng viện Pháp dự trù là vào thứ tư tới sẽ mời thống đốc Ngân hàng Trung ương Pháp và các lãnh đạo khác của ngành ngân hàng ra điều trần. Phe đối lập cánh tả thì đòi phải đưa vấn đề ra trước Quốc hội để thảo luận. Trước mắt, các nhà lãnh đạo Pháp, mà đầu tiên là tổng thống Sarkozy, hôm qua, đã trấn an hàng triệu khách hàng của Société Générale và cộng đồng quốc tế là hệ thống tài chính của Pháp vẫn rất vững chắc. Nhưng rõ ràng là khi nào những bí ẩn nói trên chưa được giải tỏa thì khó mà đặt tin cậy trở lại vào các ngân hàng Pháp.
Thanh Phương
(Ảnh : Reuters : Jerôme Kerviel – người bị cáo buộc làm thất thoát 5 tỷ € của ngân hàng Société Générale)

Thứ Sáu, 25 tháng 1, 2008

ĐIỂM PHIM : Sắc / Giới - Lust, Caution

''SẮC / GIỚI" hay "KHI NGƯÒI ĐÀN BÀ PHÁT HIỆN RA CHÍNH MÌNH"
Bảo Thạch điểm bộ phim của đạo diễn gốc Đài Loan Lý An.

Đây là một bộ phim hay, đẹp, độc đáo, hiếm thấy trong điện ảnh châu Á. Câu chuyện quả là hấp dẫn, chỉ đạo diễn viên tuyệt hảo, thông điệp của tác phẩm lại sâu sắc. Chả vậy mà nhờ vào Sắc/Giới, đạo diễn Lý An đã chiếm được lần thứ nhì Sư Tử Vàng Liên hoan Venise.

Dưới hình thức một câu chuyện điệp viên, Sắc/Giới nói về sự tỉnh ngộ của thiếu nữ họ Vương. Trong thời kỳ quân đội Nhật Hoàng chiếm đóng Trung Quốc, cuối những năm 30 thế kỷ 20, cô gái Vương Giai Chi gia nhập một đoàn kịch nói của sinh viên tại đại học Hồng Kông. Vương Giai Chi tỏ ra xuất sắc trong vai anh hùng, để đánh thức tinh thần dân tộc, kêu gọi kháng Nhật cứu quốc.

Thế rồi sân khấu hòa nhập làm một với cuộc đời. Vương Giai Chi tham gia một hội kín của sinh viên, mưu đồ ám sát một tên mật thám Trung Hoa đã phản bội tổ quốc để cộng tác với đạo quân chiếm đóng của Nhật Hoàng. Đối tượng của họ, kẻ cõng rắn cắn gà nhà, mang tên là Dịch tiên sinh. Nhóm sinh viên nảy ra ý định sử dụng mỹ nhân kế, để cô gái Vương Giai Chi gài bẫy tên phản nước hại dân.

Về phần mình, Vương Giai Chi sẵn sàng hiến dâng trinh tiết vì đại nghĩa. Cô gái đầy lý tưởng và lãng mạn này, cũng như những người bạn trẻ cùng lứa, dấn thân vào một cỗ máy oan nghiệt mang tên là Lịch sử, mang tên là Cách mạng, một cách thản nhiên, như thể họ diễn xuất một màn kịch đã được viết sẵn. Thế nhưng cuộc sống thì đầy bí ẩn, không một kịch bản nào dự phóng được tất cả những bất trắc.

LẬT NGƯỢC THẾ CỜ

Tác phẩm Sắc/Giới dài 2 tiếng rưỡi. Phần đầu của bộ phim mô tả Trung Quốc trong thời kỳ tao loạn. Được quay tại Thượng Hải, Malaysia và Hồng Kông, đạo diễn Lý An đã dàn dựng lại bức tranh hoành tráng trong đó con người chỉ mang trách nhiệm với lịch sử. Ở đây, con mắt của đạo diễn Lý An vương vấn hoài niệm vể những thế hệ cha anh dũng cảm, nhưng không thể thoát khỏi sự gò bó và nỗi vinh nhục của xã hội đương thời.

Phần thứ nhì của bộ phim tập trung vào mối liên hệ phức hợp giữa Vương Giai Chi và Dịch tiên sinh. Từ hai cực đối lập, đầy ngờ vực và dối trá thâm độc - nàng thì muốn giết kẻ địch, chàng chỉ nhằm cướp đoạt thể xác người đàn bà - cuộc tiếp xúc tình dục giữa đôi bên mau chóng vượt ra khỏi mọi tính toán ban đầu và biến đổi tâm trạng của cả hai người.

Ở phần này, những màn ái ân đắm đuối được lột tả trước ống kính một cách mãnh liệt lạ thường. Có ba đoạn phim rất nóng, thuần sex, nhục dục trần trụi. Đây lại là ba màn cần thiết cho bố cục câu chuyện, dự báo chuyển biến nội tâm của nhân vật. Ba đoạn phim này nói lên dục vọng có thể mở đường cho những tình cảm mới, cho một nhân cách mới.

Vương Giai Chi sững sờ bàng hoàng nhận ra là nàng có thể che mắt thiên hạ, nhưng không đánh lừa được chính mình. Bên cạnh Dịch tiên sinh, từng tế bào cơ thể cô gái như bừng sáng, các cánh cửa giác quan như được mở rộng. Mọi ngộ nhận sụp đổ. Trong tâm hồn Vương Giai Chi, đối diện với chính mình là sự thật của người đàn bà vừa phát hiện được bản thể. Từ bi cảnh này, Vương Giai Chi đã làm trượt khỏi đường ray mọi quy ước của cộng đồng xã hội. Điều gợi cảm nhất, được thể hiện vào phần kết của bộ phim, là ngọn lửa bập bùng trong khóe mắt của thiếu phụ, như thể lần đầu tiên nàng thực nghiệm cái lẽ sinh tồn. Bởi vì, người ta chỉ nhìn được cái người ta hiểu. Khán giả cũng vậy. Nỗ lực chiếm được con mắt nhân sinh này, đó là thành công vượt bậc của đạo diễn Lý An và của nữ diễn viên Thang Duy.
25/01/2008

MỜI QUÝ VỊ NGHE TẠP CHÍ










TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

HOA KỲ: G.Bush và phe Dân chủ đồng thuận phục hồi kinh tế

25/01/2008_Kế hoạch phục hồi kinh tế của Mỹ tạo ra tâm lý thuận lợi trong nhất thời, nhưng chưa đẩy lùi nguy cơ suy thoái.

Kế hoạch kích thích kinh tế mà tổng thống George Bush và phe đối lập Dân chủ vừa đạt được đồng thuận hôm qua đã được thị trường tài chính đón nhận như một luồng gió mới. Khắp nơi từ Âu sang Á, các sàn trao đổi chứng khoán đều khởi sắc. Nhưng giới phân tích cảnh báo là kế hoạch này sẽ chậm mang lại kết quả và do vậy cường quốc kinh tế số một khó tránh được tình trạng suy thoái.

Theo nhận định của giáo sư kinh tế Peter Morici, đại học Maryland, thì cho tiền người tiêu dùng để họ đi mua sắm là giải pháp hay nhất để vực dậy kinh tế. Khởi đi từ quan điểm này, Nhà Trắng và Quốc hội Mỹ thỏa thuận với nhau tung ra một dự án kích thích kinh tế 150 tỷ đô la. Phần lớn của số tiền khổng lồ này dùng để giảm thuế cho người dân có lợi tức thấp và bớt gánh nặng thuế má cho các công ty xí nghiệp.

Mục tiêu là làm sao 117 triệu công dân Mỹ có tiền ngay từ 300 đến 1200 đô la để tiêu xài, để tăng khả năng mua sắm. Những người nghèo thuộc thành phần không đóng thuế cũng nhận được chi phiếu trong vài tuần lễ tới đây. Phải nói thêm là liều thuốc vitamine này đã từng được sử dụng một lần trong nhiệm kỳ đầu của tổng thống Bush năm 2001 và đã giới hạn được quy mô suy thoái kinh tế Mỹ lúc bấy giờ. Lần này, Washington cũng đưa ra được một chương trình cứu nguy rất cụ thể, công bố đúng lúc, tức là ngay sau khi bộ Tài chính giảm lãi xuất chỉ đạo ở mức kỷ lục 0,75%.

Kinh tế gia độc lập Bernard Baumohl nhận định : Giải pháp vực dậy kinh tế được tung ra một cách khẩn cấp, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo chính trị và kinh tế mọi khuynh hướng, làm cho người dân tin tưởng hơn vào tương lai. Họ yên tâm tiêu dùng để kích động cỗ máy kinh tế quốc gia.

Vấn đề là không chắc là người dân Mỹ sẽ tiêu hết tiền giảm thuế. Có nhiều khả năng họ sẽ gởi một phần vào quỹ tiết kiệm và để trả những món nợ đang thiếu. Nhiều nhà phân tích lưu ý là phải mất một thời gian, sớm lắm là đến mùa hè, ngân phiếu của chính phủ mới tới tay người dân vì hiện nay sở thuế rất bận rộn. Bây giờ là mùa khai thuế, nhân viên sở thuế không đủ thời giờ để tính coi phải hoàn cho mỗi công dân bao nhiêu tiền. Nói cách khác, toa thuốc chống khủng hoảng của hành pháp và lập pháp Hoa Kỳ không thể mang lại thành tựu nhanh chóng như mong đợi. Lawrence Mishel, kinh tế gia thuộc viện Chính sách Kinh tế - Economic policy institut- cũng như Robert Greenstein, chủ tịch Trung tâm Ngân sách và Chính sách Ưu tiên - Center on Buget and Policy Priorities - lấy làm tiếc là chính phủ không tăng trợ cấp thất nghiệp và phân phát phiếu mua thực phẩm. Đây mới là giải pháp gây hiệu năng tức thời.

Tóm lại, những biện pháp kích thích tăng trưởng của Hoa Kỳ đã tức khắc tạo được xung lực trên các thị trường chứng khoán thế giới, xóa bớt âu lo sau hai ngày tuột dốc liên tục. Tại Á châu, người ta chờ đợi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ quyết định bớt 1/4 điểm lãi suất chỉ đạo vào tuần tới, để kích thích mạnh mẽ hơn nữa lãnh vực tài chính và bất động sản. Nhưng một nhà chiến lược kinh tế của tập đoàn Hồng Kông Sun Hung Kai cảnh báo là thị trường tài chính thế giới còn rất mong manh. Chỉ cần một tin xấu thôi cũng đủ làm cho tình trạng tuột dốc tái diễn. Nói cách khác, nguy cơ suy thoái kinh tế vẫn rình rập cường quốc số môt.
Tú Anh
(Ảnh : Reuters : Tổng thống George Bush và bộ trưởng Ngân khố Henry Paulson, tại phòng Bầu dục ở Nhà Trắng, ngày 17/01/2008)

Thứ Năm, 24 tháng 1, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

HÀN QUỐC: Nhà nước sám hối

24/01/2008_ Nhà nước Hàn Quốc xin lỗi quốc dân về những vụ thảm sát tập thể thời chiến tranh Triều Tiên cách nay hơn nửa thế kỷ.

Tôi, với tư cách là Tổng thống và nhân danh ngưòi dân Hàn Quốc, thành thật xin lỗi về những hành vi phi pháp do nhà nước Hàn Quốc thời ấy tiến hành. Tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun đã tuyên bố như trên trong một thông điệp truyền hình gởi đến những người tham dự một buổi lễ tại Ulsan, một thành phố ở miền đông nam để tưởng niệm hàng trăm nạn nhân bị cảnh sát Nam Hàn tàn sát vào thời kỳ đấu cuộc chiến tranh Triều Tiên năm 1950 - 1953.

Theo Ủy ban Sự thật và Hòa giải Hàn Quốc, định chế tổ chức lẽ tưởng niệm ngày 24/01/2008, riêng tại Ulsan, đã có đến 870 thường dân bị hành quyết mà không cần xét xử trong hai tháng 7 và 8 năm 1950, khi cuộc chiến tranh Nam Bắc bắt đấu. Đây chỉ là một phần nhỏ trong số ít ra là 250 000 người Nam Hàn bị thảm sát chỉ vì bị tình nghi là thiên tả hay thân cộng vào thời điểm lực lượng Bắc Hàn tràn xuống miền Nam. Tác giả các vụ hành quyết là các sĩ quan quân đội hồi hưu, lực lượng công an, cảnh sát hay dân quân Nam Hàn. Cho đến nay, số lượng chính xác và chính thức về các nạn nhân chưa hề được xác định. Con số hơn 250 ngàn nói trên chỉ là ước tính nêu lên trong một công trình nghiên cứu vào năm 2005 của Uỷ ban Nhân quyền Quốc gia Hàn Quốc.

Ủy ban Sự thật và Hoà giải Hàn Quốc là một định chế độc lập, được thành lập vào năm 2005 để điều tra vể những vụ hành quyết tập thể xẩy ra vào thời cuộc chiến tranh Triều Tiên. Cho đến nay, Uỷ ban này đã khai quật được hài cốt của khoảng 400 người tại 4 trên tổng số 160 mồ chôn tập thể trên toàn lãnh thổ Hàn Quốc.

Gọi đấy là những vụ thảm sát hoàn toàn không phóng đại chút nào cả. Công cuộc khai quật cho thấy rõ những bộ xương người chồng chất lên nhau trong những cái hào đào trên sườn đồi hay trong những hầm mỏ lấy lội ẩm ướt. Người nào cũng bị một vết dạn bắn vào sau gáy. Một bác sĩ pháp y chịu trách nhiệm giảo nghiệm các hài cốt khai quật được đã mô tả một số cảnh hành hình như sau : Các nạn nhân tay trói quật sau lưng, bị buộc phải quỳ gối bên bờ hào trước khi bị bắn và xác bị xô xuống hố.

Khi cho thành lập Ủy ban Sự thật và Hòa giải này, tổng thống Hàn Quốc Roh Moo-hyun, nguyên là một luật sư đấu tranh bảo vệ nhân quyền, đã xác định mục tiêu của Ủy ban là hoàn tất một tiến trình hoà giải thực thụ trong dân tộc Triều Tiên bằng cách tìm ra sự thật, giảm nhẹ nỗi phẫn nộ của những người bị đối xử oan ức và khôi phục danh dự cho họ.

Vấn đề tại Hàn Quốc, cũng như ở nhiều nước khác từng bị lâm vào cảnh huynh đệ tương tàn, là không phải ai cũng hài lòng với việc tìm ra sự thật. Ở Hàn Quốc, vấn dề các vụ thảm sát thành phần bị tình nghi thiên tả vào đầu thập niên 50 đặc biệt khó khăn do việc trong hàng chục năm trước đây, nước này do các chế độ cánh hữu hay quân sự điều hành, mà những chính quyền này không hề muốn làm sáng tỏ sự thật về những vụ việc dính líu đến họ. Ngay cả hiện nay, một số báo chí bảo thủ thân hữu tại Hàn Quốc cũng tỏ ý hoài nghi về công việc của Ủy ban Sự thực và Hoà giải.

Tuy nhiên, theo một thành viên Ủy ban, phụ trách việc khai quật, thì ý nghĩa việc làm của họ rất lớn. Trong một xã hội Khổng giáo, vấn đế chăm sóc mồ mả người quá cố là một việc phải làm. Mặt khác, Hàn Quốc phải xứng đáng với giá trị nhân quyền mà nước này xem trọng.
Trọng Nghĩa
(Ảnh : www.korea-is-one.org: Tàn sát tại Triều Tiên – tranh Picasso)

Thứ Tư, 23 tháng 1, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

KHỦNG HOẢNG CHỨNG KHOÁN: Khách mời giờ chót tại Diễn đàn Davos

23/01/2008_ Diễn đàn kinh tế thế giới khai mạc hôm nay tại Davos, Thụy sĩ, thu hút khoảng 2500 khách mời. Từ nay cho đến ngày 27 tháng giêng, Davos dự trù tập họp được 27 nguyên thủ và thủ tướng, 113 bộ trưởng, nhiều vị lãnh đạo định chế quốc tế, 1370 nhà doanh nghiệp, trong số này có 74 đại diện thuộc 100 tập đoàn sừng sỏ nhất hành tinh.

Có thể xác định rằng tất cả các quan khách tại Davos sẽ không tránh khỏi việc đối mặt với chủ đề đang choáng ngợp giới lãnh đạo toàn cầu : Đó là khủng hoảng tài chính và chứng khoán đe dọa, đẩy Hoa Kỳ vào vực suy thoái kinh tế.

Các nhà phân tích đánh giá là Davos năm nay chắc chắn sẽ ảm đạm và bi quan hơn hẳn năm ngoái. Chẳng những giới quyết định chính sách trên hành tinh không khỏi bị lo lắng nhiều với tác động dây chuyền từ Hoa Kỳ lan sang các lục địa khác, mà hơn nữa, họ phải học tập trở lại đức tính khiêm tốn. Số là Davos năm ngoái bất lực, không dự báo nổi khủng hoảng tín dụng địa ốc tại Hoa Kỳ, nguyên nhân chủ yếu của vấn nạn chứng khoán ngày nay. Tình hình nguy ngập đến mức bộ trưởng tài chính Mỹ ông Henry Paulson đã hủy bỏ dự định bay sang Davos, để có thể ở lại Hoa Kỳ, tập trung vào công việc triển khai kế hoạch chỉnh đốn kinh tế vừa được Tổng thống George Bush công bố, cho dù việc cắt giảm lãi suất cực kỳ ngoạn mục của Ngân hàng Trung Ương Mỹ hôm qua, ở mức 0,75 %, đã ngăn chặn được đà tụt dốc của các thị trường chứng khoán, triển vọng kinh tế thế giới năm 2008 đã mờ nhạt hẳn đi sau mấy ngày hoảng loạn vừa qua và mối ngờ vực chung nẩy sinh về một tương lai bấp bênh. Phải chăng Davos từ thái cực này chuyển sang thái cực khác.

Chủ tịch diển đàn Davos, ông Klaus Schwab, cảnh báo mọi người nên thận trọng để đừng rơi vào tinh thần bi quan quá mức. Theo ông, thế giới không ở trong tình hình suy thoái khi mức độ tăng trưởng từ 5% năm 2007, vẫn được duyệt lại ở mức 3,5% vào năm nay.

CỨU TINH ĐẾN TỪ CÁC NƯỚC ĐANG CẤT CÁNH

Không thiếu các nhà kinh tế tại Davos đang đặt kỳ vọng vào châu Á và vào các nước đang cất cánh như Trung Quốc, Ấn Độ , Brazil và Nga. Theo AFP, nhiều chủ đề thảo luận tại Davos năm nay xoay quanh câu hỏi liệu các nước đang vươn lên có đủ tầm vóc đóng vai trò đầu tàu cho kinh tế thế giới hay không ? Hiện nay, quy mô cuộc khủng hoảng tại Hoa Kỳ cũng như nguy cơ suy thoái của kinh tế Mỹ vẫn mang nhiều ẩn số. Các nhà phân tích chưa xác định được rõ ràng tác hại có thể xẩy ra đối với các nước đang cất cánh. Nhưng họ vẫn còn lạc quan đối với triển vọng phát triển của bộ tứ, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và Nga.

Trong nhật báo Le Monde, số ra ngày hôm nay, một nhà phân tích thuộc Ngân hàng BARING dự báo, trong kịch bản đen tối nhất, việc kinh tế Mỹ suy sụp sẽ làm cho Trung Quốc mất đi khoảng 2 điểm tăng trưởng mà thôi. Như vậy, chàng khổng lồ châu Á này vẫn đạt được ít nhất là 8% cho năm nay. Nhà kinh tế Eric Chaney, thuộc ngân hàng Morgan Stanley kết luận : 2008 không phải là thời điểm tận thế, vẫn còn các đầu tàu kinh tế vận hành tốt. Hết lời dẫn. Đây cũng là hy vọng cuối cùng của Diễn đàn Davos, khi Hoa Kỳ và châu Âu chưa nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm.
Bảo Thạch
(Ảnh : Reuters : Klaus Schawb, người đưa ra sáng kiến lập Diễn đàn kinh tế thế giới vào năm 1971 nhằm « thay đổi thế giới »)

Thứ Ba, 22 tháng 1, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

CHÂU Á : Thị trường chứng khoán hoảng loạn

22/01/2008_ Nguy cơ suy thoái kinh tế Hoa Kỳ gây làn sóng hoảng loạn trên các thị trường chứng khoán châu châu Á.

Các thị trường chứng khoán châu Á hôm nay tiếp tục sụt giảm mạnh do các nhà đâu tư ngày càng lo ngại trước nguy cơ kinh tế Hoa Kỳ bị suy thoái. Cũng như ở những khu vực khác trên thế giới, các nhà đầu tư châu Á vẫn chưa cảm thấy yên tâm, mặc dù tổng thống George Bush thứ sáu vừa qua đã loan báo một kế hoạch 140 tỷ đôla phục hồi kinh tế. Họ cũng không tin tưởng vào hiệu quả của biện pháp giảm lãi suất mà Ngân hàng Trung ương Hoa Kỳ có thể sẽ loan báo. Theo lời một nhà phân tích tài chính tại Tokyo, trừ phi chính phủ Mỹ dùng tiền công quỹ để giải quyết cuộc khủng hoảng tín dụng địa ốc, mối lo ngại về nguy cơ khan hiếm tín dụng sẽ vẫn còn đó. Còn theo lời phó chủ tịch công ty South China Securities ở Hồng Kông, mọi người ngày càng lo ngại là tình trạng kinh tế trì trệ ở Hoa Kỳ sẽ lan ra những khu vực khác, mà trước hết là đến những quốc gia phụ thuộc nhiều nhất vào thị trường Mỹ, đặc biệt là Nhật Bản.

Thống đốc Ngân hàng trung ương Nhật Bản hôm nay nhìn nhận là việc thị trường chứng khoán sụt giảm mạnh có thể gây phương hại cho toàn bộ nền kinh tế nước này. Tính từ đầu năm đến nay, chỉ số Nikkei của thị trường Tokyo đã sụt gần 18%, chủ yếu là do mối lo ngại suy thoái kinh tế Hoa Kỳ và do đồng yen tăng giá trở lại so với đồng đô la. Đây là hai yếu tố có thể gây tác hại nặng nề cho ngoại thương Nhật Bản. Cuộc khủng hoảng tài chính thế giới xảy ra vào lúc mà mức đầu tư địa ốc ở Nhật Bản đang sút giảm, khiến chính phủ đã phải hạ thấp mức dự báo tăng trưởng kinh tế. Tuy thủ tướng Fukuda hôm nay kêu gọi giới đầu tư giữ bình tĩnh, thế nhưng hiếm có nhà kinh tế nào chia sẽ thái độ lạc quan của ông, bởi vì tăng trưởng kinh tế của Nhật Bản tuỳ thuộc vào mức tiêu thụ ở bên ngoài, nhất mức tiêu thụ ở thị trường Hoa Kỳ. Không chỉ đối với Nhật Bản, mà Hoa Kỳ còn là khách hàng lớn của nhiều quốc gia châu Á khác.

Tuy vậy, nhiều nhà đầu tư hiện vẫn tin tưởng là cơn bão thị trường chứng khoán hiện nay rồi sẽ qua đi nhờ sự kháng cự hai cường quốc kinh tế khu vực là Trung Quốc và Ấn Độ, vốn đang có mức tăng trưởng rất mạnh. Một số nhà phân tích cũng vẫn lạc quan tin rằng, cho dù Hoa Kỳ có bị suy thoái thì kinh tế châu Á sẽ tiếp tục tăng trưởng mạnh. Cụ thể là cho dù xuất khẩu sang thị trường Mỹ có giảm đi thì các nước châu Á vẫn có thể sử dụng các nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ để tài trợ cho các chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng và qua đó giữ cho nền kinh tế tiếp tục tăng trưởng đều đặn.

Nhưng trước mắt, tại Trung Quốc, thị trường chứng khoán Thượng Hải hôm nay vẫn không tránh được cơn sốt toàn cầu, sụt thêm hơn 7 % vào giờ đóng cửa, sau khi đã mất hơn 5% trong ngày hôm qua . Tại Ấn Độ, thị trường chứng khoán Bombay còn tệ hại hơn, hôm qua đã sụt hơn 7%, còn hôm nay có lúc đã mất gần 10%, khiến các nhà quản lý phải tạm đình chỉ phiên giao dịch trong một tiếng đồng hồ. Khi giao dịch được mở lại, thị trường Bombay vẫn bị sụt hơn 6%. Sự sụt giảm của hai thị trường chứng khoán nói trên có thể sẽ tác động dây chuyền, làm tăng thêm tâm lý lo ngại nơi các thị trường khác, nhất là bây giờ người ta đang sợ rằng đến lượt Trung Quốc sẽ bị ảnh hưởng lây bởi cuộc khủng hoảng tín dụng điạ ốc tại Mỹ.
Thanh Phương
(Ảnh : www.latribune.fr)

Thứ Hai, 21 tháng 1, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

THAKSIN SHINAWATRA: Đường hồi hương còn nhiều trắc trở

21/01/2008_ Hôm nay, Quốc hội mới cuả Thái Lan khai mạc trong bối cảnh ảng Quyền lực Nhân dân thân Thaksin chuẩn bị liên minh nắm chính quyền. Vào ngày thứ sáu sắp tới, lãnh đạo đảng này, ông Samak Sundaravej có khả năng được Quốc hội bầu lên làm thủ tướng.

Thoạt nhìn thì việc phe thân Thaksin Shinawatra trở lại nắm chính quyền sẽ tạo nhiều điều kiện thuận lợi cho cựu thủ tướng về nước. Tuy vậy, các nhà phân tích đánh giá, việc ông Thaksin hồi hương sẽ còn gặp nhiều trở ngại.

AFP, trích dẫn nhà bình luận Sukhum Chaleysub, thuộc đại học Rajabhat Suan Dusit, nhận định : « Chưa có gì bảo đảm chắc chắn cho ông Thaksin về nước ». Hiện nay, ông Thaksin và phu nhân đang bị điều tra về tội danh tham nhũng. Ngành tư pháp, trong thời kỳ vừa qua khi quân độ kiểm soát chính quyền, đã phong toả một khoản tài sản cuả Thaksin lên đến 2 tỷ đô la. Bản án tù giam đối với Thaksin vẫn là một lưỡi kiếm treo lơ lửng trên đầu cựu thủ tướng này, ngày nào mà ngành tư pháp Thái Lan chưa kết thúc hai cuộc điều tra liên quan đến các tội danh tham nhũng kể trên.

Do đó, theo các nhà phân tích, chưa thể xác định vào thời điểm nào ông Thaksin có cơ may trở về Bangkok. Về phần mình, thủ tướng lưu vong Thaksin đã hy vọng có thể rời Luân Đôn, tái xuất giang hồ tại Thái Lan vào tháng tư sắp tới. Nhưng theo chuyên gia Thitinan Pongsudhirak, thuộc đại học Chulalongkorn cuả Bangkok, thì ván bài còn tiếp tục. Tất cả còn tùy thuộc vào các cuộc thương lượng bên trong hậu trường sân khấu chính trị. Theo nhà phân tích này, đành là cựu thủ tướng Thaksin đã thắng một bước quan trọng qua cuộc bầu cử Quốc hội vừa rồi, tuy nhiên, ông Thaksin vẫn còn cần phải xoa dịu các lực lượng quân đội trung thành với Hoàng Cung. Theo ông Thitinan, phe chống Thaksin vẫn nắm trong tay nhiều lá bài.

Đây cũng là ý kiến cuả một nhà nghiên cứu có uy tín về Thái Lan, ông Chris Baker. Theo ông, hiện nay, các vị tướng trong quân đội Thái đã từng lật đổ Thaksin, sẽ kiên nhẫn trong thời gian đầu để theo dõi nhất cử nhất động cuả đối thủ. Nhưng họ sẽ không chịu trao trả hoàn toàn quyền lực vào tay chính phủ dân cử. Ông Baker nhắc lại là Hạ viện Thái vừa được bầu, dẫu sao cũng bị đặt dưới quyền kiểm soát gắt gao cuả Thượng viện, nơi mà quân đội và phe chống Thaksin đã củng cố được ảnh hưởng cuả mình. Luật chơi này được ghi trong Hiến pháp mới thông qua năm ngoái qua trưng cầu dân ý.

Nhìn chung, Thaksin Shinawatra sẽ còn vất vả trước khi vận hội mới xuất hiện.

Trong khi đó, theo nhật báo Thái Lan The Nation, số đề ngày hôm qua, bất ổn sẽ còn kéo dài, bởi vì các nguồn tin thân cận với lãnh đạo Samak Sundaravej, lãnh tụ đảng Quyền lực Nhân dân thân Thaksin cho biết rằng chính phủ mới sẽ đặt ưu tiên vào việc cải tổ Hiến pháp năm 2007 để dọn đường cho một cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn trong vòng 24 tháng. Nếu quả như vậy, thì chẳng những Thaksin Shinawatra sẽ còn phải giải đáp nhiều ẩn số, mà toàn nước Thái Lan sẽ còn bất bênh, chưa thể hoà giải.
Bảo Thạch
(Ảnh : AFP : Cựu thủ tướng Thaksin Shinawatra)

Chủ Nhật, 20 tháng 1, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

BẦU CỬ TỔNG THỐNG SERBIA : Cử tri phải lựa chọn giữa phe thân Nga và xu hướng xích lại gần châu Âu

20/01/2008_ Ngày hôm nay, Serbia bầu tổng thống trong bối cảnh lãnh thổ Kosovo nay mai tuyên bố độc lập đã trở thành điều chắc chắn như đinh đóng cột.

Do đó mà việc chọn mặt gửi vàng của cử tri tại vòng một bầu cử tổng thống Serbia mang một ý nghĩa trọng đại đối với tương lai nước này, giữa hai ứng cử viên sáng giá nhất. Ông Boris Tadic, tổng thống mãn nhiệm, là nhân vật được đánh giá là thân châu Âu, trong khi đó, đối thủ đáng gờm nhất của ông là Tomislav Nikolic, theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan, chủ trương Serbia nên ngả theo Liên bang Nga.

Hai hồ sơ bao trùm khắp chiến dịch vận động tranh cử, đó là hồ sơ Kosovo và xích lại gần với Liên hiệp châu Âu. Bề ngòai hai chủ đề trên có không liên quan trực tiếp với nhau nhưng lại đan xen nhau.

Ở Serbia, tổng thống không có quyền hạn bằng thủ tướng, nhưng vai trò mang tính biểu tượng của tổng thống lại thúc đẩy định hướng chính trị. Vì thế mà việc lựa chọn tổng thống trong tưong lại mang tính quyết định đối với Serbia. Cho dù giới chính trị có nói gì thì giai đọan phân rã cuối cùng của Liên bang Nam tư cũ đã diễn ra. Kosovo không còn thuộc chủ quyền của Serbia nữa, đất nước này sẽ phải có đường biên giới mới. Theo cách nói của tổng thống mãn nhịêm Boris Tadic thì Serbia đang đứng trước ngã ba đường. Tổng thống mới của Serbia sẽ phải lo đối phó với nền độc lập của Kosovo và quyết định thái độ đối với châu Âu. Đó là lý do mấu chốt của cuộc bầu cử này. Ông Boris Tadic muốn tiến hơn trong quá trình hội nhập vào châu Âu. Đối thủ của ông là Tomislav Nikolic, một người có đầu óc dân tộc chủ nghĩa thì lại muốn xa rời châu Âu vì Liên hiệp châu Âu công nhận nền độc lập của Kosovo và vì ông ta thích dựa vào nước Nga hơn.

Hoa Kỳ và Liên hiệp châu Âu mong muốn tổng thống mãn nhiệm Boris Tadic thắng cử. Đối vơí Tây phương, ông Tadic được xem là người có đủ năng lực đối phó với tình trạng nguy hiểm trước mắt. Vào tháng 2 sắp tới, như dự trù, Kosovo sẽ tuyên bố độc lập và sự kiện này chắc chắn sẽ gây náo động tại Serbia, châm ngòi lửa vào các khuynh hướng dân tộc cực đoan tại nước này.

Washington và Bruxelles, mặt khác, chiêu dụ công luận Serbia với triển vọng hoà nhập nước này vào đại gia đình châu Âu. Cuối tháng giêng này, vào ngày 28, trên nguyên tắc Bruxelles và Beograd sẵn sàng đặt bút ký vào một thoả thuận ổn định và liên kết, chặng đường đầu tiên trong tiến trình hội nhập vào khối Liên hiệp châu Âu. Theo thăm dò dư luận, 2/3 người Serbia mong muốn sớm gia nhập Liên hiệp châu Âu. Họ xem đây là chìa khóa thần, cho phép nước này hưởng các nguồn tài trợ phát triển dồi dào, tham gia vào một thị trưòng lao động rộng lớn, cho phép các công dân Serbia du lịch tự do và quan trọng nhất là được thoát ra khỏi thế cô lập hiện nay.

Thế nhưng, tuyệt đại đa số người Serbia vẫn nhất định không muốn để mất Kosovo, một lãnh thổ được xem là một cái nôi lịch sử của Serbia, cho dù trong thời kỳ hậu chiến Kosovo đã được đặt dưới quyền quản trị của Liên Hiệp Quốc, kể từ năm 1999. Ngày hôm nay, trong số 9 ứng cử viên tổng thống, chỉ có một người công khai khẳng định Kosovo đã mất và Serbia vẫn phải đi tới với châu Âu. Nhân vật này, theo thăm dò, chỉ gặt hái được 5% dự định bỏ phiếu.

Ứng cử viên theo thăm dò chiếm được nhiều dự định bỏ phiếu nhất là Tomislav Nikolic, gương mặt nổi bật nhất trong các lực lượng theo chủ nghĩa dân tộc cực đoan. Ông chủ trương xiết chặt quan hệ vơí Matxcơva và tẩy chay Bruxelles. Ông đã từng viện dẫn lý do Liên hiệp châu Âu chuẩn bị công nhận nền độc lập của Kosovo để thề thốt thà làm một địa phương của Nga còn hơn là dấn thân vào Liên hiệp châu Âu. Thái độ triệt để của ứng cử viên này đã được tổng thống Nga gián tiếp yểm trợ. Khi viếng thăm Bulgarie, tổng thống Nga Putine đã nói rằng dự án Kosovo tuyên bố độc lập là một điều phi pháp và phản đạo lý. Tại Hội đồng Bảo an, Matxcơva đã bác bỏ mọi dự thảo nghị quyết của các nước phương Tây về nền độc lập Kosovo.

Trong bối cảnh một cuộc chạy đua giành ảnh hưởng tại Đông Âu, vùng Kavkaz và tại Trung Á, Nga và Hoa kỳ đã không thể tìm được một đồng thuận nào về Kosovo. Chính quyền Matxcơva đe doạ nếu Kosovo độc lập, Tây phương sẽ phải trả một cái giá đắt đỏ, hàm ý rằng các khuynh hướng ly tâm sẽ nổi dậy, không chỉ tại Bosnia, Moldova, Gruzia, mà ngay tại nhiều nước châu Âu khác. Cuộc mặc cả giữa đôi bên sẽ có lợi cho Matxcơva nếu ứng viên Nikolic thắng lợi trong cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống vòng đầu hôm nay tại Serbia.
Bảo Thạch
(Ảnh : www.danas.co.yu : ông Tomislav Nikolic, bên trái và ông Boris Tadic, bên phải)

Thứ Bảy, 19 tháng 1, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

THÁI LAN: Hình thành thế lưỡng cực chính trị

19/01/2008_ Hôm nay, tại Bangkok, các nhà chính trị đồng minh của cựu thủ tướng Thái Lan Thaksin công bố danh sách 6 đảng liên minh để thành lập chính phủ liên hiệp. Gần 16 tháng sau ngày vị thủ tướng tỷ phú bị lật đổ vì các hành vi tham ô lạm quyền và bất kính đối với quốc vương, sự kiện các chính khách cùng phe phái của ông trở lại nắm quyền là biến cố « lật ngược thế cờ ». Trong cuộc họp báo sáng nay, lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân Samak Sundaravej tuyên bố : « Phải mất nhiều thời gian mới đạt được kết quả này ».

Quốc hội được bầu ngày 23 tháng 12 vừa qua sẽ họp phiên đầu tiên vào thứ hai tới, trong đó liên minh 6 đảng do đảng Quyền lực Nhân dân làm trụ cột, chiếm được đa số 2/3 trên tổng số 480 ghế. Theo lời ông Samak, điều này cho phép dự báo chính phủ liên hiệp sẽ tồn tại lâu dài. Theo giới phân tích, chính phủ này rất có thể sẽ do ông Samak nguyên đô trưởng Bangkok, năm nay 72 tuổi, đứng đầu.

Mặc dù đảng Quyền lực Nhân dân về đầu trong cuộc bầu cử tự do đầu tiên sau cuộc đảo chính vào tháng 9 năm 2006, nhưng không chiếm được đa số. Chiến thắng của đảng này còn bị đe dọa vì một loạt đơn kiện cáo vi phạm pháp luật và gian lận phiếu. Cuối cùng Tòa án Tối cao đã ra phán quyết bác bỏ các đơn kiện cáo chống đảng Quyền lực Nhân dân, đặc biệt là tố đảng này chỉ là bình phong của đảng Thai Rak Thai, bị cấm hoạt động.

Như vậy, 15 tháng sau cuộc đảo chính, Thái Lan sắp hồi phục một chính quyền dân sự. Nhưng với chính quyền thuộc phe thủ tướng bị lật đổ, người ta chờ đợi ông Thaksin hồi hương có thể là vào tháng tư này. Vấn đề là ông về nước như thế nào và chuyện gì có thể xảy ra cho ông ta. Vợ chồng nhà lãnh đạo tỷ phú này có nguy cơ bị tống giam vì các tộ tham ô. Ông Thaksin cũng có thể tìm cách xoa dịu phe bảo hoàng bằng cách xác định ông thần phục quốc vương.

Theo giới phân tích tại Bangkok, những tranh cãi về tính hợp pháp và hợp hiến vẫn tiếp diễn sau khi nội các liên minh được thành lập. Gay go nhất là chọn nhân vật làm thủ tướng. Cho nên chủ tịch đảng Quyền lực Nhân dân là ông Samak vẫn từ chối trả lời câu hỏi tên tuổi của vị thủ tướng tương lai. Giới phân tích chính trị tin rằng phe ông Thaksin sẽ chấp nhận nhượng bộ trước một số đòi hỏi của phe quân sự và các thành phần ủng hộ đảo chính. Nếu Thaksin là một nhà chính trị có bản lãnh, ông ta sẽ không làm mất mặt cánh quân đội.

Mặc khác, kết quả bầu cử Quốc hội vừa qua còn cho thấy, dù đảng Thai Rak Thai bị giải tán, dù 110 chính khách cùng phe với Thaksin bị cấm hoạt động chính trị, nhưng các biện pháp của chính quyền quân sự không làm sụp đổ ảnh hưởng của nhà tỷ phú có tiếng tham ô. Một thay đổi duy nhất được giới phân tích ghi nhận là sân khấu chính trị Thái Lan từ nay có thể xem như được quân bình theo thế lưỡng cực. Trước đảo chính, đảng của ông Thaksin áp đảo chính trường. Giờ đây thế trận được sắp xếp lại khá cân bằng : Một bên là liên minh của Thaksin và một bên là đảng Dân chủ, đại diện cho đối lập.
Tú Anh
(Ảnh : AFP: Liên minh 6 đảng, nòng cốt là đảng Quyền lực Nhân dân, để thành lập chính phủ Thái lan)

Thứ Sáu, 18 tháng 1, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

BÂU CỬ TỔNG THỐNG MỸ: Kinh tế là sở trường của Hillary Clinton

18/01/2008_ Nguy cơ kinh tế suy thoái đã trở thành mối lo âu số một của người dân Mỹ và do đó đã trở thành trọng tâm của cuộc vận động tranh cử tổng thống Hoa kỳ.

Trong phe dân chủ, ba ứng cử viên chính là Hillary Clinton, Barack Obama và John Edwards đã trình bày kế hoạch của từng người để vực dậy nền kinh tế dựa vào hai phương án : thúc đẩy nhu cầu tiêu thụ và giảm thuế cho các gia đình có mức thu nhập khiêm tốn.

Phía đảng cộng hoà, ứng cử viên John McCain, hôm qua, cũng đưa ra đề án giảm thuế cho xí nghiệp và khuyến khích đầu tư trong các ngành nghiên cứu và phát triển. Ứng cử viên Mitt Romney cũng đang chuẩn bị một số đề nghị.

Tuy nhiên theo giới phân tích, trong vòng bầu cử sơ bộ này, thượng nghị sĩ Hillary Clinton có vẻ chiếm thượng phong. Chủ đề kinh tế là sở trường của bà. Trong các bài diễn văn ứng khẩu, phu nhân cựu tổng thống Bill Clinton bao giờ cũng trình bày một cách lưu loát, trích dẫn số liệu thống kê một cách chính xác, nói lên được những khó khăn của giai cấp trung lưu. Bà đưa ra một danh sách biện pháp chấn hưng và không quên nhắc lại với cử tri là dưới thời tổng thống Clinton, kinh tế Mỹ phát triển mạnh như thế nào.

Chuẩn bị cho bầu cử sơ bộ cuối tuần tại bang Nevada và Nam Carolina, Hillary Clinton huy động cảm tình của cử tri bằng những lời tuyên bố như sau : « Tôi biết cuộc sống hiện nay rất khó khăn, người dân không cần những thông điệp kinh tế trừu tượng. Điều người dân Mỹ đòi hỏi hiện nay là nước Mỹ cần một tổng thống có tài lãnh đạo, điều hành một chính phủ chăm lo kinh tế và mang lại tăng trưởng ».

Theo AFP, nhiều chuyên gia Mỹ tin rằng chủ đề kinh tế từ nay chiếm trọng tâm vòng bầu cử sơ bộ, có thể mang lại nhiều lợi thế cho Hillary Clinton. Giáo sư sử học Julian Zeliger, đại học Princeton giải thích là công luận Mỹ vẫn nhớ 8 năm dưới thời Bill Clinton là 8 năm thịnh vượng. Trong số các ứng cử viên, bà Hillary Clinton là người duy nhất đóng góp vào thời kỳ sung túc này.

Một chuyên gia khác, nhà nghiên cứu Scott Keeter thuộc trung tâm Pew Reaserch cho là đối với nhiều cử tri, bà Clinton là biểu tượng cho kinh nghiệm cụ thể, còn đối thủ Barack Obama bị phê phán là chỉ biết nói chung chung, không nắm vững vấn đề.

Bà hứa, nếu đắc cử, sẽ thi hành một kế hoạch vực dậy kinh tế với 70 tỷ đôla. Đầu tiên hết là một ngân khoản khẩn cấp để làm giảm tình trạng tịch biên nhà cửa những gia đình thiếu tiền trả tín dụng và thêm 25 tỷ đô la trợ giúp giảm nhẹ hóa đơn tiền gas. Một đề nghị cụ thể nữa, chắc chắc hấp dẫn cử tri, là đình chỉ tịch thu nhà cửa trong vòng 90 ngày và ngưng trả tiền lời trong vòng 5 năm để giải tỏa khủng hoảng nợ khó đòi. Kế hoạch này cũng dự trù các biện pháp tăng tiền trợ cấp thất nghiệp và miễn thuế cho người có mức thu nhập trung bình.

Đối thủ của bà trong đảng Dân chủ cũng tung ra kế hoạch 75 tỷ đô la miễn thuế và giúp cho người nghèo.
Nhưng có lẽ còn sớm để có thể đo lường được một cách chính xác bà Hillary Clinton thu phục được niềm tin của cử tri đến đâu. Theo giáo sư chính trị học Bruce Buchanan, đại học Texas : «Tất cả còn tùy thuộc phương cách ứng phó của các đối thủ ».
Tú Anh
(Ảnh : blog.wired.com)

Thứ Năm, 17 tháng 1, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

ĐÀI LOAN: Mã Anh Cửu phải thận trọng khi xích lại gần Trung Quốc

17/01/2008_ Tại Đài Loan, mặc dù có nhiều triển vọng thắng cử tổng thống nhưng ứng cử viên Quốc Dân đảng vẫn phải thận trọng trong việc xích lại gần Trung Quốc.

Vào tháng ba tới đây, Đài Loan có bầu cử tổng thống. Triển vọng thắng cử của ông Mã Anh Cửu, ứng cử viên Quốc Dân đảng đã tăng hẳn lên sau cuộc bỏ phiếu bầu quốc hội vào cuối tuần trước. Trong cuộc bỏ phiếu này, Quốc Dân đảng đã giành được 81 trong tổng số 113 ghế tại nghị viện. Theo các cuộc thăm dò dư luận, ông Mã Anh Cửu, hơn hẳn ứng cử viên của đảng Dân Tiến, ông Tạ Trường Đình, tới 30 điểm.

Theo giới phân tích, quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan sẽ giảm căng thẳng nếu như ứng cử viên của Quốc Dân đảng trở thành tổng thống, nhưng việc cải thiện quan hệ giữa Bắc kinh và Đài Bắc khó có thể nhanh chóng có được những bước đột phá. Một trong những nguyên nhân chính là các áp lực chính trị nội bộ.

Sau cuộc nội chiến, năm 1949, đảng cộng sản Trung Quốc đã giành được chính quyền và Quốc Dân đảng đã phải rút chạy về Đài Loan. Thế nhưng, trong những năm gần đây, Quốc Dân đảng và chính quyền Bắc Kinh đã có một mục tiêu chung, đó là chống lại các chính sách đòi độc lập cho Đài Loan của tổng thống đương nhiệm Trần Thủy Biển.

Hoa Kỳ, Trung Quốc và cộng động doanh nhân đầy thế lực của Đài Loan đều hy vọng là việc ông Mã Anh Cửu thắng cử sẽ giúp tránh được tình trạng đối đầu trực diện mà đảng Dân Tiến chủ trương, đồng thời mở ra một thời kỳ mới trong quan hệ giữa Trung Quốc và Đài Loan. Điều này sẽ giúp tránh được một cuộc xung đột mà nếu có xẩy ra thì Washington buộc phải can dự để bảo vệ đồng minh Đài Bắc.

Thế nhưng, theo giới phân tích, được AP trích dẫn, nếu có trở thành tổng thống Đài Loan, thì trong thời gian đầu, ông Mã Anh Cửu cũng phải nghe ngóng, chờ đợi. Ông sẽ phải rất thận trọng khi thực thi các chính sách cải thiện quan hệ với Trung Quốc như tăng cường quan hệ kinh tế song phương, mở đối thoại với Bắc Kinh về việc ký kết một hiệp định hoà bình.

Khi tuyên bố chỉ ủng hộ thống nhất Đài Loan với Trung Quốc nếu như Trung Hoa lục địa trở thành một nền dân chủ, ông Mã Anh Cửu lại chủ trương đẩy mạnh giao lưu kinh tế, mở các tuyến vận tải hàng không và hàng hải trực tiếp giữa Đài Loan và Trung Quốc. Theo ông, việc giảm tối thiểu các quy định ngăn cấm, hạn chế đầu tư sang Trung Quốc sẽ giúp thúc đẩy nền kinh tế của hòn đảo này tăng trưởng mạnh mẽ.

Ông Andrew Yang, thuộc Hội đồng Nghiêu cứu Chính trị Đài Loan, tại Đài Bắc, cho rằng ứng cử viên Mã Anh Cửu rất nghiêm túc trong kế hoạch mở rộng quan hệ với Trung Quốc, nhưng các áp lực chính trị bên trong sẽ buộc ông ta phải thận trọng. Theo chuyên gia Yang, nếu thắng cử, thì cho đến cuối năm nay, 2008, sẽ chẳng có gì đáng chú ý trong quan hệ song phương sẽ xẩy ra cả. Ông Mã sẽ phải lắng nghe mọi ý kiến trước khi đưa ra các chính sách. Ưu tiên hàng đầu của ông ta là phải bảo vệ các lợi ích của Đài Loan.

Có thể giao lưu hàng không và hàng hải trực tiếp sẽ được mở ra vào mùa xuân 2009, nhưng không thể có những bước tiến trong quan hệ chính trị song phương. Bởi vì, cho đến nay, Đài Loan và Trung Quốc không tin tưởng lẫn nhau. Việc đàm phán một hiệp định hoà bình may ra có thể được tiến hành vào hai năm cuối của nhiệm kỳ, tức là kể từ 2010.

Đây cũng là nhận định của ông George Tsai, đại học văn hoá Trung Quốc ở Đài Bắc. Theo ông, tân tổng thống cần phải chứng tỏ cho người dân Đài Loan biết là ông không bán đứng họ cho Trung Quốc.

Giới quan sát nhấn mạnh, mặc dù bỏ phiếu ủng hộ Quốc Dân đảng, nhưng đa số ngưòi dân Đài Loan vẫn cảnh giác với Trung Quốc. Họ chỉ muốn duy trì nguyên trạng, tức là tình trạng độc lập trên thực tế của hòn đảo này.

Theo một cuộc thăm dò dư luận do Hội đồng phụ trách Quan hệ với Trung Quốc thuộc chính phủ Đài Bắc, được công bố, chỉ có 14% người dân trên hòn đảo này ủng hộ thống nhất với Trung Quốc. Đại đa số người dân lại muốn tăng cường quan hệ kinh tế song phương. Họ nghĩ rằng trong 8 năm ông Trần Thủy Biển làm tổng thống, các biện pháp hạn chế đầu tư và ngăn cấm mở các tuyến giao thông hàng hải và hàng không trực tiếp với Trung Quốc đã làm cho nền kinh tế Đài Loan bị tụt giảm, chỉ còn khoảng 3,8% trong năm qua, thay vì 6,5% như vào giữa những năm 90, khi Quốc Dân Đảng nắm quyền tại hòn đảo này.
Đức Tâm
(Ảnh : www. viewimages.com : Ông Mã Anh Cửu, ứng cử viên tổng thống của Quốc Dân đảng Đài Loan)

Thứ Tư, 16 tháng 1, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

QUAN HỆ LIÊN TRIỀU : Xóa bỏ chính sách Vầng Thái Dương ?

16/01/2008_ Tiến trình giải trừ hạt nhân Bắc Triều Tiên lâm vào bế tắc, kể từ mồng một tháng giêng vừa qua, khi Bình Nhưỡng không tôn trọng kỳ hạn kê khai đầy đủ những hoạt động nguyên tử của mình và hoàn tất việc vô hiệu hóa cơ sở Yongbyong.

Hôm nay, một sự kiện khác càng làm tăng thêm không khí bi quan trên hồ sơ này. Đó là việc trong sơ đồ tổ chức mới của chính phủ Hàn Quốc, bộ Thống Nhất sẽ không còn tồn tại. Theo các quan chức chính quyền Séoul, trong dự án cải tổ chính phủ, tổng thống thắng cử Lee Myung bak muốn sát nhập bộ Thống Nhất vào bộ Ngoại Giao của Hàn Quốc. Cho dù bên cạnh bộ Thống Nhất, cơ quan đầu não chuyên trách việc cải thiện quan hệ liên Triều, có thêm 4 bộ khác trong chính phủ cũng sẽ không còn tồn tại trong sơ đồ tổ chức mới, thế nhưng, bộ Thống Nhất được xem là biểu tượng của chính sách Vầng Thái Dương.

Trong thời gian qua, công luận Hàn Quốc đã nhiều lần chứng kiến cảnh bộ Thống Nhất bất đồng qua điểm với bộ Ngoại Giao Hàn Quốc. Bộ Thống Nhất thiên về những giải pháp hoà hoãn với Bình Nhưỡng, trong khi bộ Ngoại Giao đã nhiều lần muốn Séoul tỏ thái độ cứng rắn hơn với người anh em phương bắc. Do đó, dự án sát nhập bộ Thống Nhất vào bộ Ngoại Giao trong chính phủ mới, mà tổng thống thắng cử Lee Myung bak sẽ lãnh đạo kể từ ngày 25 tháng 2 sắp tới, được xem là tín hiệu bất lợi cho Bắc Triều Tiên. Từ nay, rất có thể là chính sách Vầng Thái Dương sẽ gặp nhiều trắc trở.

Xin nhắc lại, trong suốt một thập niên vừa qua, dưới sự lãnh đạo của Tổng Thống Kim Dae jung và sau đó của Tổng Thống Roh Moo hyun, Vầng Thái Dưong đã được tôn lên hàng quốc sách. Cựu tổng thống Kim Dae jung đã được trao giải thưởng Nobel Hoà Bình năm 2000 nhờ vào Vầng Thái Dương. Séoul thành lập Bộ Thống Nhất liên triều vào năm 1998.

Ngày hôm nay, sau một thời gian công cuộc giải trừ hạt hạt nhân Bắc Triều Tiên đã đạt nhiều kết quả, một lần nữa, tiến trình này đang có nguy cơ bị tê liệt.

Nhiều ẩn số mới đã xuất hiện vào thời điểm mà Hàn Quốc thay đổi lãnh đạo, trong khi tổng thống Mỹ Georges Bush cũng sẽ mãn nhiệm kỳ vào cuối năm nay. Ông Lee Myung bak thắng cử tổng thống Hàn Quốc ngày 19 tháng 12 vừa qua, chủ trương một đường lối cứng rắn hơn với Bắc Triều Tiên. Ông Lee đã nhiều lần đe dọa xóa bỏ chính sách Vầng Thái Dưong .

Tín hiệu khác cho thấy thái độ mạnh mẽ, chứ không còn mềm dẻo của Séoul đối với Bình Nhưỡng, đó là đề nghị ngày 14 tháng giêng vừa qua của ông Lee, tổ chức 1 Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều tại thủ đô Hàn Quốc, chớ không phải là tại thủ đô Bắc Triều Tiên, như hai lần trước đây. Mặt khác, ông Lee thường xuyên tuyên bố gắn liền viện trợ của Hàn Quốc với điều kiện Bắc Triều Tiên phải thi hành các cam kết quốc tế. Cho dù được nhiều quan sát viên đánh giá là con người thực tế, ông Lee sẽ không bỏ lỡ các cơ hội làm ăn với Bắc Triều Tiên, nhưng trong giai đoạn trước mắt, vị tổng thống tương lai của Hàn Quốc đang muốn đặt cược cao hơn với Bình Nhưỡng. Ông còn hứa với công luận Hàn Quốc sẽ đề cập đến vấn đề nhân quyền trong quan hệ với Bắc Triều Tiên, một điều được xem là úy kỵ trong chính sách Vầng Thái Dương.

Vì vậy, từ nay đến khi Bình Nhưỡng từ bỏ con đường hạt nhân và trở lại vòng đàm phán sáu bên, thời kỳ chuyển tiếp này có thể sẽ kéo dài. Trong bối cảnh hiện nay, nhiều nhà phân tích không loại trừ giả thuyết ông Kim Jong il muốn thương thuyết với tổng thống tương lai của Hoa Kỳ, hơn là với ông Georges Bush.
Bảo Thạch
(Ảnh : english.chosun.com : ông Lee Myung bak, người đắc cử tổng thống Hàn Quốc ngày 19 tháng 12 năm 2007)

Thứ Ba, 15 tháng 1, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

NGA - ANH : Quan hệ căng thẳng

15/01/2008_Matxcơva tạo căng thẳng với Luân Đôn trong chiến lược tháo gỡ vòng vây do Hoa Kỳ áp đặt quanh nước Nga từ thời Liên Xô bị phân rã.

Quả thực là Luân Đôn đang trở thành đối tượng bị Matxcơva tấn công. Sau quyết định không cấp thị thực nhập cảnh cho nhân viên Anh quốc làm việc tại viện Văn hoá Britsh Council ở St Petersbourg và Ekaterinabourg, vốn đã bị Nga yêu cầu đóng cửa, Matxcơva hôm nay chuyển mũi dùi qua một tổ chức phi chính phủ. Theo tiết lộ của báo chí Nga, viện công tố Cộng Hoà Tchesnya vừa yêu cầu đóng cửa Trung Tâm Hòa Bình và Phát triển Cộng Đồng, một tổ chức phi chính phủ của Anh, đặt tại Grosnyi. Cũng theo nguồn tin trên, một trụ sở khác của Trung Tâm này đặt tại Cộng Hoà Ingouchia lân cận cũng đã bị đóng cửa. Bàn tay của Matxcơva trong các vụ nói trên rất rõ ràng vì cả Tchesnya lẫn Ingouchia đều là các nước cộng hòa trực thuộc Liên bang Nga.

Câu hỏi đặt ra là tại sao Matxcơva lại liên tiếp gây căng thằng với Luân Đôn như vậy.

Nguyên nhân có thể nói là trực tiếp của tình hình căng thẳng hiện nay thường được giới phân tích nêu lên là tranh chấp giữa Anh quốc và Nga từ ngày ông Alexander Litvinenko, một cựu gián điệp Nga, bị đầu độc chết tại Luân Đôn vào năm 2006.

Nghi can chính trong vụ này là một người Nga mà Luân Đôn đã yêu cầu Matxcơva cho dẫn độ người này qua Anh để điều tra nhưng đã bị từ chối. Căng thằng giữa hai bên nẩy sinh và càng lúc càng gia tăng từ khi ấy.

Tuy nhiên, đối với nhiều nhà quan sát khác, vụ Litvinenko chỉ là phần nổi của một chiến lược toàn diện hơn do chính quyền Putin tiến hành nhằm phá vỡ vòng vây mà Hoa Kỳ đã thiết lập quanh nước Nga từ thời Liên Xô bị phân rã. Sở dĩ Anh quốc trở thành đối tượng bị tấn công dữ dội nhất, đó là vì Luân Đôn, đặc biệt dưới thời cựu thủ tướng Tony Blair, bị xem là trợ thủ đắc lực nhất của Washington trong việc thực hiện chiến lược bao vây đó.

Trong hai bài đăng trên báo mạng Atimes.com vào tháng 10 năm 2006, một chuyên gia nổi tiếng về toàn cầu hóa, ông F. William Engdahl đã nêu bật chiến lược của Hoa Kỳ nhằm khuất phục nước Nga thời hậu Liên Xô, thể hiện cụ thể qua việc tranh thủ tình trạng yếu kém của chế độ Eltsine để xiết chặt gọng kềm quanh Liên bang Nga.

Chiến lược này, theo tác giả bài báo, có thể tóm tắt trong một số nét chủ yếu như sau : Trước hết là mở rộng Liên minh Bắc Đại Tây Dương về phiá đông, đặc biệt là kết nạp vào NATO các nước thuộc Liên Xô cũ. Kế hoạch này đã thành công. Vào năm 2004, Liên minh quân sự do Hoa Kỳ lãnh đạo đã bao gồm Litva, Latvia và Estonia, ba nước cộng hoà Baltic thuộc Liên Xô, cùng với một loạt nước cộng sản cũ như Ba Lan, Tchèque, Slovakia, Hungary, Bulgarie, Roumanie và Slovenia.

Không chỉ thế, Washington còn khuyến khích các cuộc cách mạng dân chủ tại một số nước khác vẫn nằm trong tầm ảnh hưởng của Matxcơva, nhằm thay thế các chính quyền thân Nga bằng những người thân phương Tây. Các cuộc cách mạng Da cam ở Ukraina, Hoa hồng ở Gruzia, hay các phong trào dân chủ ở Belarus, Kirghistan, Uzbekistan đều được Washington tài trợ thông qua các tổ chức dân sự trong đó có Freedom House, National Endowment for Democracy, Foundation Soros cùng nhiều tổ chức phi chính phủ khác.

Theo Engdhal, mục tiêu tối hậu của Hoa Kỳ là làm sao cắt đứt đường trung chuyển của dầu khí Nga qua Tây Âu, hay qua các thị trường khác như Trung Quốc hay Đông Bắc Á.

Tại Châu Âu, Anh quốc bị đánh giá là đã tiếp tay đắc lực cho các ý đồ của Mỹ, nhất là khi tập đoàn BP của Anh, tập đoàn Anh Hà Lan Shell đều nằm trong Bộ Tứ các đại công ty dầu hỏa phục vụ cho lợi ích của Hoa Kỳ. Các đại gia thời Eltsine như Berezovsky, Khodorskovsky, cùng với nhiều nhà tài phiệt Nga khác từng cư ngụ tại Anh quốc và được Luân Đôn bảo bọc.

Chính vì những lý do nêu trên mà khi ông Putin lên thay thế Eltsine lãnh đạo nước Nga, một trong những chiến lược chủ đạo của Matxcơva là khôi phục tư thế cường quốc để đủ sức đối phó với Hoa Kỳ về mặt quân sự, đồng thời giải tỏa gọng kềm của Hoa Kỳ đang xiết lại quanh mình. Quan hệ căng thẳng với Luân Đôn, đồng minh chí cốt của Mỹ tại châu Âu có thể được giải thích trong bối cảnh đó.
Trọng Nghĩa
(Ảnh : AP : Cựu điệp viên Nga Alexandre Litvinenko, người bị đầu độc chết năm 2006 tại Luân Đôn)

Thứ Hai, 14 tháng 1, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

IRAN : Cam kết làm sáng tỏ chương trình hạt nhân trong vòng 4 tuần

14/01/2008_ Chính quyền Iran đồng ý cung cấp thông tin cần thiết để làm sáng tỏ các hoạt động hạt nhân trong quá khứ. Tin này vừa được Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế, AIEA, thông báo chiều hôm qua, tóm lược kết quả hai ngày thăm viếng Iran và gặp gỡ những người lãnh đạo cao nhất, trong đó có giáo chủ Ali Khamenei, lần đầu tiên ông tiếp xúc.

Theo lời Tổng Giám đốc AIEA, trong dịp này, giới lãnh đạo Iran còn tiết lộ những thông tin liên quan đến kế hoạch chế tạo máy ly tâm có khả năng tinh lọc Uranium với vận tốc cao.

Một lần nữa, Tổng Giám đốc Cơ quan Năng lượng Nguyên tử tìm cách giải quyết bằng đối thoại xung khắc giữa Iran và Tây phương vẫn nghi ngờ chính quyền hồi giáo che dấu âm mưu chế tạo vũ khí hạt nhân.

Thông báo của AIEA chỉ được các nước Tây phương đón nhận một cách thận trọng. Hoa kỳ và các nước Tây Âu thẩm định rằng thỏa thuận của Iran chỉ là một bước đầu. Chính quyền hồi giáo phải đình chỉ mọi hoạt động nguyên tử nhạy cảm nhất, như tinh lọc Uranium, điều kiện này không thấy nêu trong thông báo của AIEA.

Thái độ dè dặt của các chính phủ phương Tây không phải là vô lý. Theo AFP, văn kiện thỏa thuận mà Iran cam kết sẽ làm sáng tỏ trong 4 tuần, thật ra đã được chính Iran đồng ý với AIEA hồi tháng 8 năm ngoái sau nhiều năm giằng co, cộng thêm hai nghị quyết trừng phạt của Liên Hiệp Quốc.

AIEA đòi hỏi Iran phải giải thích về những cuộc thí nghiệm trong quá khứ với Plutonium và Polonium 210, việc quản lý mỏ uranium ở Ghachine, miền nam Iran, việc sử dụng máy ly tâm loại P1, P2 để tinh lọc uranium có cường độ phóng xạ cao. Dấu tích uranium được tinh lọc được tìm thấy ở Đại học kỹ thuật Téhéran và nhất là các nghiên cứu bị nghi ngờ liên quan đến chương trình hạt nhân quân sự.

Lúc đầu, Iran hứa sẽ làm sáng tỏ các nghi vấn này trước cuối năm 2007, nhưng cuối cùng kỳ hạn này không được tôn trọng.

Vào đầu tháng ba, Tổng Giám đốc AIEA phải trình một bản báo cáo mới về Iran tại Hội đồng Bảo an.
Phải chăng, một lần nữa, Iran áp dụng chiến thuật cũ, dùng kế hoãn binh để tránh bị lên án.

Giới ngoại giao Tây phương còn nghi ngờ Iran chỉ hứa chứ không thực hiện lời hứa với AIEA. Đầu tháng 12 năm ngoái, một bản phúc trình của tình báo Mỹ, lần đầu tiên, nói là Iran đã đình hoãn chương trình hạt nhân quân sự từ năm 2003. Nhưng bản báo cáo này nói thêm là Téhéran vẫn tiếp tục tinh lọc Uranium để có thể làm bom khi cần thiết.
Tú Anh
(Ảnh : www.quid.fr: tổng thống Iran Mahmoud Ahmadinejad và tổng thư ký Liên Hiệp Quốc, Ban Ki moon, tại trụ sở Liên Hiệp Quốc, ngày 24 tháng 7 năm 2007)

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2008





TRUY NẠP CHƯƠNG TRÌNH

QUAN HỆ TRUNG - ẤN : Vẫn tiềm ẩn những căng thẳng

13/01/2008_ Quan hệ Trung Quốc-Ấn Độ tuy được cải thiện trong thời gian qua nhưng vẫn tiềm ẩn nhiều căng thẳng.

Trong thế kỷ 21, Ấn độ và Trung Quốc nổi lên như hai nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh và liên tục. Là hai quốc gia đông dân nhất hành tinh, các tham vọng, lợi ích của Trung Quốc và Ấn Độ chắc chắn ảnh hưởng tới trật tự thế giới mới hậu chiến tranh lạnh. Thế nhưng, bang giao giữa hai nước rất phức tạp. Mặc dù đã được cải thiện trong những năm vừa qua, nhưng mối quan hệ này còn tiềm ẩn nhiều căng thẳng. Đó là nhận định của giới phân tích nhân chuyến công du Trung Quốc, bắt đầu ngày hôm nay, của thủ tướng Ấn Độ, Manmohan Singh.

Báo trên mạng Asia Times nhấn mạnh, Ấn Độ và Trung Quốc không chỉ có tranh chấp về đường biên giới chung dài hàng ngàn cây số mà còn có ý đồ mở rộng vùng ảnh hưởng của mình. Năm 1962, Ấn Độ đã mất hơn 22 ngàn cây số vuông sau cuộc chiến tranh biên giới với Trung Quốc.

Trong suốt thời kỳ chiến tranh lạnh, Ấn Độ dựa vào Liên xô cũ để trang bị vũ khí. Năm 1998, khi tiến hành thử nguyên tử, Ấn Độ giải thích là để đối phó với mối đe dọa đến từ nước láng giềng khổng lồ. Trong khi đó, Trung Quốc lại giúp Pakistan về mặt quân sự. Cho đến tận tháng 3 năm 2002, hai nước vẫn không có các chuyến bay chở khách trực tiếp. Trao đổi mậu dịch hai chiều chỉ dừng lại ở mức khoảng 5 tỷ đô la.

Phải đợi đến tháng sáu năm 2003, quan hệ song phương mới có những bước đột phá đáng kể nhân chuyến công du Trung Quốc của thủ tướng Ấn Độ Atal Bihari Vajpayee. Trong vấn đề tranh chấp biên giới, Bắc Kinh và New Delhi nhấn mạnh đến việc tìm kiếm một giải pháp chính trị ngoại giao. Năm 2005, trong chuyến viếng thăm Ấn Độ của thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo, hai nước đã đề ra được các nguyên tắc giải quyết hồ sơ này, đồng thời, quyết định nâng mối bang giao lên tầm quan hệ đối tác hợp tác và chiến lược.

Trong 11 tháng đầu năm 2007, trao đổi mậu dịch Trung-Ấn đạt mức 34,2 tỷ đô la. Tháng 12 vừa qua, lần đầu tiên, quân đội hai nước tiến hành tập trận chung. Đầu năm 2007, đường dây điện thoại nóng được thiết lập giữa hai bộ ngoại giao, các cơ quan lãnh sự được mở tại Quảng châu – Trung Quốc và Kolkata - Ấn Độ. Giao thông hàng không được mở ra nối liền phía đông Ấn Độ với phía nam Trung Quốc và giờ đây, mỗi tuần có tới 22 chuyến bay trực tiếp giữa hai nước. Trên diễn đàn quốc tế, hai nước có lập trường chung trong một số hồ sơ quan trọng như vấn đề thay đổi khí hậu trên trái đất hay đàm phán tự do mậu dịch trong khuôn khổ tổ chức thưong mại thế giới.

Thế nhưng, những cải thiện quan hệ nói trên vẫn không che lấp được các căng thẳng tiềm tàng giữa hai nước.

Về kinh tế, Ấn Độ đang phải đương đầu với gánh nặng nhập siêu từ Trung Quốc, hơn 9 tỷ đô la trong năm 2007, vào năm 2005, con số này chỉ là 843 triệu đô la. Mặc dù đã thừa nhận Trung Quốc là một nền kinh tế thị trường nhưng Ấn Độ không mặn mà với việc ký hiệp định tự do mậu dịch song phưong.

Về địa lý chính trị, Bắc Kinh tỏ ra khó chịu về hiệp định hợp tác hạt nhân dân sự được ký kết giữa New Delhi là Washington. Theo báo chí Trung Quốc, thoả thuận này tác động xấu đến tiến trình ngăn chặn vũ khí nguyên tử bởi vì Ấn Độ chưa ký hiệp định không phổ biến hạt nhân.

Trong lúc đó, Trung Quốc vẫn tiếp tục mở rộng hợp tác quân sự với Pakistan, quốc gia luôn có quan hệ căng thẳng với Ấn Độ. Chiến lược « chuỗi ngọc trai » của Băc kinh, trong đó có việc xây dựng một loạt căn cứ hải quân dọc theo bờ Ấn Độ Dương đã làm cho chính quyền New Delhi không yên tâm.

Mặt khác, việc Ấn Độ tham gia đối thoại bốn bên cùng với Hoa Kỳ, Nhật Bản và Úc làm cho chính quyền Bắc Kinh nghi ngờ là các nước này muốn lập một « vòng cung dân chủ » cô lập Trung Quốc.

Do vậy, theo Asia Times, đặc trưng cho các phát triển quan hệ giữa hai nước trong thời gian gần đây là mang tính biểu tượng nhưng ít nội dung thực chất. Ví dụ, trong cuộc tâp trận chung vừa qua, các chuyên gia quân sự cho biết là có rất ít thông tin quân sự quốc phòng có giá trị được trao đổi giữa hai nước. Mục tiêu của cuộc tâp trận là chống khủng bố trong khi đó, mối đe dọa khủng bố lớn nhất hiện nay đối vơí Ấn Độ là tới từ Pakistan.

2007 là năm phát triển quan hệ hữu nghị qua du lịch giữa hai nước. Thế nhưng, chỉ có hơn 67 ngàn du khách Trung Quốc sang Ấn Độ trong tổng số 35 triệu người Trung Quốc đi du lịch nước ngoài.

Các nhà phân tích cho rằng trong chuyến công du Trung Quốc lần này của thủ tướng Ấn độ, hai nước có thể chỉ nhấn mạnh đến hợp tác kinh tế, các lập trường chung trên một số hồ sơ quốc tế như môi trường, đàm phán thương mại thế giới. Ít có khả năng là Bắc Kinh và New Dehli đưa ra được những sáng kiến ngoạn mục giải quyết tranh chấp lãnh thổ, bởi vì hồ sơ này đã đi vào giai đoạn phải xử lý một cách thực chất và cụ thể.
Đức Tâm
(Ảnh : images.china.cn : Thủ tướng Ấn độ Manmohan Singh và Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo bên lề hội nghị thượng đỉnh ASEAN, 11/2007, tại Singapore)